Thời gian qua, ngành giáo dục và các địa phương đã nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi năm 2019 với tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi nghiêm túc, thành công.

Với một kỳ thi đa mục tiêu như THPT quốc gia, lại có quá khứ tách nhập, điều chỉnh liên tục suốt hàng thập kỷ qua, thì áp lực lớn là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, xung quanh câu chuyện thi cử cũng chỉ là vấn đề con người. Lịch sử thi cử đã có những bài học khi ngành giáo dục giương cao ngọn cờ “chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” nhưng chẳng bao lâu phải lặng lẽ hạ cờ.

Chúng ta từng biết đến tỉ lệ tốt nghiệp thấp sững sờ, 40-50%, thậm chí 14% đã khiến cả xã hội choáng váng, quan chức địa phương khó lòng chấp nhận điều bấy lâu che khuất. Thế là, thay vì nắm bắt cơ hội nhìn thẳng vào sự thật thì sự điều chỉnh lại tịnh tiến hướng về tỷ lệ tốt nghiệp đẹp dần đều đến 90% một sự tăng trưởng chóng vánh không tưởng.

Có lẽ đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến câu chuyện gian lận thi cử tại trong kỳ thi 2018 trải rộng trên địa bàn ba tỉnh, liên quan đến mấy trăm đối tượng bao gồm hơn 200 cha mẹ thí sinh, ba Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo thi cấp bộ và không thể không nhắc tới hàng trăm thí sinh trong số 222 thí sinh được nâng điểm.

Vấn đề là quy mô gian lận trong kỳ thi năm 2018 chỉ giới hạn ở ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình hay còn tại một số địa phương khác? Liệu các cơ quan bảo vệ pháp luật thuộc hệ thống chính trị có thể khẳng định 60 tỉnh, thành phố còn lại không nơi nào để xảy ra gian lận thi cử, kết quả chấm thi và điểm đã công bố là hoàn toàn trung thực?

Một trong những bất cập hiện nay là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, khi xảy ra vi phạm lại không xác định được rõ trách nhiệm cá nhân, nên chỉ xử lý cả tập thể, như thế là không ổn.

Một chuyên gia giáo dục từng thẳng thắn rằng: “Lãnh đạo bộ ngành đứng lên nhận trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng có ai bị sao đâu? Nếu cứ nhận trách nhiệm mà không bị sao cả thì ai cũng nhận được. Cần phải xử lý bằng cơ chế, chính sách sau khi xác định rõ trách nhiệm, thậm chí còn phải xác định trách nhiệm của cấp trên khi cấp dưới làm sai”.

Một điểm thi THPT quốc gia 2019 tại Đà Nẵng

Tin vui cho dư luận là, sát kỳ thi, thông điệp làm nghiêm đã được hệ thống chính trị cao nhất đưa ra, như đề nghị cảnh cáo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang hay cách hết mọi chức vụ trong Đảng của Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La (riêng Hoà Bình thì vẫn… tạm hoà bình). Điều này ít nhiều cảnh báo Bộ GD-ĐT, các địa phương không thể lơ là. Nên ở từng mắt xích tổ chức kỳ thi năm 2019, các vị trí đều thận trọng, lo lắng hơn với trách nhiệm của mình được giao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Hội đồng thi Sở Giáo dục Đào tạo TP Đà Nẵng, có khoảng trên 10.200 thí sinh dự thi, với 432 phòng thuộc tất cả 24 địa điểm thi, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất. Lãnh đạo TP, Sở Giáo dục đã chỉ đạo quyết liệt về công tác chuẩn bị cho kỳ thi như cơ sở vật chất, an ninh… đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng như quy định.

Hoặc, nhìn vào bài học của các địa phương để xảy ra tiêu cực năm ngoái, bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia cấp tỉnh, cho hay sẽ chú ý hơn ở cơ chế giám sát. “Chúng tôi có suy nghĩ nếu sự việc xảy ra ở phương mình thì không biết bao giờ mới lấy lại được niềm tin của người dân, vậy nên quyết tâm phải tổ chức kỳ thi công bằng và an toàn nhất. Chúng tôi xin hứa sẽ làm việc có trách nhiệm và đúng quy chế”– bà Nguyễn Thị Lĩnh nói.

Muốn đất nước phát triển, muốn nền hành chính công liêm chính, công bằng thì phải chọn được những người có tài có đức. Vì thế, không thể để những người “đi lên” bằng gian lận thi cử có thể ngồi “nhầm chỗ” trong bộ máy nhà nước ở tương lai. Tương lai của một đất nước, một dân tộc thịnh hay suy là bắt đầu từ giáo dục hôm nay.

Theo đó, các địa phương cần lựa chọn những nhân sự uy tín, có trách nhiệm làm nhiệm vụ. Bởi, dù quy trình có chặt chẽ đến đâu, có lắp mấy chục camera đi chăng nữa nhưng nếu những người tổ chức thi móc ngoặc với nhau thực hiện hành vi tiêu cực thì cũng khó để kỳ thi thành công.

Dẫu vậy, từ những bài học cũ còn nóng hổi, chúng ta có cơ sở để tin tưởng một kỳ thi THPT quốc gia 2019 thành công tốt đẹp.

Theo enternews