Sự kiện - chuyên đề:

Không ngừng nâng tầm cho sản phẩm OCOP

VHDN: Có thể nói, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo nên những sức bật cho “tam nông” phát triển.

 

KHAI THÁC TỐT TIỀM NĂNG, LỢI THẾ

Tính đến nay, Bạc Liêu có hơn 140 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Một trong những kết quả đáng ghi nhận là thông qua việc thực hiện Chương trình OCOP, đã khai thác, khơi dậy và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế từ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt từ Chương trình này, đã xây dựng nên những sản phẩm đặc thù mang bản sắc và văn hóa Bạc Liêu. Đó là gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi, muối Bạc Liêu, khô Đông Hải và các loại mắm như: mắm chua Vĩnh Hưng, mắm cá trắm cỏ Hồng Dân, mắm cá chốt, mắm cá lóc Phước Long…

Giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh cho Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.

Cùng với đó là nhiều khu, điểm du lịch cũng được công nhận và đang xúc tiến xây dựng thành các sản phẩm OCOP du lịch đặc trưng riêng của tỉnh. Ngoài ra, các làng nghề truyền thống cũng được tập trung nâng chất lượng để xây dựng thành các sản phẩm OCOP phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng…Qua thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, sau khi tham gia Chương trình và được công nhận sản phẩm OCOP, sản lượng sản phẩm OCOP được tiêu thụ của các chủ thể tăng lên trung bình từ 15 -20% so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP, đặc biệt có một số sản phẩm có sản lượng tiêu thụ tăng đến 50% (như sản phẩm tôm đất khô của Cơ sở Thiên Hương, huyện Đông Hải). Cũng như, một số sản phẩm đã vào được hệ thống các siêu thị trong, ngoài tỉnh và được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Từ những lợi ích thiết thực này mang lại, một số chủ thể đã mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ và từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và giải quyết thêm nhiều việc làm nông nhàn cho lao động nông thôn.

NÂNG CAO GIÁ TRỊ

Chương trình OCOP được xác định là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Qua thực hiện Chương trình, đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh và đạt được hiệu quả cao, tạo luồng gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn. Đây là hướng đi đúng, góp phần tích cực vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 145 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ đạt 3 sao và 4 sao. Hầu hết các sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh đã được đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Hiện tỉnh có hơn 500 sản phẩm tiêu biểu của các cơ sở sản xuất ở nông thôn, doanh nghiệp, HTX và các chủ thể OCOP của tỉnh.

Sản phẩm OCOP của Công ty CP muối Bạc Liêu

Cùng với đó, sàn TMĐT Bạc Liêu còn liên kết với sàn TMĐT các tỉnh thành như: TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Tiền Giang và một số tỉnh phía Bắc, góp phần đưa thông tin, hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh giới thiệu đến khách hàng cả nước. Phát huy tốt hơn nữa những kết quả đã đạt được, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình OCOP thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép tuyên truyền Chương trình OCOP với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM; rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP, đảm bảo sảm phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt, đặc biệt phát triển sản phẩm OCOP ở các làng nghề truyền thống.

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và chuyển đổi tư duy cho cán bộ quản lý và các chủ thể OCOP về kỹ năng tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; marketing và phát triển thị trường sản phẩm OCOP. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phát triển sản phẩm OCOP gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát và quản lý sản phẩm OCOP; số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; đẩy mạnh quá trình số hóa, thực hiện quản lý mã số vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP tỉnh thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến…

Quảng bá các sản phẩm OCOP chất lượng cao của tỉnh Bạc Liêu.

Cùng với đó là hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu để hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bố trí vốn hàng năm cho Cơ quan thường trực Chương trình OCOP cấp tỉnh, cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế) triển khai thực hiện Chương trình OCOP, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình OCOP, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải tháo gỡ, khắc phục và thực hiện đạt hiệu quả…

 

Đặng Minh Pháp – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bạc Liêu

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1&2/ 2024)

10:03:39 21-01-2024

VHDN: Có thể nói, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo nên những sức bật cho “tam nông” phát triển.   KHAI THÁC TỐT TIỀM NĂNG, LỢI THẾ Tính đến nay, […]

Đối tác của chúng tôi