Sự kiện - chuyên đề:

Lễ hội Cầu an ở Cần Thơ

VHDN:Theo tục lệ có từ lâu đời, lễ Cầu an (có nơi gọi là lễ Tống gió, Tống ôn) của người dân Nam bộ diễn ra trong ba ngày: 12, 13, 14 âm lịch tháng giêng, trong đó ngày 14 được xem là chánh lễ với nhiều nghi thức trang trọng. Theo nghĩa đen của các từ này thì tống là tiễn đi, xua đi, ôn là dịch bệnh, gió ở đây là gió độc gây bệnh cho con người.

Chuẩn bị lân để biểu diễn.

Có mặt tại lễ hội Cầu an năm 2018 ở Cần Thơ, anh Tạ Quang Ninh, ngụ khu vực 7, phường Hưng Phú, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ kể thêm “…lễ hội này đã có hàng mấy mươi năm, thu hút rất đông người từ các địa phương đồng bằng Sông Cửu Long về tham dự, năm nay khí thế nhộn nhịp hơn các năm trước…”.

Đến với nơi đây, chúng tôi bắt gặp cảnh quanh các miếu thờ rất nhộn nhịp, đông vui khác thường. Trước cửa mỗi nhà đều chuẩn bị làm bàn thờ để khi “hạ thủy” con tàu “xui xẻo” ra sông lớn, họ sẽ đốt nhang khấn vái xua đuổi tà ma và những điều không may mắn. Mỗi mâm cũng đều được đốt than, củi bỏ muối hạt trong những chiếc lò gạch, thau gang, nhôm đi kèm trái cây, bánh ngọt, hoa tươi.

Ông Võ Văn Thường, người dân khu vực 7, phường Hưng Phú, quận Cái Răng (TP. Cần Thơ)  giải thích “…ngày này mỗi nhà đều đốt củi hay than xua đi sự rủi ro, kém may mắn cho gia đình và lập bàn thờ vái van cầu mong sự thành đạt, sức khỏe…”.

Thuyền giấy chuẩn bị thả xuống sông

Năm nay, lễ Cầu an tại Cần Thơ sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi như: múa lân, hát bội, đờn ca tài tử, cúng các loại thức ăn, như: heo trắng, cá lóc… Thu hút nhiều người đến xem nhất là phần “đốt lửa” và “tống gió” với nghi thức thả thuyền giấy ra sông lớn, trên đó có chở theo nhiều gạo, muối, cốm dẹp, bí đao … của người đến cúng dường để “tống tiễn” những điều xui xẻo nhất, rủi ro, đau ốm, bệnh tật ra khỏi gia đình, địa phương, đồng thời cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cuộc sống dân làng được ấm no, hạnh phúc. Dưới thân thuyền là những bè chuối kết lại. Thuyền này được ban tế tự của Miễu làm lễ rước rất long trọng trước khi chuyển xuống tàu ghe chở ra sông lớn và thả trôi trên dòng nước. Nhiều địa phương tổ chức lễ hạ thuyền giấy vào sáng sớm hay ban đêm. Có nơi chọn thời gian từ 14 đến 15 giờ để tiến hành nghi lễ này. Riêng tại Cần Thơ, việc thả thuyền tiến hành vào 14 giờ ngày 2/3/2018 (nhằm ngày 14 tháng giêng âm lịch). Ban đêm, ngoài phần cúng tế, Ban tổ chức còn còn dùng xuồng nhỏ bơi cặp theo mé sông kết hợp với đội lân múa trên bờ sẽ đến nhận muối, gạo của từng nhà chuyển ra thuyền giấy trên sông.

Bà Trịnh Thị Bé Sáu, ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) kể rằng  “…hàng năm lễ Cầu an tại địa phương diễn ra rất lớn nhưng an ninh trật tự, không xảy ra các vấn đề có liên quan đến mê tín dị đoan, bà con phấn khởi lắm vì làm ăn được mùa, không xảy ra dịch bệnh, xóm làng yên vui…”.

Cũng theo bà Sáu, vào những ngày này, nhiều nhà đang chuẩn bị thời gian đến thắp hương cầu nguyện tại Miễu Bà, làm nhiều bánh, mứt, thức ăn chuẩn bị đến cúng bái, có nhiều người tuy ở xa, như: Hậu Giang, Vĩnh Long mỗi năm đều có mặt tại đây để cầu nguyện.

Mâm lễ vật truyền thống

Về nguồn gốc lễ Cầu an đến nay cũng có nhiều truyền thuyết khác nhau nhưng đa phần có điểm trùng hợp là: lễ Cầu an là dịp để mọi người tưởng nhớ công đức của Bà Thiên Hậu, vị “thần” cai quản sông nước để cầu mong bà giúp đỡ khi gặp hoạn nạn, không làm bão lũ để người dân yên ổn làm ăn. Cạnh đó còn trừ khử những loại người hung ác, gian tà.

Riêng về tục lệ làm thuyền giấy thì theo ông Lê Quang Trinh, 88 tuổi, Trưởng ban tế tự Miễu Bà, phường Hưng Phú, quận Cái Răng cho biết: Lúc xưa khi thiết kế thuyền này có hình tượng những quan hộ giá của bà Thiên Hậu, như: Quan Công, Quan Bình và Châu Xương, gươm giáo chỉnh tề, mặc võ phục, tư thế ngồi trên các lưỡi dao biểu hiện sự uy dũng, miệng xỏ những cây xiên ngang bằng sắt biểu hiện cho chí khí của thần linh. Trên thuyền có câu liễn “Chức sắc đại càn, Quốc gia Nam Hải”. Ngày nay nhiều ngôi Miễu Bà còn kết hợp việc thờ bà chúa Xứ ở An Giang như các miễu ở quận cái Răng (TP. Cần Thơ ), huyện Đông Hải (Bạc Liêu)…

Trong tiếng múa lân rộn ràng, cờ xí muôn màu, muôn vẻ, hàng ngàn người dân đổ xô ra phía sông lớn để xem hành lễ trên sông và cũng để cầu an cho chính gia đình mình. Sự kiện này luôn thu hút du khách nước ngoài dừng thuyền ghe trên sông Hậu để  tham quan tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm.

Lễ Cầu an – một nét đẹp truyền thống văn hóa dân gian của người dân Cần Thơ đã và đang được cộng đồng chung tay giữ gìn và phát huy bản sắc vốn có.

Trương Thanh Liêm

Chia sẻ
09:53:11 22-03-2018

VHDN:Theo tục lệ có từ lâu đời, lễ Cầu an (có nơi gọi là lễ Tống gió, Tống ôn) của người dân Nam bộ diễn ra trong ba ngày: 12, 13, 14 âm lịch tháng giêng, trong đó ngày 14 được xem là chánh lễ với nhiều nghi thức trang trọng. Theo nghĩa đen của […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi