Đối với các chiến sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì để có được mảnh đất Điện Biên Phủ như ngày hôm nay, từng tấc đất đều được hình thành nên từ máu, mồ hôi và nước mắt. Và những ký ức luôn đọng mãi với thời gian ấy, sẽ nhắc nhở bất cứ ai khi đến với Điện Biên Phủ hôm nay đều thấu hiểu những công lao của các thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống để dựng xây nền hòa bình cho dân tộc, cho đất nước.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu – người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã không ngăn được những giọt nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc lá cờ Quyết chiến – Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng DeCastries.
“Là trang nam nhi, quyết chiến sa trường, sống đã coi thường. Quân ta vừa reo vừa chạy ra chiến trường vừa hát, không khí thật oai hùng. Và đây là lần duy nhất trong quân đội chúng ta có một trận chiến đấu giữa tiếng pháo, tiếng quân reo và tiếng đàn hát”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài cho biết.
Để giành được thắng lợi vẻ vang ấy, mang lại nền độc lập tự do cho đất nước, cho dân tộc, cho Điện Biên nở hoa chiến thắng, nhiều đồng đội của ông đã mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất lửa Điện Biên Phủ anh hùng và linh thiêng.
“Chúng tôi đã cùng chiến đấu rất quyết tâm với các đơn vị khác, nhiều lúc phải xung phong đánh giáp lá cà bằng lựu đạn và lưỡi lê ở trên đồi D1. Đó là những trận đánh rất quyết chiến để quyết tâm giữ vững trận địa. Nhiều chỉ huy, đồng đội, đồng chí đã không còn nữa, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất lịch sử này, cho nên mỗi khi nhắc đến đều vô cùng xúc động”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài bày tỏ.
Thành phố Điện Biên Phủ những ngày này tấp nập dòng người từ khắp muôn phương về thăm lại chiến trường xưa, để khắc sâu thêm những ký ức hào hùng 70 năm về trước, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội đi vào lịch sử năm châu, chấn động địa cầu.
Hòa trong dòng người tấp nập đó là những màu xanh áo lính. Họ là những cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa trở lại thăm chiến trường. Đối với họ, từng tấc đất, từng chiến hào, từng lô cốt đều thấm đẫm những kỷ niệm của một thời hoa lửa hào hùng.
Chia sẻ đầy hào hùng của cựu chiến sĩ Điện Biên Phạm Thắng, nguyên chiến sĩ trung đoàn 102, Trung đoàn thủ đô, thuộc Đại đoàn 308 về giây phút sinh tử ông cùng 11 đồng chí trong tiểu đội vác bộc phá lên đồi A1.
“Bộ đội ta đi dọc chiến hào lên đồi A1, cứ 10 người hy sinh thì sẽ có 10 người khác lên thay. Tiểu đội của tôi tiến lên 11 người thì hy sinh 9 người. Bà con nhân dân đến thăm quan đồi A1 hãy nhớ rằng, đồi A1 này hàng trăm, hàng nghìn chiến sĩ ta đã hy sinh để có được ngày hôm nay”, ông Phạm Thắng cho biết.
70 năm về trước, chảo lửa Điện Biên Phủ chỉ là cảnh tượng hoang tàn, đổ nát chìm trong khói bom và những đau thương mất mát của cuộc chiến trường kỳ với thực dân Pháp xâm lược. Còn giờ đây, mảnh đất bom đạn ngày nào đã trở thành thành phố trẻ vươn mình hội nhập nhưng vẫn lưu giữ được những chứng tích, những câu chuyện lịch sử đầy giá trị về một thời đạn bom.
Những ký ức còn đọng mãi với thời gian ấy như tiếng chuông lịch sử vang mãi, nhắc nhở các thế hệ sinh ra trong hòa bình trân trọng công lao của các thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống để dựng xây hòa bình cho hôm nay.
Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận
70 trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng về một thời hoa lửa luôn vẹn nguyên trong ký ức của những cựu chiến sĩ Điện Biên. Đối với các chiến sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì để có được mảnh đất Điện Biên Phủ như ngày hôm nay, từng tấc đất […]