Sự kiện - chuyên đề:

Làng Mỹ Lợi (Thừa Thiên – Huế): Vùng đất “địa linh nhân kiệt”

VHDN: Có những làng quê Việt Nam, dù chỉ một lần đến nhưng cũng bị “ám ảnh” bởi vẻ đẹp thiên nhiên và chiều sâu lịch sử, văn hóa của nó. Làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên -Huế) là một làng như vậy.

Làng Mỹ Lợi cách thành phố Huế khoảng 40km và có quốc lộ 49B chạy qua. Những năm gần đây làng Mỹ Lợi liên tục đổi mới, cuộc sống Nhân dân thay đổi từng ngày. Kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh mọc lên. Điển hình như Nhà hàng Hải Bình ở thôn 4 xã Vinh Mỹ (làng Mỹ Lợi) nơi tận tình phục vụ thực khách gần xa. Nhà hàng sang trọng, phục vụ nhiều món ăn Âu, Á và ẩm thực truyền thống địa phương. Nhà hàng Hải Bình được xem là nơi dừng chân lý tưởng của du khách thập phương mỗi lần ghé qua làng Mỹ Lợi.

Tài liệu Hán Nôm lưu giữ nội dung về Hoàng Sa – Ảnh: Tư liệu.

Bề dày văn hóa và truyền thống hiếu học

Làng Mỹ Lợi nằm trên dải cát giữa biển và đầm phá, nay thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là làng có bề dày văn hóa và nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học, trọng chữ, thể hiện qua nhiều thế hệ dân làng học hành, đỗ đạt từ xưa đến nay. Hệ thống văn bản Hán Nôm cổ còn được làng gìn giữ rất có giá trị về mặt văn hóa lịch sử. Trong số đó có cả văn bản từ thế kỷ 17 liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, đã được dân làng đồng thuận hiến tặng cho Nhà nước làm cơ sở đấu tranh đòi lại chủ quyền…

Người cao tuổi làng Mỹ Lợi kể rằng, làng được thành lập năm 1562 do các ngài khai canh, có lẽ là ngư dân từ làng Lương Niệm, Sầm Sơn, Thanh Hóa di cư vào Nam theo chúa Nguyễn Hoàng. Làng có diện tích tự nhiên khoảng 896ha với hơn 1.400 hộ, 6.000 nhân khẩu. Trên mảnh đất cát hẹp, thiên tai khắc nghiệt ấy, trải qua 450 năm, dân làng Mỹ Lợi bao đời với tài năng và tầm nhìn xa rộng, đã tạo lập nên một làng quê sầm uất, trù phú và tiếng tăm. Ở Mỹ Lợi, nghề vườn có cau; nghề rừng có khoai mài; nghề biển đầm có các loại cá dìa, cá mú, cá hanh, tôm rằn, cá thu, cá ngừ…; nghề thủ công có các sản phẩm đũi, lụa, thao, vải, nón… Nón lá Mỹ Lợi đã có thời cạnh tranh với nón Huế…

Đình làng Mỹ Lợi – Ảnh: Huy Xuyên.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xã Vinh Mỹ có 131 liệt sĩ, 32 thương binh, bệnh binh, 128 gia đình có công với nước. Trong đó làng Mỹ Lợi là một pháo đài thép, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Bằng “Có công với nước”.

Làng Mỹ Lợi cũng là nơi sinh ra những người giỏi giang, kinh bang tế thế. Làng Mỹ Lợi có các họ Trần, Hoàng, Lê, Phan… có nhiều người tài giỏi, đỗ đạt, làm quan to ở triều Nguyễn và các chính quyền sau này. Họ Hoàng Văn (hay Huỳnh Văn, Hoàng Trọng) có các ông: Hoàng Văn Tuyển (1824-1879) đậu Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851), từng làm Tổng đốc Bình Định và Thượng thư Bộ Công; ông Hoàng Trọng Nhu, năm 38 tuổi, đậu Cử nhân Khoa Kỷ Dậu (1909), Huỳnh Văn Tích, đậu tú tài, làm Tri huyện Hòa Đa (Bình Định). Đặc biệt, bà Bà Hoàng Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn là Đoan Huy Hoàng Thái hậu (tức Đức Từ Cung), tên thật là Hoàng Thị Cúc, vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại, là người có rất nhiều công lao trong việc gìn giữ các di tích triều Nguyễn trong Hoàng thành sau khi triều Nguyễn bị sụp đổ.

Nơi lưu giữ báu vật Hoàng Sa

Đình làng Mỹ Lợi là một chứng nhân văn hóa lịch sử. Đình là nơi hội họp, sinh hoạt của bà con trong các dịp Tết và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng. Đình làng Mỹ Lợi được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa, kiến trúc cấp Quốc gia, ngày 28/6/1996.

Đình Mỹ Lợi được xây dựng khoảng năm 1669, tại Khe Long (tên cũ của làng Mỹ Lợi), sau bị hư hỏng do thiên tai, nên dời về làng Mỹ Lợi. Đình xây dựng theo phong cách kiến trúc dân gian triều Nguyễn, nhà rường ba gian, hai chái, trang trí kiểu “nhất thi nhất hoạ”, “tứ linh”, “long mã”, “lưỡng long chầu nguyệt”. Hương án trong đình đều được khảm trai, chạm trổ long, lân, quy, phụng rất tinh xảo, có giá trị mỹ thuật cao. Đặc biệt, ở đình còn lưu giữ được gần 1.000 trang văn bản Hán – Nôm, một bộ biên niên sử làng Mỹ Lợi.

Nơi đây, vào ngày 1-5-1930, lá cờ Đảng của Chi bộ Mỹ Lợi đã được treo cao. Đây cũng là lá cờ Đảng đầu tiên được treo lên ở Thừa Thiên-Huế. Người Mỹ Lợi lưu giữ trong đình làng của mình một văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm. Văn bản có khuôn dấu và chữ ký rõ ràng, khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Làng Văn hóa điển hình của tỉnh

Nối tiếp dòng chảy văn hóa của cha ông, Mỹ Lợi tiếp tục xây dựng làng văn hóa bắt đầu từ việc hình thành Bộ Quy ước làng văn hóa với 5 chương, 30 điều. Điểm nổi bật là ngoài việc chú trọng phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, quy ước đã đề cập cụ thể đến việc nâng cao dân trí gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, xây dựng các chuẩn mực về chấp hành pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thuần phong mỹ tục… Quy ước cũng tập trung vào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó lấy con người làm trọng tâm; phấn đấu theo 5 đức tính tốt đẹp là: yêu quê hương, đất nước; sống và làm việc theo pháp luật, tự giác thực hiện tốt các quy định, quy ước của cộng đồng; tôn trọng tình nghĩa và đạo lý, giữ gìn di sản văn hóa, trọng thị, khoan dung, thuần hậu; có ý thức tập thể, đoàn kết cộng đồng, tương thân, tương ái; hăng say lao động, học tập vì lợi ích bản thân, gia đình, tập thể và xã hội, kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đầm phá Cầu Hai – Ảnh: Huy Xuyên.

Nhờ vậy, các tầng lớp Nhân dân trong làng luôn có lối sống lành mạnh, văn minh, cần, kiệm, nhân nghĩa, tôn trọng và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước làng văn hóa.

Từ năm 2000, Mỹ Lợi đã được công nhận là Làng Văn hóa điển hình đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hiện nay, toàn xã có 1.382/1.523 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (trên 90%), được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen 20 năm phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tặng Bằng khen cho làng Mỹ Lợi về lưu giữ văn bản liên quan đến Hoàng Sa.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2023

(Huy Xuyên – Xuân Hoàng)

 

16:49:56 06-07-2023

VHDN: Có những làng quê Việt Nam, dù chỉ một lần đến nhưng cũng bị “ám ảnh” bởi vẻ đẹp thiên nhiên và chiều sâu lịch sử, văn hóa của nó. Làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên -Huế) là một làng như vậy. Làng Mỹ Lợi cách thành phố […]

Đối tác của chúng tôi