Sự kiện - chuyên đề:

Kinh tế có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại

VHDN: Với mức tăng trưởng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022, kinh tế – xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

GDP quý I năm 2022 tăng 5,03%

Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 đã có nhiều thay đổi tích cực và khả quan so với năm 2021; các ngành dịch vụ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, ngành công nghiệp phát triển khá tốt, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.

Tổng cục Thống kê chỉ rõ, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa mùa vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá (tăng 7,4 tạ/ha) so với vụ mùa năm trước; ngành chăn nuôi đang dần phục hồi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước; chế biến và xuất khẩu tiêu thụ gỗ có nhiều tín hiệu tích cực. Nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, giá cá tra, tôm nuôi trồng đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Sản xuất công nghiệp trong quý I tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,79%; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng tăng trưởng dương chủ yếu do khai thác than và quặng kim loại tăng.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) quý I có nhiều khởi sắc, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các DN đang hoạt động tăng 34,5%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách giảm 23,6%; luân chuyển hành khách giảm 15,8% và vận chuyển hàng hóa tăng 8,2%, luân chuyển hàng hóa tăng 8,8%; khách quốc tế đến nước ta đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1%. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.’

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39%. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, đến nay, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên  thế giới đang tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh chiến sự Nga – Ukraine còn phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của DN và tiêu dùng của người dân. Cùng với tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các quý tiếp theo, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Mặc dù là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.“Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

 

Tình hình kinh doanh tốt hơn

Thị trường lao động quý I/2022 đã dần phục hồi trở lại. Lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước.

Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ngay trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, qua đó cung ứng đủ lao động cho doanh nghiệp có thể tăng tốc trong thời gian tới. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong quý I năm 2022 tăng trưởng tích cực, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức cao nhất so với quý I của các năm 2018-2022, cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, đây là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Theo bà Hương, động lực tăng trưởng trong thời gian tới sẽ đến từ các ngành thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp. Đặc biệt, là công nghiệp chế biến do cầu thế giới tăng và thị trường được khôi phục. Bán buôn, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí sẽ có lực tăng trưởng cao trong năm do suy giảm âm hơn 1 năm qua và chính sách mở cửa thị trường du lịch nhằm lấy lại sức hút khách du lịch như trước… Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sẽ sớm khôi phục cầu sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước từ đó thúc sản xuất phát triển.

Về chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022-2023, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, đây chương trình rất cần thiết trong điều kiện hiện nay nhưng cũng sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát. Chính vì vậy, các gói kích thích kinh tế này phải được triển khai một cách đồng bộ với các chính sách về tài khóa, tiền tệ và công tác quản lý, giám sát phải chặt chẽ, chính sách hỗ trợ cần sát với thực tiễn, công khai, minh bạch. Tín dụng của nền kinh tế cũng phải đảm bảo đáp ứng được vốn cho nền kinh tế tăng trưởng; trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cần kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thực hiện tốt các chính sách sẽ giúp thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế và kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra…

Tú Nguyệt

 

 

16:31:54 11-04-2022

VHDN: Với mức tăng trưởng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022, kinh tế – xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. GDP quý I năm 2022 tăng 5,03% Bà Nguyễn Thị Hương – […]

Đối tác của chúng tôi