Phải khẳng định rằng, du lịch văn hóa là thế mạnh hàng đầu của tỉnh Bạc Liêu và nơi đây đã được các bộ, ngành Trung ương chọn làm nơi tổ chức trình diễn, hội tụ các không gian văn hóa vùng miền trên cả nước. Bởi Bạc Liêu rất giàu tài nguyên du lịch về văn hóa và tập trung nhiều công trình, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và cả những di sản văn hóa độc đáo.
Một trong những di sản ấy chính là các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Bản Dạ cổ hoài lang của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919, qua hơn 100 năm phát triển với những “cải biến” trở thành bản vọng cổ, bài “ca vua” trong nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ. Bản Dạ cổ hoài lang chính là sự kết tinh của những giá trị nhân văn, nghệ thuật, cũng như lịch sử quê hương Bạc Liêu và Nam Bộ – Cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Năm 2020, Khu Lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của Khu vực ĐBSCL và Bạc Liêu, tỉnh tập trung đầu tư phát triển để đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao. Cùng với đó, Lễ hội Dạ cổ hoài lang được tổ chức hàng năm trở thành một trong những sự kiện văn hóa đặc sắc của Bạc Liêu. Hiện nay tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện, thủ tục đề nghị trở thành Lễ hội cấp Quốc gia.
Ngoài ra, để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nghệ thuật Cải lương kết hợp với phát triển du lịch, thành phố rất chú trọng đến việc củng cố, duy trì và thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ của các câu lạc bộ đờn ca tài tử gắn với phục vụ du khách ở các khu, điểm du lịch. Đồng thời, hàng tuần tại Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát 3 nón lá) đều duy trì các suất biểu diễn Nghệ thuật Cải Lương phục vụ người dân và khách du lịch.
Cùng với phát huy giá trị văn hóa đặc sắc từ bản Dạ cổ hoài lang và Khu Lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, trong Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, Bạc Liêu sẽ tập trung khai thác, phát huy giá trị văn hóa từ các công trình kiến trúc nghệ thuật, nhất là phục dựng và khuyến khích phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian, văn hóa sinh hoạt truyền thống và các lễ hội văn hóa đặc thù. Đó là Lễ hội Quán âm Phật đài gắn liền với tín ngưỡng thờ Quán âm Nam Hải của người dân vùng biển Nam Bộ. Khai thác di tích Chùa Xiêm Cán gắn với các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer và các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của cộng đồng người Hoa như: Phước Đức Cổ Miếu (chùa Ban) chùa Ông Quan Đế, chùa Bà Địa Mẫu, chùa Bà Chúa Xứ… Đây là những công trình kiến trúc cổ mang ý nghĩa kiết tường, phản ánh sinh động nhân sinh quan, thế giới quan của đồng bào dân tộc và thu hút đông du khách vào các dịp lễ hội, đặc biệt là các lễ hội dân gian phản ánh sinh động tín ngưỡng phồn thực, văn hóa cộng đồng và sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trong việc khai phá, phát triển vùng đất phương Nam…
Trong đó, có các lễ hội rất tiêu biểu của đồng bào dân tộc Hoa và Khmer ở Bạc Liêu như: lễ tạ thần, lễ cầu an, tết Thanh Minh của đồng bào người Hoa, hay lễ Oc-Om-bok, Sen Đôn Ta, Chol-Thnăm-Thmây của đồng bào dân tộc Khmer…Tất cả những lễ hội dân gian tiêu biểu ấy thể hiện bản sắc văn hóa đậm đà, truyền thống dân tộc và khát vọng phát triển của đồng bào qua từng nghi thức tế lễ, đồ cúng và cả lễ nhạc được diễn tấu trong các lễ hội. Đây chính tài nguyên văn hóa rất đặc sắc cho phát triển du lịch và tạo nên bản sắc, sức cạnh tranh riêng của du lịch Bạc Liêu với mục tiêu trở thành Trung tâm du lịch vùng ĐBSCL và cả nước.
Ngoài các thế mạnh về văn hóa, với điều kiện sinh thái đặc thù, Bạc Liêu có khoảng 150 sản phẩm OCOP tiêu biểu và được xem là đặc sản nổi tiếng khắp cả nước như: muối Bạc Liêu, tôm khô, cá kèo, bánh phồng tôm, mắm cá đồng, chả cá thác lác…
Nhằm khai thác và phát huy thế mạnh này, BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh và Sở VH-TT&DL đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình và Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu mong muốn được đón tiếp và hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước, cùng các công ty lữ hành trong việc phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng và nâng chất các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra thế mạnh và sức cạnh tranh riêng cho ngành công nghiệp không khói này…
LÝ VỸ TRIỀU DƯƠNG, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1-2/2025)
VHDN: So với những địa phương khác của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, Bạc Liêu hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh cho phát triển du lịch. Trong đó, du lịch văn hóa được xem là tài nguyên đặc thù, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng và thật sự […]