Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đặt vấn đề về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước, điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Đúng là lâu nay chúng ta tập trung tiến hành xây dựng và chỉnh đốn trong Đảng, còn ở khu vực Nhà nước thì chưa đề cập. Đảng lãnh đạo nên việc chỉnh đốn trong Đảng là đúng. Hơn nữa, cán bộ có chức, có quyền hầu hết đều là đảng viên nên chống tham nhũng, tiêu cực phải từ trong Đảng chống ra. Các đảng viên hư hỏng, thoái hóa, biến chất thì phải xử lý trước; chức vụ càng cao thì càng phải xử lý nghiêm minh.
Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có viết, lần này tăng cường xây dựng và chỉnh Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Như vậy, bổ sung thêm ý quan trọng là chỉnh đốn cả ở khu vực Nhà nước. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Bởi hoạt động của các cơ quan nhà nước bao trùm mọi hoạt động của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Nếu xây dựng các cơ quan nhà nước trong sạch, vững mạnh thì đất nước sẽ phát triển. Như 12 đại dự án thua lỗ thì đó chính là câu chuyện chỉnh đốn nhà nước. Rồi tham nhũng vặt, sách nhiễu, cửa quyền cũng là câu chuyện của nhà nước… Thực hiện có hiệu quả việc chỉnh đốn cả Đảng và Nhà nước sẽ làm thay đổi căn bản công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cũng như các vấn đề bức xúc khác trong xã hội.
Với hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, cùng nhiều vụ việc phức tạp khác được đưa ra ánh sáng, ông đánh giá thế nào về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ này?
Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng là công việc quan trọng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Song ở mỗi nhiệm kỳ kết quả đạt được là khác nhau, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân. Đến Đại hội XII mới tạo ra những chuyển biến tích cực, cụ thể, được người dân tin tưởng hơn.
Nguyên nhân là do cách thức thực hiện nghiêm hơn, bài bản hơn, làm từ trong Đảng làm ra, làm từ trên xuống dưới, từ cao đến thấp, chứ không phải từ dưới lên trên. Trên có nghiêm, thì dưới mới sợ và thực hiện theo. Cấp to mà tham nhũng, tiêu cực thì ảnh hưởng lớn lắm. Không chỉ cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng đâu mà cả ngành, cả lĩnh vực, cả xã hội bị ảnh hưởng. Như việc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa rồi “ngã ngựa”, bị khởi tố thì đâu chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình ông ấy mà còn ảnh hưởng đến cả chính quyền TP Hà Nội nữa chứ.
Điều người dân đang đặt ra làm sao “giữ lửa” công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ tới thưa ông…?
Trước đây cũng có chuyện, nhiệm kỳ trước hăng hái, tích cực nhưng đến nhiệm kỳ sau khí thế lại giảm dần. Bây giờ cũng có người đang hỏi: Nhiệm kỳ Đại hội XII làm tốt rồi vậy đến nhiệm kỳ Đại hội XIII thì thế nào? Có phát huy, có tiếp tục giữ được “ngọn lửa” trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực không?
Cái này liên quan nhiều đến việc lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ diện ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nếu chọn được người có tinh thần quyết liệt đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thì sẽ kế tiếp, giữ được “ngọn lửa”; Nhiệm kỳ trước làm tốt rồi thì nhiệm kỳ sau sẽ làm tốt hơn. Ngược lại, chọn phải người không xứng đáng, có vấn đề thì không cẩn thận “ngọn lửa” sẽ lụi dần. Cho nên khi nói đến đại hội, báo cáo chính trị, đương nhiên là phải chuẩn bị tốt, song nó cũng là một phần, phần còn lại là phải lựa chọn nhân sự cho tốt, cho đúng.