Sự kiện - chuyên đề:

Kỷ niệm lần thứ 18 ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 – 13/10/2022): Doanh nhân Việt Nam, nhân vật trung tâm của thời kỳ phát triển đất nước

VHDN: Doanh nhân là những người hoạt động trong doanh nghiệp, trực tiếp hoặc điều hành sản xuất, kinh doanh, làm thương mại, dịch vụ, sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế đất nước và chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nhân Việt Nam là tầng lớp yêu nước và cách mạng, nhân tố quan trọng trong chiến lược toàn diện về tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và là bộ phận cấu thành của khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Sở dĩ có “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, trước hết bắt nguồn từ lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 13/10/1945 gửi “giới Công thương Việt Nam” vào thời điểm nước nhà vừa giành được độc lập, còn muôn vàn khó khăn, nền kinh tế mới manh nha của giai đoạn bảo vệ chính quyền và kiến thiết đất nước. Bác Hồ đã có tầm nhìn về vị trí, vai trò của giới doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng và xây dựng nước nhà. Người viết:

“Hiện nay công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm nhiều việc ích lợi quốc dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng.

Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nhân thịnh vượng…”

Từ khi Đảng lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới, đề ra đường lối nền kinh tế thị trường, có nhiều thành phần, Nhà nước ban hành các luật liên quan doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng và Luật Kinh doanh thì đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển. Qua các kỳ Đại hội Đảng, nghị quyết đều đề cao vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân và nhấn mạnh tăng cường lãnh đạo, quản lý để tầng lớp này lớn mạnh. Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về việc lấy ngày 13 tháng 10 hàng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam” mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, nhằm tôn vinh cộng đồng doanh nghiệp, tầng lớp doanh nhân tích cực tham gia xây dựng, phát triển kinh tế. Từ đó, đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế, góp phần vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Sau hơn một phần ba thế kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, ngày nay đất nước ta có hơn 800.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và 5,4 triệu hộ kinh doanh. Hàng năm đóng góp hơn 70% GDP, gần 3/4 nguồn thu ngân sách. Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô các doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh, tạo ra nguồn của cải vật chất, sản phẩm hàng hoá dồi dào, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, góp phần quan trọng vào thực hiện chiến lược phát triển vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Doanh nhân thành đạt, giàu có trở thành mục tiêu phấn đấu của không ít người, đặc biệt là giới trẻ nuôi khát vọng, ý chí làm giàu, dấn thân, lập thân lập nghiệp, cống hiến bằng con đường kinh doanh. Qua thực tiễn thử thách, sàng lọc, đa số doanh nghiệp tồn tại, phát triển, doanh nhân thành công. Hiện nay, riêng khối doanh nghiệp tư nhân cả nước có doanh thu 15 triệu tỉ đồng, đóng góp 40-42% GDP, thu hút 85% nguồn lao động trong toàn bộ khối doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế cả nước, trực tiếp xoá đói giảm nghèo, góp phần đáng kể vào chương trình an sinh xã hội. Tầng lớp này đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, khai thác sử dụng các nguồn lực xã hội phát triển lực lượng sản xuất. Doanh nhân Việt Nam cũng chính là lực lượng xung kích, chủ lực làm thay đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, lực lượng nòng cốt bảo đảm vững chắc các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, đưa nước ta khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước công nghiệp, đang phát triển vào năm 2030 và quốc gia có công nghiệp phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 khi tròn 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Ở nước ta, doanh nghiệp khi hình thành đều có quy mô nhỏ (hiện nay 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ). Trải qua những năm đổi mới đã có bước phát triển xứng tầm, hiện nay đã có 500 doanh nghiệp lớn nhất, hàng loạt trong số đó là những Tập đoàn kinh tế lớn cả về quy mô, sử dụng lao động, tài sản, doanh thu,v.v… không chỉ phát triển trong nước mà còn đầu tư ra thế giới, điển hình như các tập đoàn: Vingroup, Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Viễn thông Quân đội (Viettel), Điện lực Việt Nam (EVN), FPT, Hoà Phát, Masan, Ô tô Trường Hải (Thaco), ViệtJet Air, Địa ốc Hoà Bình, Trung Nam, Thái Bình Dương,v.v … và xuất hiện nhiều tỉ phú USD.

Mấy chục năm qua, doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp to lớn vào các chương trình bảo đảm an sinh xã hội: Không chỉ xoá đói giảm nghèo mà còn tích cực hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với người và gia đình người có công với nước; từ thiện, nhân đạo, cứu trợ đồng bào vùng thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, mất mùa; đỡ đầu chăm sóc người tàn tật, trẻ mồ côi, mổ tim bẩm sinh cho trẻ em, tặng bò hộ nghèo, xây dựng cầu dân sinh, trường học cho vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, v.v… Lịch sử sẽ ghi nhận sự đóng góp đặc biệt của doanh nghiệp, doanh nhân trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 (năm 2020-2021). Mặc dù sản xuất kinh doanh, dịch vụ bị đình trệ, thua lỗ do dịch bệnh, song hàng nghìn doanh nhân với tấm lòng nhân ái cao cả, sẵn sàng chia sẻ nguồn lực của doanh nghiệp và của mình ủng hộ Chính phủ và Nhân dân trong cuộc “chống dịch như chống giặc” rất cam go, nghiệt ngã. Họ không tiếc tiền của để đóng góp, cứu trợ người nghèo, người bị nhiễm bệnh trong các vùng dịch lây lan. Khi Thủ tướng Chính phủ phát động ủng hộ “Quỹ vaccine”, đông đảo doanh nhân hăng hái đóng góp hàng nghìn tỉ đồng, gần 95% tổng số quỹ quyên góp được là từ khối doanh nghiệp ủng hộ. Đây là cống hiến to lớn của tầng lớp doanh nhân, họ còn được mệnh danh là những “Anh hùng thời đại”, nhân vật trung tâm của thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Để doanh nghiệp, doanh nhân phát huy năng lực sáng tạo, vững vàng trong thế trận vươn lên tầm cao mới, Nhà nước cần đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo động lực cho doanh nhân phát triển mạnh mẽ sở trường và tiềm năng, vươn lên ngang tầm quốc tế. Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ rõ: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là các sản phẩm có thể cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ là đường hướng để các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục khởi nghiệp sáng tạo, góp phần đưa nước ta sớm trở thành “Con Rồng” châu Á về kinh tế-xã hội.

Kim Quốc Hoa

 

Chia sẻ
09:34:18 10-10-2022

VHDN: Doanh nhân là những người hoạt động trong doanh nghiệp, trực tiếp hoặc điều hành sản xuất, kinh doanh, làm thương mại, dịch vụ, sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế đất nước và chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nhân Việt Nam […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi