Việc 9 công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì mới đây bắt tay nhau thành lập liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi cho doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, không rác thải ở Việt Nam, mang tên: Kinh tế tuần hoàn.

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu và rác thải, trong đó có rác thải nhựa là hai thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân trong vấn đề rác thải nhựa.

p/Đại diện các doanh nghiệp đã cùng nhau ký cam kết thành lập liên minh Tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu hướng đến cải thiện môi trường Việt Nam. Ảnh: NGỌC HIỂN

Đại diện các doanh nghiệp đã cùng nhau ký cam kết thành lập liên minh Tái chế bao bì Việt Nam với mục tiêu hướng đến cải thiện môi trường Việt Nam. Ảnh: NGỌC HIỂN

Những người đi tiên phong

“Do đó, mô hình kinh tế tuần hoàn như sự ra đời của PRO Vietnam chính là một giải pháp cụ thể để Việt Nam đối phó với các thách thức về môi trường và cũng là hướng phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam” TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh

Đúng như lời TS Vũ Tiến Lộc, kinh tế tuần hoàn trên thế giới đang là một xu thế được nhiều doanh nghiệp ở các nước phát triển thực hiện và ngày càng trở lên phổ biến. Tức là, nếu trước đây, người ta bắt đầu sử dụng hàng hóa và kết thúc quá trình sử dụng là chất thải thì hiện nay, việc sử dụng hàng hóa chỉ là khởi đầu của một quá trình không có điểm kết thúc. Quá trình này chính là nền kinh tế tuần hoàn, nó biến hàng hóa sử dụng ngày hôm nay thành nguồn lực sử dụng trong tương lai.

Nhưng cũng phải nói thêm, ngay cả với thế giới dù đi trước Việt Nam nhưng kinh tế tuần hoàn vẫn là điều còn mới mẻ, huống chi là với các doanh nghiệp Việt. Nhưng ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ không phải là điều xa vời với các doanh nghiệp Việt nếu họ muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị cung ứng tuần hoàn toàn cầu. Theo Quỹ Ellen MacArthur, nếu các chuỗi cung ứng tuần hoàn tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất có thể tạo ra hơn 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2025.

  Một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì trong nước vững mạnh lan tỏa sâu rộng sẽ giúp tăng tỉ lệ tái chế, giảm thiểu lượng bao bì thải ra môi trường và giảm nhập khẩu nguyên liệu, bao bì từ các nước.

Như vậy, có thể nói rằng, 9 công ty Việt Nam bao gồm: TH Group với thương hiệu TH True milk nổi tiếng, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation chính là những doanh nghiệp đi tiên phong áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất, tạo ra một nền kinh tế xanh cho Việt Nam trong tương lai. Và họ không hề nói suông khi cả 9 doanh nghiệp này đã đặt ra một mục tiêu rất lớn, đó là đến năm 2030, tất cả các loại vật liệu đóng gói do họ sản xuất ra thị trường đều sẽ được thu gom và tái chế, điều này có nghĩa các sản phẩm của họ sẽ không có chất thải ra môi trường.

“Khi hình thành một hệ sinh thái thu gom và tái chế bao bì trong nước vững mạnh, câu chuyện này lan tỏa sâu rộng sẽ giúp tăng tỉ lệ tái chế, giảm thiểu lượng bao bì thải ra môi trường và giảm nhập khẩu nguyên liệu, bao bì từ các nước”, ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch PRO Vietnam nhìn nhận.

Cơ hội nghìn tỉ từ Kinh tế tuần hoàn

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng rất lớn để góp phần biến những thứ tưởng như bỏ đi tạo ra giá trị hàng nghìn tỉ USD như Quỹ Ellen MacArthur đã dự báo.

Theo tính toán của ông Vinh, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại Việt Nam khoảng 17 triệu tấn, trong đó vùng đô thị phát sinh đến 6,5 triệu tấn một năm. Trong khi đó, nhu cầu cho nguyên liệu phế thải của Việt Nam gia tăng hàng năm từ 10 -20%, cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành công nghiệp tái chế.

“Song, có một thực tế, hoạt động tái chế của Việt Nam gần như không có sự hỗ trợ của các ngành công nghiệp phụ trợ. Đại đa số các thiết bị, máy móc và hóa chất đều là tự chế tạo (không phải hàng loạt), hoặc nhập khẩu từ nước ngoài với chất lượng thấp, không hoặc rất khó kiểm soát, dẫn đến sự phụ thuộc nước ngoài” – ông Vinh cho biết.

Thực tế, đang có hàng chục tỷ đồng mỗi năm đang bị lãng phí ở Việt Nam, bởi rác thải phần lớn không được sử dụng lại mà đốt hoặc chôn, gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Câu chuyện bãi rác Nam Sơn, Hà Nội trong những ngày gần đây là ví dụ điển hình. Theo tìm hiểu, mỗi đêm ở bãi rác này có khoảng 400-500 người đến mưu sinh nhặt các đồ phế thải nhựa, quần áo cũ… để bán kiếm lời, trung bình một người kiếm được khoảng 300-500 ngàn đồng/đêm. Như vậy, chỉ sau một đêm 500 người này kiếm được khoảng 150 triệu đồng. Đây là một con số không hề nhỏ và nó kiếm được hoàn toàn thủ công. Hãy thử tượng tượng nếu đống rác khổng lồ này được tái chế thì số tiền thu được sẽ như thế nào?

Theo enternews