Sự kiện - chuyên đề:

Liên tục tăng lương tối thiểu: Trăn trở ai hưởng lợi

 “Tăng lương tối thiểu để làm gì khi mà đời sống của người lao động vẫn cứ khốn khó như thường?”

Theo thống kê của World Bank, Việt Nam là quốc gia có xu hướng tăng lương tối thiểu cao nhất trong khu vực (tăng 14% từ năm 2014 – 2016).

Mới đây, Hội đồng tiền lương quốc gia tiếp tục chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 ở mức 5,5% so với năm 2019.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, tăng lương tối thiểu khoảng 5% so với năm 2019, sẽ đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động vào năm 2020.

Lien tuc tang luong toi thieu: Tran tro ai huong loi
Tăng lương tối thiểu không giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động. Ảnh minh họa

Ai được lợi?

Trao đổi với Đất Việt chiều 15/7, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công độc lập cho rằng, ông không quan tâm nhiều đến những con số mà các bên đưa ra, bởi đây là kịch bản năm nào cũng diễn ra vào mỗi kỳ tăng lương. Nó không mang nhiều ý nghĩa thực chất.

Theo ông Đồng, chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào vấn đề lương tối thiểu mà là các giải pháp thực chất như thế nào để giảm chi phí cho người lao động, giảm bớt khó khăn cho họ.

“Về đề không nằm ở lương tối thiểu. Nếu tăng lương tối thiểu thì doanh nghiệp cũng thiệt mà người lao động cũng thiệt, bên được lợi duy nhất là quỹ bảo hiểm xã hội (được tăng lên do mức đóng bảo hiểm dựa vào lương tối thiểu).

Thông qua khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp đều dùng hai hệ thống sổ lương, một sổ để đóng bảo hiểm và làm các thủ tục về thuế, còn một sổ nữa mới là sổ thực chi cho người lao động. Mức lương thực của người lao động bao giờ cũng cao hơn khoảng 20 – 30% so với mức lương tối thiểu.

Vì thế việc tăng lương tối thiểu không có nhiều ý nghĩa trong đó. Thậm chí tăng lương tối thiểu thì người lao động sẽ mất thêm tiền ở 2% phí công đoàn và phần đóng bảo hiểm xã hội như đã đề cập ở trên”, vị chuyên gia chính sách công độc lập phân tích.

Căn nguyên vấn đề

Ông Nguyễn Quang Đồng cho biết, nhóm chi tiêu của người lao động bao gồm 5 khoản chi cơ bản cho giáo dục, y tế, lương thực, giải trí, điện-nước.

Nếu chúng ta giải quyết được sự bất hợp lý trong nhóm chi tiêu thì hoàn toàn không cần phải giải quyết vấn đề lương tối thiểu mà vẫn có thể đảm bảo mức sống cho người lao động.

“Bất bình đẳng trong chính sách về hộ khẩu là cái dở nhất và có thể cải thiện được. Người lao động đa phần là lao động nhập cư không có hộ khẩu tại nơi làm việc. Điều này dẫn đến việc con cái họ không được học ở các trường công lập mà buộc phải sang học ở các trường tư với chi phí đắt đỏ (hơn khoảng 50%).

Trong vấn đề khám chữa bệnh cũng thế, vì không có hộ khẩu nên hầu như người lao động phải khám dịch vụ với chi phí cao hơn so với khám bằng bảo hiểm y tế.

Chuyện điện, nước cũng thể hiện sự bất công. Khảo sát của World Bank (tại thời điểm khảo sát) cho thấy, một hộ gia đình nhập cư phải trả 1 số điện trung bình 2.884 đồng, cao hơn so với giá cao nhất trong thang luỹ tiến của một hộ gia đình bản địa (người bản địa phải trả 2.846 đồng nếu dùng trên 400 kwh). Nguyên nhân là những người nhập cư không có hộ khẩu riêng nên không được bắt công tơ điện riêng.

3/5 khoản chi cơ bản này chiếm từ 70 – 80% chi tiêu của hộ gia đình người lao động, vì thế tại sao không tập trung vào giải quyết sự bất bình đẳng này?.

Hiện tại đa số người lao động nhập cư đang phải chịu một mức chi phí cơ bản lớn, dẫn đến việc phúc lợi của nhóm này bị kéo xuống thấp hơn rất nhiều so người dân bản địa”, ông Đồng nêu quan điểm.

Vị chuyên gia chính sách công đặt ra câu hỏi, tăng lương tối thiểu để làm gì khi mà đời sống của người lao động vẫn cứ khốn khó như thường?

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, nếu chúng ta giải quyết được bài toán bất bình đẳng về hộ khẩu, nghĩa là giải quyết được căn nguyên của vấn đề thì sẽ đảm bảo được chất lượng cuộc sống cho người lao động mà không cần phải lo chuyện tăng lương tối thiểu hay không.

Theo BDV

Chia sẻ
14:27:22 16-07-2019

 “Tăng lương tối thiểu để làm gì khi mà đời sống của người lao động vẫn cứ khốn khó như thường?” Theo thống kê của World Bank, Việt Nam là quốc gia có xu hướng tăng lương tối thiểu cao nhất trong khu vực (tăng 14% từ năm 2014 – 2016). Mới đây, Hội đồng tiền […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi