Bền bỉ niềm đam mê
Phóng viên đến nhà riêng (số 350 phố Huế, quận Hai Bà Trưng) thăm Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ vào một ngày đầu mùa thu Hà Nội. Giữa phố phường tấp nập, hối hả, dường như có một Hà Nội lắng lại trong không gian nhỏ với nhiều sản vật tinh túy của đất Kinh kỳ. Dù tuổi đã cao, lại mắc bệnh viêm đa khớp, di chuyển khó khăn, nhưng hằng ngày, Nhà giáo ưu tú vẫn dành phần lớn thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu và viết sách.
Theo lời kể, thầy Hỷ sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, trong gia đình có bố là người Hà Nội, mẹ là người Hà Tây (cũ). Vì thế, những tinh túy của hai vùng văn hóa cứ tự nhiên mà định hình ngày càng rõ nét trong suy nghĩ, cách ứng xử của người thanh niên Nguyễn Thừa Hỷ năm xưa. Càng học lên cao, chàng thanh niên ấy càng yêu thích lịch sử Việt Nam. “Tốt nghiệp trung học phổ thông ở một trường danh giá nhất Hà Nội thời bấy giờ, tôi trở thành sinh viên khóa I, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng lớp với những tên tuổi nổi danh của nền sử học nước nhà sau này, như Nhà giáo nhân dân Phan Đại Doãn, Vũ Dương Ninh, Lê Mậu Hãn… Nhưng khác với nhiều bạn bè, khi cầm tấm bằng đại học, tôi được điều động đi dạy lịch sử cho học sinh trung học phổ thông ở nhiều địa phương khác nhau”, thầy Hỷ nhớ lại.
Những tưởng thầy Hỷ sẽ “an phận” dạy học. Nhưng không, với tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội, vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, thầy Hỷ là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam làm nghiên cứu sinh trong nước và chọn Hà Nội là đối tượng nghiên cứu. Để có nguồn tư liệu, thầy Hỷ sử dụng vốn ngoại ngữ của mình để tìm tòi, chắt lọc, dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án nhiều tư liệu gốc của nước ngoài, chưa từng được khai thác. Nhờ nội dung mới và khoa học, luận án “Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX: Kết cấu kinh tế – xã hội của một thành thị trung đại” của thầy Hỷ được giới khoa học đánh giá cao. Đến năm 1993, công trình này được xuất bản thành sách, trở thành tư liệu mẫu về lịch sử Thăng Long – Hà Nội.
Tình yêu đặc biệt dành cho Hà Nội cũng là lý do để thầy Hỷ về giảng dạy tại Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) vào năm 1990. Và từ đó đến nay, khi đã ngoài 80 tuổi, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ với Thăng Long – Hà Nội chưa bao giờ dừng lại.
Miệt mài cống hiến
Trong câu chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Thừa Hỷ, chúng tôi được biết, các công trình khoa học của ông khá đồ sộ, trải dài theo thời gian. Sau “Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX: Kết cấu kinh tế – xã hội của một thành thị trung đại” (năm 1993) là công trình “Kinh tế – xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX” , “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” (tập 1), xuất bản năm 2010… Tháng 9 này, “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước năm 1945” (tập 2) của ông đã được xuất bản. Hiện ông đang viết bản thảo cuốn “Lịch sử Việt Nam tập 10 – Đàng Ngoài 1593-1771”, thuộc đề án “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam”; đồng thời nghiên cứu về văn hóa Hà Nội thời Lê Trung hưng…
Theo PGS.TS Vũ Văn Quân, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Đọc các công trình nghiên cứu của PGS. TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ, ta thấy rất rõ sự uyên bác của tri thức, sự lịch lãm trong văn chương, nhất là trong những công trình về lịch sử, văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Có lẽ, đó là sự kết hợp và thẩm thấu của một nền văn hóa Thăng Long nghìn xưa với một nền văn hóa thị dân Hà Nội thuần thục thời cận đại”.
Chia sẻ về “sức bền” trong quá trình nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ cho hay: “Tình yêu Hà Nội trong tôi như mạch nguồn chảy mãi. Khi tuổi cao, sức yếu, không thể “lăn” vào dòng người hối hả mà cảm nhận, thì tôi chọn cách quan sát, tiếp cận với Hà Nội, với thế giới qua các thông tin trên phương tiện truyền thông bằng suy nghĩ lạc quan và tư duy biện chứng. Hơn nữa, người làm nghiên cứu khoa học phải chăm chỉ, cần mẫn như công nhân khai thác mỏ, càng đào sâu, càng có nhiều cơ hội phát hiện ra quặng quý”.
Nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội, chứng kiến sự phát triển, vận động không ngừng của Hà Nội trong nhiều thập niên, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ nhận thấy theo quy luật tự nhiên, trong quá trình vận động có tương tác, va đập, có những đổi thay theo hướng tích cực hoặc hạn chế, nhưng không có gì là bất biến. “Mỗi khi tiếp nhận các thông tin về lối ứng xử thiếu chuẩn mực, về xu hướng thích sống hưởng thụ, lười suy nghĩ… của một bộ phận giới trẻ, tôi rất đau lòng. Nhưng tôi tin, đó chỉ là một hiện tượng trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập, phát triển”, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ nói. Trăn trở về sự phát triển văn hóa, con người Hà Nội trong bối cảnh hiện nay, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ kêu gọi thế hệ trẻ hãy yêu Hà Nội bằng tình yêu “thủy chung, không lay chuyển, dâng hiến và thật lòng”, từ đó, mỗi người nên điều chỉnh thái độ, hành vi ứng xử từ những việc nhỏ nhất, diễn ra thường nhật. Ở góc độ khoa học, nhà nghiên cứu về Hà Nội khẳng định: “Hà Nội còn vô vàn góc cạnh để nghiên cứu. Tôi hy vọng các bạn trẻ hãy tiếp bước những gì thế hệ đi trước đã gợi mở”.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ đã được tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2003; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011. Năm 2012, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ trao cho công trình “Thăng Long – Hà Nội thế kỷ XVII – XVIII – XIX: Kết cấu kinh tế – xã hội của một thành thị trung đại”. Năm 2019, ông nhận Giải thưởng lớn – Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 12; được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.
Minh Ngọc
VHDN: Như bao người dân Thủ đô, PGS.TS Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ (sinh năm 1937), nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dành tình yêu cho Hà Nội, […]