Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), đổi mới khoa học – công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và là xu thế tất yếu của nông nghiệp hiện đại. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm NNCNC là một xu thế tất yếu, giúp phát triển nền sản xuất nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân. NNCNC vốn không còn xa lạ gì với thế giới, nhưng tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút được sự quan tâm của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp sản xuất vì những ưu thế mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống. NNCNC là một xu hướng mà nước ta đang hướng tới và hứa hẹn sẽ là một bước tiến lớn cho nền nông nghiệp nước nhà. NNCNC là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, còn gọi là công nghệ cao (CNC) nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, nhiều địa phương đã, đang đầu tư mạnh cho lĩnh vực này, trong đó phải kể đến tỉnh Lâm Đồng. Đây là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp thông minh. Với kinh nghiệm trên 15 năm phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, cơ sở vật chất, hạ tầng sản xuất cũng như trình độ canh tác, chăn nuôi của nông dân Lâm Đồng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Lâm Đồng là một trong những địa phương đi đầu trong việc áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Điều này đã đưa ngành nông nghiệp tỉnh có bước phát triển vững chắc, lâu dài. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 65 nghìn ha (hơn 25.830 ha rau, 3.035 ha hoa, 3.559 ha chè, 20.404 ha cà phê, 5.045 ha lúa, 6.885 ha cây ăn quả, 167 ha cây dược liệu, 20 ha nấm và 363 ha cây trồng khác…) NNCNC, chiếm 21,8% diện tích đất canh tác, trong đó có 450 ha ứng dụng công nghệ thông minh. Bên cạnh NNCNC, nông nghiệp thông minh (NNTM) đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cây trồng, vật nuôi giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố vi khí hậu, môi trường, dinh dưỡng của cây trồng, chip điện tử theo dõi sức khỏe vật nuôi…; đồng thời giám sát và điều khiển bằng hệ thống cảm biến IoT. Ứng dụng NNTM giúp cây trồng, vật nuôi sinh trưởng tối ưu cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế, góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh. Hiệu quả ứng dụng công nghệ IoT giúp người sản xuất giảm 10 – 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; giảm 30-50% lượng nước tưới và nhân công lao động cho các trang trại. Việc áp dụng NNTM trong sơ chế, chế biến đã giúp tăng hiệu suất và đồng thời giảm chi phí thuê nhân công, chất lượng nông sản tốt hơn so với phân loại thủ công. Trong chăn nuôi, các doanh nghiệp lớn sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR (Total mixing rotation); sử dụng robot đẩy thức ăn tự động tại các trại chăn nuôi bò sữa của Công ty Vinamilk để hạn chế công lao động và đảm bảo thức ăn thường xuyên cho vật nuôi. Hiện nay, người chăn nuôi bò sữa sử dụng trên 95% máy vắt sữa thay cho việc dùng tay vắt sữa thủ công đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa.
Để phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, địa phương đã thành lập mới 13 Hợp tác xã (HTX), nâng số HTX toàn tỉnh lên 342; xây dựng 3 Liên hiệp HTX với 18 HTX thành viên và 300 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp. Doanh thu bình quân của mỗi HTX khoảng 3 tỷ đồng/năm với lợi nhuận bình quân khoảng 600 triệu đồng/năm. Từ việc đẩy mạnh mô hình kinh tế tập thể, thu nhập bình quân của mỗi lao động trong HTX cũng đạt khoảng 72 triệu đồng/năm. Hiện nay, toàn tỉnh có 175 chuỗi liên kết trong các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Theo đánh giá, phần lớn nông dân đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm với các hợp đồng lâu dài. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2022 của toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 450 – 460 triệu đồng/ha; đồng thời phát triển nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kiểu mẫu về nông nghiệp thông minh, kiểu mẫu về cảnh quan môi trường, kiểu mẫu về sản xuất nông sản an toàn và liên kết, tiêu thụ sản phẩm…
Thời gian tới, Lâm Đồng sẽ chú trọng phát triển diện tích NNCNC theo hướng hiện đại, đa chức năng, có chất lượng cao gắn với thương hiệu: đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 72.700 ha ứng dụng CNC; trong đó có 1.000 ha ứng dụng NNTM. Thứ 2 là hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp NNCNC, thông minh: phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20 doanh nghiệp NNUDCNC được UBND tỉnh công nhận; trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh. Thứ 3 là công nhận vùng sản xuất ứng dụng CNC, vùng NNCNC kiểu mẫu. Thứ 4 là triển khai thực hiện các đề án, chương trình để phát triển nông nghiệp bền vững, thúc đẩy phát triển NNCNC, NNTM và NNHC như Đề án phát triển vùng sản xuất và chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu bền vững giai đoạn 2020 – 2025. Nếu có sự triển khai đồng bộ và mạnh dạn đầu tư thì trong thời gian tới, chắc chắn NNCNC ở Lâm Đồng sẽ ngày càng khẳng định được vai trò trong kinh tế của tỉnh và vị thế trong cả nước.
Quân Nguyễn ( Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 5/2023 )
VHDN: Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã và đang đầu tư, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người dân… […]