Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng nằm trên địa bàn quận Thốt Nốt, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 40km, là địa điểm tham quan khá thú vị với các du khách khi đặt chân đến vùng đất Tây Đô. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức bánh quê, mà còn tận tay làm bánh, được chia sẻ bí quyết và kỳ công của những người giữ lửa làng nghề.
Hai bên đường vào làng nghề bánh tráng Thuận Hưng là những phên bánh được phơi đều tăm tắp. Người dân nơi đây không ai biết làng nghề ra đời từ khi nào, chỉ biết là có từ xa xưa và được ông bà, cha mẹ truyền lại. Cứ thế từ đời này sang đời khác, nghề bánh tráng đã tồn tại hơn 200 năm qua.
Ngày nay, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng có hơn 100 hộ làm bánh, tập trung chủ yếu ở ấp Tân Lợi 3, Tân Phú và Tân Thạnh.
Bánh tráng của Thuận Hưng được người tiêu dùng yêu thích và chọn dùng là do người dân làng nghề có bí quyết trong việc pha bột. Theo các cụ cao niên, chiếc bánh tráng ngon phải có mùi gạo thơm, phải mềm, mịn, dẻo thơm. Mà muốn có bột ngon thì phải chọn được loại gạo.
Người dân làng nghề chọn gạo được sản xuất ở vùng Thốt Nốt, gạo gặt về để trong 6 tháng mới làm bởi lẽ gạo mới mà làm ngay thì khi nhúng nước bánh bị rã, nướng không giòn đều; trong khi đó, gạo để lâu quá khi làm bánh và nướng lên thì xốp nhưng không giữ được vị ngọt.
Chọn được gạo ngon thì mang đi ngâm rồi xay thành bột, lọc bỏ phần nước chua rồi pha bột với nước sao cho vừa, bỏ thêm chút muối để bánh được đậm đà hơn. Nét rất riêng của bánh tráng Thuận Hưng là có vị ngọt, không có vị chua nhẹ như những loại bánh tráng ở vùng khác.
Bà Thái Thị Lệ Hồng (ngụ tại tổ 8, khu vực Tân Phú, xã Thuận Hưng, quận Thốt Nốt) cho biết, vợ chồng bà có hơn 30 năm làm nghề bánh tráng. Bà được cha truyền nghề lại, mỗi ngày từ 6 giờ sáng, bà bắt đầu tráng bánh và cho ra lò khoảng 1.500 chiếc bánh/ngày.
Bánh tráng của bà Hồng có vị dừa béo nhẹ hòa với mùi thơm từ gạo, loại gạo bà Hồng lựa chọn là gạo 504, được say thủ công tại nhà. Bà Hồng chia sẻ, bí quyết để tráng bánh ngon, mỏng và không bị nát là cần đảm bảo lửa nhỏ và tráng bánh đều nhanh tay. Bánh tráng được hấp bằng hơi nước khoảng 15 giây là chín.
Ông Nguyễn Văn Tư (ngụ tại ấp Tân Thanh, xã Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho hay, ông là đời thứ 3 làm nghề này. Ông được cha mình truyền nghề lại và từ năm 16 tuổi, ông bắt đầu tráng những chiếc bánh đầu tiên. Đến nay, ở cái tuổi gần 70, ông vẫn miệt mài mỗi ngày bên lò bánh cùng vợ và con gái.
Ông cho biết, việc duy trì nghề truyền thống ông bà để lại là niềm tự hào của gia đình; dù xã hội phát triển, ra đời rất nhiều loại bánh tráng ngon, được sản xuất từ máy móc, nhanh hơn và đỡ vất vả hơn nhưng gia đình ông vẫn muốn giữ hương vị truyền thống nên từ khâu chọn bột, say bột, tráng và phơi bánh đều làm thủ công, cả việc củi lửa để tráng bánh ông vẫn giữ lại chứ không sử dụng lò điện.
Theo bà Hạnh (vợ ông Tư), có rất nhiều loại bột được bán sẵn, nhưng gia đình bà vẫn muốn tự tay chọn gạo, ngâm gạo và say bột, tráng bánh, tự cân đo đong đếm lượng bột, lượng đường và nước cốt dừa theo công thức gia truyền của gia đình.
Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, bánh tráng được làm ở đây quanh năm, nhưng cao điểm nhất vẫn là vào dịp Tết Nguyên đán. Thời gian này, các gia đình trong làng nghề đều phải làm tăng gấp đôi, gấp ba sản lượng.
Bánh tráng Thuận Hưng có 4 loại: bánh mặn, bánh lạt (bánh nhạt), bánh nem và bánh dừa. Bánh mặn là bánh nhiều muối, dẻo và giữ được lâu hơn so với bánh lạt. Bánh lạt giòn hơn. Bánh nem là bánh có kích cỡ nhỏ. Bánh dừa là bánh có pha thêm nước cốt dừa và mè.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc và duy trì qua nhiều thế hệ, ngày 6/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa nghề làm bánh tráng Thuận Hưng vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nguồn: Báo Công lý
Cần Thơ có ẩm thực rất phong phú với nhiều đặc sản như các loại bánh dân gian, hủ tiếu…, trong số đó không thể không nhắc tới bánh tráng ở làng Thuận Hưng với tuổi đời hơn hai thế kỉ. Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng nằm trên địa bàn quận Thốt Nốt, cách […]