Suốt nhiều năm chị Đàm Thị H. (Long Biên, Hà Nội) vẫn thuộc hộ cận nghèo. Theo chính sách hiện hành của Nhà nước, khi tham gia BHXH tự nguyện chị được hỗ trợ 25% mức phí. Tính ra mỗi tháng chị chỉ phải tự đóng 75%, tương đương khoảng 250.000 đồng. Nhưng với những người hoàn cảnh kinh tế khó khăn như chị thì có rất nhiều việc trước mắt phải lo, nên dù muốn có lương hưu, có BHYT để an yên cuộc sống lúc về già thì việc tham gia BHXH tự nguyện vẫn phải để sau…
Tại Hà Nội, những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn như chị Đàm Thị H. quận, huyện nào cũng có. Nắm bắt được tình hình trên, xuất phát từ mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và trên cơ sở báo cáo tham mưu của BHXH Thành phố, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội đã bàn thảo, thống nhất cao ban hành quyết sách “đặc thù” riêng cho người dân Hà Nội khi tham gia BHXH tự nguyện.
Sự ra đời của Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội là tin vui cho nhiều người. Bởi, ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước, thực hiện Nghị quyết số 03 của HĐND TP.Hà Nội, từ ngày 1/8/2022 – 31/12/2025, TP.Hà Nội hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện cho người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện cho người thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện cho các đối tượng khác. Ngoài ra, một số địa phương trên địa bàn Hà Nội cũng đã “đột phá” tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng “0 đồng”- tặng sổ BHXH có thời hạn cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đi đầu phong trào này là quận Long Biên. Quận đã hỗ trợ nốt số tiền còn lại (ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước và TP.Hà Nội) cho người thuộc hộ nghèo và cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 8/2022 – hết năm 2025. Cũng từ quận Long Biên, phong trào hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện lan rộng sang nhiều quận, huyện khác.
Phát huy sự chỉ đạo, chính sách “đặc thù” của TP.Hà Nội, thời gian qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn đã tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện ban hành chính sách hoặc chỉ đạo những hoạt động phù hợp với địa phương. Đơn cử, cuối năm 2023, UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo 29 xã, thị trấn tăng tốc, bứt phá, nước rút “về đích” các chỉ tiêu BHXH, BHYT, phát huy và nhân rộng các mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ an sinh”, “Phiên chợ Mùa Thu, gây quỹ an sinh”… Nhờ vậy, dù là huyện chưa tự chủ được tài chính, nhưng tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT ở Thường Tín luôn ở Top cao của TP.Hà Nội. Đến nay, huyện có 4 xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu với 95% dân số tham gia BHYT. Tính chung toàn huyện, trên 93% dân số tham gia BHYT.
Còn ở góc độ trên toàn TP.Hà Nội, trong cùng ngày 8/11/2023, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT TP.Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành 2 văn bản chỉ đạo về công tác BHYT, BHXH, BH thất nghiệp. Theo đó, tại công văn số 3774/ UBND-KGVX, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đổi mới hình thức truyền thông; Tổ chức phát triển người tham gia BHXH, BHYT; Kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp quận, huyện, xã phường…Còn tại Công văn số 3775/ UBND-KGVX, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ, phòng, chống trục lợi, lạm dụng nguồn quỹ BHYT và đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia.
Từ thực tiễn, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội khẳng định: Với sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của cấp ủy, chính quyền Thành phố, sự phối hợp của các sở, ngành liên quan và sự cố gắng của CBCCVC BHXH Hà Nội, năm 2023 BHXH Thành phố sẽ hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị, tiếp tục góp phần giữ vững an sinh Thủ đô…
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 12/2023
(Châu Anh)
VHDN: Nhất quán quan điểm phát triển kinh tế phải song hành với đảm bảo an sinh xã hội, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp ủy Đảng, chính quyền Tp. Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chính sách đặc thù, góp phần tăng độ bao […]