Sự kiện - chuyên đề:

Khát vọng dược liệu quý của cô gái “ Thành Tuyên”

VHDN: “Gần 15 năm làm công nhân Quốc phòng, đùng một cái em bén duyên với trang trại, thế là thành lập Hợp tác xã, kiến thức không nhiều nhưng đam mê khiến em tiếp tục học hỏi, đích của em là thành công về dược liệu…” – Chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ Thương mại Quỳnh Nhi (HTX Quỳnh Nhi), tổ 13, phường Đội Cấn, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Huyền tự tay chăm sóc từng khóm gấc sau thu hoạch.

Từ công nhân Quốc phòng đến Giám đốc HTX trồng dược liệu

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm công nhân ở Tuyên Quang, tuổi thơ của Huyền gắn liền với những đồi chè bạt ngàn của nông trường chè Sông Lô. Lớn lên chị đi học và làm công nhân Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Nhưng với tình yêu thiên nhiên và niềm đam mê những sản phẩm dược liệu, Huyền đã rẽ lối quyết tâm thành lập HTX Quỳnh Nhi trồng dược liệu theo hướng sản xuất hữu cơ. Xuất thân từ công nhân, kiến thức nông nghiệp không nhiều là những khó khăn khiến chị luôn trăn trở: “Vì kiến thức nông nghiệp không nhiều nên ban đầu em chọn trồng đinh lăng và gấc, những loại cây quen thuộc với tuổi thơ của em”. Sau này nhận thấy nhu cầu ngày càng cao về dược liệu của các công ty sản xuất dược, Huyền quyết định chọn trồng thêm giảo cổ lam và táo bạo đưa giống Sachi có nguồn gốc từ vùng rừng rậm Amazon Nam Mỹ được nhập vào Việt Nam.

“Liều” vì đam mê sáng tạo và thành công

Tìm hiểu về tính chất của các loại cây dược liệu và học làm kinh tế trang trại là cả một quá trình gian nan đối với Huyền. Ngoài tìm hiểu qua intenet, báo chí, truyền hình và học hỏi bạn bè, Huyền còn đi đến các nơi trồng cây dược kiệu có năng suất cao để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây và tìm đầu ra cho sản phẩm. Với quyết tâm phải làm cho bằng được cùng với niềm đam mê, Huyền là người tiên phong đưa cây sachi, một loài thực vật họ dầu xuất xứ từ Nam Mỹ, lần đầu tiên được trồng ở Tuyên Quang. Cũng trong thời điểm ấy, do ít có kinh nghiệm nên hơn 10 ngàn gốc cây gấc ở trang trại bị chết, giấc mơ về “Ông vua của các loại hạt – Sachi” của Huyền cũng đứng trước nguy cơ thất bại.

Nhóm sản phẩm của HTX Quỳnh Nhi.

Nhớ lại những lần về quê mẹ ở Vĩnh Phúc, Huyền nhận thấy có sự kết hợp xen canh giữa các loại cây trồng trong canh tác nông nghiệp, vì vậy Huyền lại tiếp tục nghiên cứu và bắt đầu thử nghiệm. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, Huyền đã tìm ra cách tạo thành những khung thép chữ T để làm giàn leo cho gấc, sachi và giảo cổ lam, đồng thời tạo bóng mát cho những cây đinh lăng phía dưới vào mùa hè, tránh được sương muối vào mùa đông với khoảng cách và kích thước phù hợp, tạo điều kiện cho cây lá quang hợp, phát triển. Chính vì những sáng kiến đơn giản ấy mà đinh lăng ở HTX Quỳnh Chi hoàn toàn không bị sâu bệnh, đất được cải tạo tơi xốp, tạo độ ẩm cho các loại cây trong trang trại cùng phát triển mà tuyệt nhiên không sử dụng bất cứ loại phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng hay loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Yếu tố văn hóa trong kinh tế trang trại

Bài học “nhất nước, nhì phân” mà Huyền vận dụng ở HTX Quỳnh Nhi cho thấy yếu tố nguồn nước luôn được ưu tiên trong sản xuất. Sau khi tìm hiểu và được sự tư vấn khoa học, Huyền đã đầu tư các giếng khoan ở độ sâu 70m để có nguồn nước tưới sạch, đảm bảo các điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng cây trồng. Huyền quan niệm: “Cây trồng khỏe mạnh sẽ phát triển tốt, sản xuất hữu cơ không dùng hóa chất và thuốc trừ sâu trong canh tác sẽ cho ra sản phẩm an toàn, tạo ra giá trị sản phẩm tốt, uy tín trong kinh doanh và trên hết là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”. Chính vì vậy, HTX Quỳnh Nhi luôn được các công ty dược phẩm chọn để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên đầu ra khá ổn định. Có thể nói, đây là giá trị của nhận thức tiến bộ trong sản xuất của các doanh nghiệp mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng cần hướng đến và xem đây là giá trị văn hóa doanh nhân thời hội nhập.

Y Phong

13:53:16 13-07-2020

VHDN: “Gần 15 năm làm công nhân Quốc phòng, đùng một cái em bén duyên với trang trại, thế là thành lập Hợp tác xã, kiến thức không nhiều nhưng đam mê khiến em tiếp tục học hỏi, đích của em là thành công về dược liệu…” – Chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc HTX […]

Đối tác của chúng tôi