Sự kiện - chuyên đề:

Lãng phí và chống lãng phí như chống tham nhũng

VHDN: Theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thì “Lãng phí là việc sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lí, sử dụng ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định”. Thực tế hàng chục năm qua, tình trạng lãng phí ở nước ta không những không ngăn chặn được mà ngày càng gia tăng; xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, với mọi đối tượng, ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp và trong toàn xã hội,v.v…

 

Gần đây, trong bài “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm viết: “…Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thái khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho phát triển”. Trong hơn một thập kỉ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thu hồi khá nhiều tài sản do tham nhũng mà có, góp phần tích cực ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, một loại “giặc nội xâm” gây nên. Song, công cuộc phòng chống lãng phí hầu như chưa có thành tựu, hiệu quả không đáng kể. Lãng phí vẫn diễn ra một cách phổ biến. Nguy hại lớn nhất là khiến cho đất nước chậm phát triển bởi nguồn lực “khổng lồ” bị mất đi một cách vô hình và hầu như mọi vụ lãng phí không có người nào chịu trách nhiệm. Đây là kẽ hở vô cùng lớn của thể chế, là “điểm nghẽn” trong tình thế thực thi pháp luật hiện nay.

Cách đây khoảng 20 năm, các vụ tham nhũng, lãng phí lớn xảy ra, như: Vụ Lã Thị Kim Oanh gây thất thoát 71 tỉ đồng; vụ án Tập đoàn VINASHIN để lại món nợ cho Chính phủ 8.600 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do đầu tư 907 tỉ đồng, mua tàu Hoa Sen thiệt hại 470 tỉ đồng. Vụ Dương Chí Dũng (Tập đoàn VINALINES) mua ụ nổi 370 tỉ đồng (chỉ là đống sắt vụn); rồi vụ Gang Thép Thái Nguyên (Giai đoạn 2) vừa chậm tiến độ 10 năm vừa gây thất thoát 830 tỉ đồng,v.v…không chỉ liên quan tham nhũng mà còn là lãng phí rất lớn về việc sử dụng vốn Nhà nước, tài nguyên Nhà nước đã được xử lí nghiêm, tưởng là bài học thấm thía để rồi không có thể lặp lại. Thế nhưng từ đó đến nay, lãng phí tiếp tục trượt dài, ngày càng trầm trọng. Hàng nghìn vụ việc mà điển hình cho sự lãng phí nghiêm trọng là 57 dự án trọng điểm quốc gia dang dở do Ban Chỉ đạo Trung ương đang theo dõi, xử lí, trong đó có 9 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng, 15 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, 7 dự án trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, thể thao và du lịch, 4 dự án ngành nông nghiệp,v.v… Ngành Công Thương với hàng trăm dự án điện tái tạo năng lượng đang vướng mắc về thủ tục, đàm phán giá điện, chuyển tải hoà vào lưới điện quốc gia, một số dự án đã giải quyết dứt điểm song còn nhiều dự án vẫn đang vướng mắc, công trình vẫn phơi dưới trời mưa, nắng rất lãng phí.

Về quản lí, sử dụng đất đai, ở địa phương nào cũng lãng phí nghiêm trọng. Hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp bỏ hoang hoá. Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tỉ lệ lấp đầy thấp. Hàng loạt nhà đầu tư xin cấp đất, giao đất với diện tích lớn nhưng thu hút đầu tư nhỏ giọt.

Nhiều khu công nghiệp hình thành đã 15-20 năm nhưng tỉ lệ lấp đầy chỉ 10-25%, thậm chí có nơi chỉ được 5%. Ở TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và hầu khắp các đia phương đều tồn tại hàng trăm dự án quy hoạch treo, hàng nghìn dự án kinh tế lớn, nhỏ đang bị “treo”, vô cùng lãng phí. Ngay trung tâm Hà Nội, khu đất “kim cương” là Nhà Triển lãm Giảng Võ (cũ), khu Cao – Xà – Lá bên đường Nguyễn Trãi, hàng chục năm giải phóng mặt bằng xong nay bỏ hoang,v.v…

Ngành Y tế có hai dự án lớn xây dựng 2 bệnh viện đa khoa Bạch Mai và Việt Đức (Hà Nam), vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng, khánh thành trước kì họp Quốc hội tháng 10/2020 nay bỏ hoang, không một bác sĩ có mặt, không một người bệnh ngó ngàng tới. Công trình và thiết bị đang xuống cấp, trong khi 02 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức ở trung tâm Thủ đô quá tải tột cùng.

Ngành Giao thông vận tải đáng chú ý là dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân. Năm 2006 có vốn đầu tư 3.940 tỉ đồng, trong quá trình thực hiện đội vốn lên hơn 7.000 tỉ đồng nhưng hiệu quả chạy tàu vô cùng thấp, ngoài chở hàng thì có chuyến tàu chỉ có 1-3 hành khách. Cũng trong ngành này phải kể đến các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Metro Bến Thành – Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) dài 20 km, khởi công năm 2008, qua giai đoạn thi công kéo dài 15 năm, mấy lần tăng vốn để cuối cùng đội vốn gấp gần 5 lần. Tại Hà Nội tuyến metro đầu tiên là Cát Linh – Hà Đông dài 13,5 km, khởi công năm 2008, vốn đầu tư ban đầu là 8.769 tỉ đồng, năm 2016 điều chỉnh lên hơn 18.000 tỉ đồng. Tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội khởi công 2009, dự kiến đưa vào khai thác năm 2015, vốn đầu tư ban đầu 783 triệu Euro, năm 2015 điều chỉnh lên 1.176 triệu Euro, năm 2023 điều chỉnh đội vốn lên 1,3 tỉ Euro và kéo dài thực hiện đến 2027, không loại trừ khả năng tiếp tục điều chỉnh vốn. Do năng lực quản lí, điều hành thi công và sử dụng vốn Nhà nước, các dự án đường sắt đô thị đều rất chậm tiến độ và đội vốn cao. Lãng phí về thời gian dẫn đến lãng phí rất lớn ngân sách Nhà nước.

Một số ví dụ trên đây chứng minh sự lãng phí là cực kì lớn, lớn hơn nhiều so với tham nhũng. Nếu hạn chế được sự lãng phí, tham nhũng, đất nước ta sẽ là quốc gia thoát nghèo từ những thập kỉ trước và sẽ là nước phát triển không phải vào sau năm 2045 như đường lối Đại hội XIII của Đảng đề ra. Những dẫn chứng đó cũng mới đề cập đến lãng phí nguồn lực sử dụng vốn ngân sách, một phần tài nguyên. Theo nhiều ĐBQH, đất nước ta còn lãng phí không nhỏ về lao động và năng suất lao động, về thời gian, về thể chế, về chất sám, công sức của doanh nghiệp, về cơ hội phát triển đất nước. Ở Trung ương và nhiều địa phương do bộ máy Nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức nhũng nhiễu, quan liêu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm,v.v…Riêng về nguồn lực lao động, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đủ mạnh, nhanh nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta và các quốc gia trong khu vực, thế giới còn khá xa. Nếu không thúc đẩy, giải quyết được vấn đề năng suất lao động thì nước ta sẽ tiếp tục tụt hậu, nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kì dân số vàng…

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có chiều sâu, không ngừng nghỉ, bám sát được thực tế. Trong đó đời sống xã hội cũng xây dựng được văn hoá công sở, văn hoá liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực. Nay cần tăng cường xây dựng văn hoá “chống lãng phí”. Đó là thiết lập hệ thống giá trị, thái độ, hành vi nhằm ngăn chặn việc sử dụng lãng phí nguồn lực, tài nguyên, tài sản, ngân sách Nhà nước, tài sản doanh nghiệp. Nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn lực công và tư. Từ đó, giảm thiểu những tổn thất không đáng có, đồng thời tạo ra giá trị tối đa từ các nguồn lực có sẵn cho sự phát triển.

Về biện pháp, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có cả một hệ thống pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước ngày càng được hoàn thiện, đi đôi với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Theo Người: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho dân, cho Chính phủ. Có khi tai hoạ hơn nạn tham ô”. Về lĩnh vực này, một vấn đề then chốt là vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ Đảng và đặc biệt là vị trí của người đứng đầu. Người đứng đầu mẫu mực, trong sáng, có năng lực, trí tuệ, dám chịu trách nhiệm, quản lí nghiêm ngặt, điều hành công việc linh hoạt, chuẩn xác sẽ hanh thông và ngăn chặn được tình trạng lãng phí, tham ô; xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Khi xảy ra tham nhũng, lãng phí người đứng đầu phải nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm khi để xảy ra lãng phí tài sản của Nhà nước, tiền của của Nhân dân”…

 

Kim Quốc Hoa

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 11/2024)

09:35:35 07-11-2024

VHDN: Theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thì “Lãng phí là việc sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền […]

Đối tác của chúng tôi