Sự kiện - chuyên đề:

Lao xao chợ quê…

Có lẽ, không có vùng quê nào trên đất nước Việt Nam lại không tồn tại một cái chợ – nơi người dân tụ tập để trao đổi mua bán những thứ thiết yếu cho cuộc sống thường ngày. Mà dẫu chẳng phải để mua bán thì nó cũng là nơi gặp gỡ nhau để thắm tình làng xóm. Hình ảnh ngôi chợ nghèo xác xơ mái lá ẩn mình trong mưa gió đã trở thành một dấu ấn không dễ mờ phai trong lòng người dân Việt Nam, nhắc nhở họ nhớ về cái nơi đã chôn nhau cắt rốn…

Chợ gạo tại một làng quê ở miền Bắc Việt Nam năm 1973. (Ảnh: Corbis).

Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
(Nguyễn Trãi)

Tôi chẳng thể nào biết được cái chợ làng ngư của cụ Ức Trai có tự bao giờ và đến nay có còn lao xao nữa không? Người xưa đã khuất, cảnh xưa cũng chỉ là hoài niệm, còn đường về dằng dặc, hun hút như những cơn mơ. Nơi ấy quê tôi cũng lao xao những buổi chợ – chợ phiên. Phiên chợ xa như khoảng thời gian mong bà về chợ, nhưng cũng lại rất gần khi thấy bóng bà thấp thoáng sau rào dâm bụt, từ phía đàng xa… để bây giờ mỗi lần nhớ quê tôi lại tìm về với những hình ảnh thân thương cũ: chợ quê.

Chợ phiên quê tôi họp vào các ngày năm, ngày mười và diễn ra liên tục chứ không giống như chợ của các làng khác, chỉ họp vào đầu tháng ta. Phiên chợ trở thành đơn vị để đếm thời gian của người dân quê tôi. Ví như, khi nhắc đến một người đi xa, bà lại giơ tay bấm đốt rồi chặc lưỡi: “Chà, vậy là nó đã đi ngót ba phiên chợ rồi !”( tức là gần nửa tháng), hay: “Chỉ đến phiên chợ sau là đàn gà xuống ổ”. Chợ đã ăn sâu vào trong tâm tưởng của người dân quê tôi, gắn bó với họ trong từng lời ăn tiếng nói.

Chợ họp ở sân đình nên thường có tên gọi là chợ Đình. Ở quê, chợ họp ở đâu thì thường lấy tên nơi đó đặt thành tên chợ: chợ Đình, chợ Đọ, chợ Phủ, chợ Chùa… cùng với bao tên chợ mộc mạc dễ nhớ khác mà tôi chưa được biết đến. Bà bảo, họp chợ ở sân đình vì nơi đó rộng, có những cây đa to che bóng mát. Sau này lớn lên, tôi còn biết một lý do nữa, mà có lẽ là lý do quan trọng nhất để dựng chợ ở đây, đó là trung tâm của ba làng: làng Bái quê tôi, làng Gòi, làng Đống. Chợ ở giữa ba làng để tạo sự công bằng, làng nào cũng phải đi xa như nhau, nhưng cũng vì đình gần con đường dẫn vào ba làng, rất thuận lợi cho việc đi lại. Nhà tôi ở cuối làng, cách chợ khá xa. Lần nào đi chợ về bà cũng kêu đau lưng và đấm lưng thùm thụp. Tôi thương bà quá. Nhưng khi bà vừa đặt cái thúng đậy cái vỉ buồm xuống hiên nhà thì tôi đã chạy ào đến trước, moi từ mãi dưới đáy thúng lên một chiếc kẹo gừng tẩm bột hay một con gà bằng bột thổi kêu te te, thổi chán lại bứt đầu, bứt mào ăn dần để rồi lại chờ đến những buổi chợ sau…

Bà kể, chợ Đình to lắm. Có biết bao nhiêu người đến với bao hàng hoá chứ không lèo tèo như cái chợ làng tôi, chỉ dăm ba mớ rau với vài mớ cá. Chợ họp từ tinh sương cho đến mãi khi mặt trời đã lên quá ngọn tre, ánh nắng trở nên gay gắt chứ không còn ấm áp như buổi sớm. Tôi đã được bà cho theo đi mấy lần, để bây giờ nó trở thành kỷ niệm thân thiết của tuổi thơ…

Chợ Đình. Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy, dưới ánh mắt ngỡ ngàng của tôi, to và đông vui lắm. Có biết bao nhiêu là người. Bà bảo phải nắm lấy vạt áo bà thật chặt kẻo mà lạc mất. Ở chợ có mấy đứa bé cũng bám chặt lấy áo bà nó, chân nọ vón vào chân kia. Tôi đoán, chắc chúng cũng được theo bà đi lần đầu. Nhiều hàng hoá quá! Người ta ngồi dọc đình, bày hàng dưới những mái lều lợp nứa hay lợp rạ. Hàng rau bày một dãy, hàng cá, hàng thịt, rồi hàng bán gà, bán vịt, bán lợn con… đủ mọi thức hàng.

Trước kia, chợ đâu có đông vui và nhiều hàng như bây giờ. Cuộc sống đã no đủ hơn xưa nhiều. Bà nhìn những thứ hàng hoá ngồn ngộn lại bùi ngùi nhớ về những ngày khó khăn thuở trước: chợ họp về đêm, người đến chợ thật mau chân rồi lại về nhanh như khi đến, sợ giặc biết chúng lại bỏ bom bắn phá… Bà dẫn tôi một vòng quanh chợ, rồi cho tôi vào dãy hàng quà. Nhưng lúc ấy tôi chẳng thiết ăn thức gì vì mắt đã dán về phía cô hàng bán tranh nơi tít mé đình. Những bức tranh gà, tranh lợn, tranh đám cưới chuột bày la liệt trên cái mẹt và được đè bằng mấy cục đá kẻo gió thổi bay mất.

Chợ đông người nhưng chỉ rặt đàn bà con gái, tịnh không có bóng dáng một người đàn ông nào đến chợ, có chăng chỉ có ông lão nặn đồ chơi bằng đất màu ngồi nơi cổng, bị vây kín bởi ánh mắt háo hức của lũ trẻ con. Bàn tay ông thoăn thoắt như người làm xiếc: chốc một cái đã có một ông râu dài mặt đỏ ngồi trên lưng ngựa, tay cầm một cây đao dài được cắm trên cái que có bôi phẩm màu xanh đỏ; chốc một cái lại là hình con rồng, rồi quả cam, quả thị, thằng bé chăn trâu thổi sáo, con gà, con chim… Những con vật thơ ngộ sinh ra từ bàn tay tài hoa của ông lão rồi theo chân bọn trẻ về khắp chốn cùng quê… Người ta í ới gọi tên vật này, đổi lấy thức khác, tiếng mặc cả, tiếng cười đùa, tiếng nắc nỏm ngợi khen về một cái áo nhuộm đậm màu, một cái nón được chằm những vòng đều đặn… Chợ đông vui tấp nập nhưng không ồn ào. Chỉ có tiếng người, tiếng vật, tiếng dép loẹt quẹt trên nền sân gạch… Những âm thanh ấy xôn xao rất lâu. Đó là tiếng của nhịp sống đầy thanh bình yên ả. Dưới gốc cây đa cổ thụ, bà cụ bán hàng xén nụ cười phúc hậu, mái tóc bạc trắng như cước; những chiếc nón chụm lại bên nhau quanh một câu chuyện, một lời hỏi thăm… Khi cái vỉ buồm của bà đã nặng trĩu thì cũng là lúc tôi phải ra về. Chợ hãy còn đông lắm! Trên mặt đất có biết bao nhiêu là rác rưởi. Tôi líu ríu theo sau bà, lòng đầy nuối tiếc để rồi suốt dọc đường về cứ ngẩn ngơ. Tiếng ồn ào xa dần rồi mất hẳn, nhưng trong óc tôi, những âm thanh ấy cứ vọng mãi không nguôi.

Bây giờ, bà tôi đã yếu rồi. Chợ phiên cũng chẳng còn là niềm háo hức đợi chờ của những dứa trẻ như tôi ngày trước bởi ngày nào chợ cũng mới mở, lượng hàng hoá nhiều hơn. Thay thế chỗ cô hàng bán tranh, chỗ ông lão nặn đất màu, người ta dựng nên những sạp hàng quần áo, những gian hàng bán tivi, xe máy… Chợ cũng không chỉ rặt những bà, những chị, những mẹ nón trắng nhấp nhô nữa, cả đàn ông bây giờ cũng đến chợ. Chợ xô bồ hơn. Người ta mua bán nhanh hơn, át đi cả tiếng gáy của những chú trống choai nhốt trong lồng khi nghe thấy tiếng cục tác của cô gà mái mơ đang nhảy ổ… Những nét yên ả của phiên chợ quê xưa đâu còn nữa. Tôi thèm được nghe tiếng bà từ trong buồng vọng ra biết chừng nào: “Ngày mai, chợ phiên”… thèm được lấy lại cảm giác ngỡ ngàng của chú bé líu ríu chân sau bà, tay nắm chặt vạt áo bà và mắt dán vào những bức tranh phẩm màu, những con gà nặn đất… Chao ôi! Nhớ quá chợ phiên!

Vâng! Ngày mai, ngày mai chợ phiên lại họp. Và chú bé lon ton trên con đường đất mềm mại, lòng háo hức những niềm vui… Tôi đấy! Chợ phiên…

Theo DDK

 

15:59:55 04-10-2019

Có lẽ, không có vùng quê nào trên đất nước Việt Nam lại không tồn tại một cái chợ – nơi người dân tụ tập để trao đổi mua bán những thứ thiết yếu cho cuộc sống thường ngày. Mà dẫu chẳng phải để mua bán thì nó cũng là nơi gặp gỡ nhau để […]

Đối tác của chúng tôi