Sự kiện - chuyên đề:

Làm gì để giữ gìn nghề cổ truyền sản xuất muối ở miền Bắc?

VHDN:Trên thế giới hiện nay có khoảng 120 nước sản xuất muối, nhưng không có nước nào sản xuất muối theo phương pháp như hiện đang tồn tại ở miền Bắc Việt Nam: “Sản xuất muối ăn từ nước biển theo phương pháp phơi cát”.

Trong các phương pháp sản xuất muối ăn từ nước biển, thì phương pháp sản xuất muối biển theo phương pháp phơi cát là nặng nhọc, năng suất thấp. Sản xuất muối theo phương pháp phơi cát là một sự sáng tạo của người xưa, rất phù hợp với khí hậu miền Bắc nắng mưa xen kẽ, sản phẩm thu được theo cách gọi dân gian là muối Bắc. Muối Bắc làm ra chủ yếu để phục vụ cho người dân miền Bắc có thói quen dùng muối hạt. Muối tinh sau này mới có, nhưng người dân vẫn thích dùng muối Bắc vì nhiều lý do, trong bài viết này không đề cập đến.

Trong cơ chế thị trường, việc duy trì và phát triển nghề muối ở miền Bắc không hề đơn giản. Mấy ai khởi nghiệp từ nghề này? Muốn khởi nghiệp theo nghề này đòi hỏi phải chịu khó, vất vả và đam mê mới duy trì được. Bởi nghề chỉ sản xuất theo vụ, có nắng mới có muối, phụ thuộc thời tiết, giá trị kinh tế thấp, hiệu quả kinh tế không cao so với nhiều ngành nghề khác, nên bỏ nghề, bỏ ruộng muối hoặc chuyển đổi sang sản xuất khác đang ngày càng gia tăng là đương nhiên. Nếu không có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng, từ nhà nước, thì tương lai không xa, nghề sản xuất muối cổ truyền miền Bắc sẽ chỉ còn trong ca dao, sách vở mà thôi.

Trước đây, nghề muối được tôn vinh, bởi vì muối rất quan trọng trong đời sống con người, đóng góp cho nền kinh tế nước nhà. Chúng ta còn nhớ sau hòa bình lập lại, nhận thấy muối là thức ăn cần thiết, là nguồn sống của số đông dân cư ở ven biển, lại là nguồn thuế đóng góp đáng kể vào công cuộc kiến thiết nước nhà. Vì vậy, chính sách quản lý muối có quan hệ đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Công tác muối là một công tác quần chúng có tính chất chính trị của Đảng và Chính phủ. Năm 1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 535/TTg ngày 23/5/1955 thành lập Sở Muối trực thuộc Bộ Tài chính. Nghị định đề cập tới việc quản lý thu mua muối; quản lý các ruộng muối; hướng dẫn giúp đỡ nhân dân phục hồi và phát triển sản xuất muối; phụ trách việc thu muối của diêm dân, cung cấp muối cho Mậu dịch quốc doanh để tiếp tế cho các địa phương và điều hòa giá muối trên thị trường; dự trữ muối cần thiết cho nhu cầu của nhân dân.

Trong thời hội nhập kinh tế quốc tế, nghề muối trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Sản xuất muối bị tác động bởi biến đổi khí hậu, đất đai bị thu hẹp, chia cắt và đan xen với nghề nuôi trồng hải sản. Buôn bán muối chịu tác động từ nguồn muối nhập khẩu quá lớn (Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…), đặc biệt nghề muối miền Bắc còn chịu sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà từ nguồn muối miền Trung giá rẻ, chất lượng cao, số lượng lớn so với muối miền Bắc. Ngày nay Chính phủ không còn xem công tác muối là quan trọng như trước đây, bởi nhiều ngành nghề khác còn quan trọng hơn, người diêm dân cần phải thấu hiểu và thích nghi, từng bước nắm bắt thông tin, tiếp cận những công nghệ sản xuất mới, những mặt hàng mới để duy trì và phát huy nghề muối cổ. Bởi nhu cầu xã hội và thị trường xuất khẩu vẫn cần hạt muối miền Bắc, mà không có sản phẩm muối nào khác có thể thay thế được. Do tính chất đặc thù của muối miền Bắc, trên thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều “muối Nam làm giả muối Bắc” để bán, chứ không có chuyện ngược lại. Vì sao lại có hiện tượng này? Đó là văn hóa muối, là thói quen của người dân miền Bắc hay dùng muối Bắc. Bởi vì muối Bắc không chát như muối Nam, và hạt muối Bắc độ mặn chỉ khoảng 30%, còn lại là hơn 60 loại vi khoáng phù hợp với sức khỏe, ăn uống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Với tốc độ phát triển kinh tế của nước ta hiện nay, đang bắt đầu thời kỳ bùng nổ về muối công nghiệp, muối chế biến, nên tỷ trọng nhu cầu về muối hạt dùng trong dân sinh giảm dần, nhường chỗ cho tỷ trọng muối công nghiệp. Bên cạnh sản lượng muối ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu xã hội, thì yêu cầu về chất lượng muối cũng đòi hỏi ngày càng cao, phù hợp với tiêu chuẩn trong nước và trong khu vực, đồng thời phải mang tính văn minh thương nghiệp về mẫu mã, kiểu dáng bao bì v.v… Thiết nghĩ, muối Bắc muốn giữ nghề như một nét văn hóa của cha ông, đồng thời nâng giá trị kinh tế của hạt muối, cần phải triển khai trước mắt mấy việc:

Một là, đưa nghề sản xuất muối Bắc thành sản phẩm du lịch có một không hai trên thế giới.
Điều kiện để làm du lịch về muối cần: Nơi đó phải hội tụ các yếu tố giao thông đi lại, có diện tích sản xuất tương đối lớn, còn duy trì công nghệ sản xuất cổ truyền, có đủ điều kiện cho người du lịch ở lại tham gia trải nghiệm, có sản phẩm sạch để quảng bá, có sản phẩm khác từ muối để tuyên truyền như: Muối để chăm sóc sức khỏe, muối để làm đẹp, muối để chữa bệnh…để bán và lưu niệm cho khách hàng.

Hai là, nên sản xuất muối sạch đạt chuẩn xuất khẩu, số lượng lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu, để có thể sản xuất muối quanh năm thay vì chỉ có mấy tháng nắng.

Điều kiện để làm được cần: Triển khai Dự án xây dựng mô hình hợp tác sản xuất muối sạch trong nhà kính theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại vùng sản xuất muối theo công nghệ phơi cát ở miền Bắc. Sản xuất muối trong nhà kính, thực chất nhằm ứng dụng “Hiệu ứng nhà kính” để bốc hơi nước biển ở giai đoạn kết tinh. Ngoài ra, sản xuất muối trong nhà kính không bị tác động của môi trường ngoài đồng muối như: Bụi, cát bay, côn trùng, tạp chất hữu cơ lẫn vào sản phẩm khi thu hoạch. Do kết tinh muối trong nhà kính nên nhiệt độ cao hơn, bốc hơi nhanh hơn dẫn đến năng suất muối cũng cao hơn. Sản xuất muối trong nhà nên thích ứng được với biến đổi khí hậu, có thể sản xuất muối khi gặp mưa, thu hoạch liên tục quanh năm không theo mùa vụ như sản xuất muối truyền thống.

Để có đủ nước chạt bão hòa dùng sản xuất trái vụ, cần tăng năng suất ở công đoạn chế chạt, bằng việc ứng dụng công nghệ bay hơi lập thể hay công nghệ nước chảy ngầm trong cát, để có đủ nước chạt cho sản xuất. Sản xuất muối trong nhà kính còn có thêm ưu điểm: Chủ động về thời gian sản xuất, có thể kết tinh muối ngắn ngày hay dài ngày để tạo ra những sản phẩm khác biệt, đạt tiêu chuẩn sạch, có thể ăn trực tiếp không qua khâu chế biến. Phương pháp sản xuất muối trong nhà kính, cho phép ta có thể sản xuất ngoài đồng hoặc bất kỳ khu vực nào có không gian tiếp xúc trực tiếp với nắng mặt trời. Phương pháp này, có thể sản xuất muối quy mô nhỏ hoặc quy mô lớn, có thể tự động hóa khâu sản xuất. Sản xuất muối trong nhà kính, không chỉ dùng để sản xuất muối ăn từ nước biển, mà ngay từ năm 2013 Công ty cổ phần Công nghệ Muối Biển đã triển khai ứng dụng hiệu ứng nhà kính để sản xuất muối ăn tại các mỏ muối ở Khoksaat (Viêng Chăn, Lào).

ThS. Bùi Sơn Long
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Muối Biển

Chia sẻ
15:54:54 08-12-2018

VHDN:Trên thế giới hiện nay có khoảng 120 nước sản xuất muối, nhưng không có nước nào sản xuất muối theo phương pháp như hiện đang tồn tại ở miền Bắc Việt Nam: “Sản xuất muối ăn từ nước biển theo phương pháp phơi cát”. Trong các phương pháp sản xuất muối ăn từ nước […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi