Sự kiện - chuyên đề:

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

VHDN:Bạc Liêu đã xác định rõ 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, có trụ cột thứ nhất là phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Đồng thời, đây được xem là trụ cột mang tính nền tảng khi chiếm gần 90% thu nhập của người nông dân dựa vào sản xuất nông nghiệp.

ThS. Phạm Hoàng Minh – Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu.

Với thế mạnh kinh tế chủ yếu của Bạc Liêu là sản xuất nông nghiệp nên việc tập trung phát huy các tiềm năng, thế mạnh này là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp theo mô hình nào và cần làm gì không phải là chuyện dễ làm trong điều kiện sản xuất nông nghiệp truyền thống đang phải đối đầu với nhiều nguy cơ, thách thức từ biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ưu tiên phát triển nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó có nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản với mũi nhọn là con tôm, tập trung phát triển nông nghiệp hiện đại để Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước chính là mục tiêu chiến lược mà Bạc Liêu đã và đang tập trung thực hiện.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu ngày 20/9/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương quy hoạch “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, được thành lập theo Quyết định số 694/QĐ-TTg, ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm được xây dựng trên diện tích là 418,91 ha, thuộc địa bàn xã Hiệp Thành, TP.Bạc Liêu và chính thức khởi công xây dựng vào ngày 30/1/2018.

Khởi công xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Chức năng, nhiệm vụ của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm là: Giúp UBND tỉnh cung ứng dịch vụ công, quản lý các hoạt động trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm gồm: Tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, kiểm định – xét nghiệm, các ngành công nghiệp phụ trợ; Đào tạo nhân lực công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh, vùng Bán đảo Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, trình diễn công nghệ và sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao; thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm còn có các mục tiêu, định hướng lớn đó là: Làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đồng thời là nòng cốt, động lực để “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Đây cũng là trung tâm liên kết với các viện, trường, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tôm, tạo thành một chuỗi phức hợp từ khâu nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, đến các khâu nuôi tôm siêu thâm canh – sản xuất chế biến, bảo quản tôm – nghiên cứu sản xuất thức ăn cho tôm. Bên cạnh đó, còn thực hiện các dịch vụ kiểm nghiệm, quan trắc, xét nghiệm và chuẩn đoán bệnh.

Để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, ngày 16/7/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định thành lập Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu (gọi tắt là Ban Quản lý). (Quyết định số 869/QĐ-TTg ngày 16/7/2018).

Về phía tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý và thành lập 2 đơn vị trực thuộc Ban Quản lý: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Kiểm nghiệm nông nghiệp công nghệ cao.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh tại Bạc Liêu. ảnh: Tú Anh

Đến thời điểm hiện nay, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đã xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn I (kinh phí của tỉnh) bao gồm các hạng mục, như: Hệ thống đường; kênh cấp và thải nước; hệ thống điện; tường rào… và đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn II (kinh phí từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gồm các hạng mục như: Khu quản lý, điều hành; khu kiểm định, xét nghiệm; khu nghiên cứu tiếp nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khu trưng bày, triển lãm; khu nhà ở công vụ; khu xử lý nước thải tập trung; hạ tầng giao thông và các công trình hạ tầng khác…

Để Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đi vào hoạt động, UBND tỉnh đã tổ chức Hội đồng tuyển chọn các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm thuộc 4 lĩnh vực: Quy trình nuôi và thiết bị phụ trợ; chế phẩm sinh học; sản xuất tôm giống; nghiên cứu sản xuất thức ăn. Đến nay đã tuyển chọn được 9 dự án của 9 doanh nghiệp tham gia đầu tư trình diễn.

Phát huy thế mạnh này, Bạc Liêu mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư trong, ngoài nước vào đầu tư khai thác thế mạnh từ con tôm và góp phần đưa Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” công nghiệp tôm của khu vực và cả nước.

Hoàng Minh

16:15:41 22-01-2021

VHDN:Bạc Liêu đã xác định rõ 5 trụ cột phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, có trụ cột thứ nhất là phát triển nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Đồng thời, đây được xem là trụ […]

Đối tác của chúng tôi