Sự kiện - chuyên đề:

Lan tỏa nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả

 Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện đa dạng các mô hình trình diễn, nhằm đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn tại huyện Quốc Oai cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Hiệu quả, dễ ứng dụng
Anh Trần Văn Thái, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín chia sẻ, nhờ ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho cây trồng do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã giảm đáng kể chi phí sản xuất. Để tưới cho 1ha rau, hệ thống chỉ cần hoạt động với thời gian 60 phút/ngày, giảm được khoảng 40% lượng nước tưới. Lượng phân bón ít bị thất thoát, năng suất, chất lượng rau tăng lên rõ rệt. Không chỉ có hộ anh Thái, theo đánh giá của nhiều chủ vườn trồng bưởi tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, hệ thống tưới đã giúp giảm công lao động, giảm chi phí nhân công 12 lần so với phương pháp tưới truyền thống. Kết quả này cho thấy, mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, được nông dân đón nhận, áp dụng trên nhiều loại cây trồng khác nhau từ rau màu đến cây ăn quả.

 

Thông qua thực hiện các mô hình, người nông dân đã dần thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Nhiều sản phẩm từ các mô hình đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, giúp nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại
Một trong những mô hình trình diễn của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được người dân đánh giá cao nữa là mô hình nuôi thủy sản theo VietGAP với quy mô 20ha, triển khai trên địa bàn 5 huyện: Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Anh Nguyễn Văn Lâm, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên cho hay, với việc sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, ao nuôi cá 1ha của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất trên 18 tấn, cao hơn 15% so với ao nuôi thông thường, trừ các khoản chi phí cho thu lãi hơn 80 triệu đồng/ha.
Ngoài các mô hình trên, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn triển khai nhiều mô hình khác như: Nuôi chạch thương phẩm; chăn nuôi bò sinh sản; sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn; nuôi thủy sản áp dụng công nghệ “sông trong ao”… với sự tham gia của hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn TP.
Hỗ trợ để nhân rộng
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, bằng việc xây dựng các mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đưa các tiến bộ khoa học công nghệ đến gần với bà con nông dân, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi, gia tăng hiệu quả sản xuất. Qua đó giúp nông dân dần thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mô hình khuyến nông không chỉ đơn giản là cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật sinh động theo cách “cầm tay chỉ việc”, mà còn hỗ trợ tích cực về giống, vốn… giúp nông dân vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, trong quá trình triển khai thực hiện, một số chương trình, mô hình khuyến nông phải điều chỉnh nội dung do kinh phí hạn hẹp, chậm được phê duyệt bổ sung. Do vậy, Trung tâm kiến nghị TP cùng các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm hơn để việc triển khai mô hình khuyến nông đến cơ sở kịp thời, trong khung thời vụ tốt nhất.
Theo KTĐT
Chia sẻ
10:26:34 17-06-2020

 Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện đa dạng các mô hình trình diễn, nhằm đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân. Hiệu quả, dễ ứng dụng Anh Trần Văn Thái, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín chia sẻ, nhờ ứng dụng […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi