Sự kiện - chuyên đề:

Luật BHXH phải hướng đến người lao động

VHDN: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người lao động (NLĐ). Làm rõ vấn đề này, ông Phan Văn Mến – Giám đốc BHXH TP. Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. 

Ông Phan Văn Mến – Giám đốc BHXH TP. Hà Nội

Ông đánh giá thế nào về những nội dung trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhất là những điểm mới sửa đổi, bổ sung?

Ông Phan Văn Mến: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã đáp ứng được một phần sự quan tâm của xã hội. Thứ nhất, đã sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.

Thứ hai, dự thảo cũng sửa đổi quy định trợ cấp BHXH một lần theo hướng khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Thứ ba, dự thảo đã bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện. Quy định này làm tăng sức hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, góp phần tăng diện bao phủ BHXH.

Quy định hưởng BHXH một lần là nội dung được nhiều NLĐ quan tâm. Ông có thể nói rõ về những thay đổi trong quy định này?

Ông Phan Văn Mến: Tại Điều 77, về BHXH một lần, Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1- sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Phương án 2- sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Chúng tôi đề xuất bỏ Phương án 1; đồng thời sửa đổi Phương án 2 theo hướng bỏ quy định chờ sau 12 tháng, vì NLĐ chỉ hưởng tối đa trên 1/2 tổng thời gian đóng BHXH, nên vẫn trong diện bao phủ BHXH và khi về già vẫn có khoản trợ cấp để trang trải cuộc sống. Sau khi nghỉ việc, một bộ phận NLĐ thực sự cần tiền để phục vụ nhu cầu cấp bách nên cần được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng phải tìm đến “tín dụng đen” gây mất trật tự an toàn xã hội.

Hiện có nhiều ý kiến về quy định trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Ông Phan Văn Mến: Điều 75 Dự thảo Luật về “Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu” nêu: “NLĐ có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Phương án 1- Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Phương án 2- Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Đối với trường hợp NLĐ đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 71 và Điều 72 của Luật này mà tiếp tục đóng BHXH, thì mỗi năm đóng sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Do đó, theo tôi nên bỏ Phương án 1, thực hiện theo Phương án 2 để đảm bảo sự công bằng giữa người đã hưởng BHXH một lần, sau đó có đủ thời gian tham gia BHXH tương ứng với tỷ lệ 75% với người có số năm tham gia BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.

Trân trọng cảm ơn ông!

PV

Chia sẻ
10:40:27 10-04-2023

VHDN: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người lao động (NLĐ). Làm rõ vấn đề này, ông Phan Văn Mến – Giám đốc BHXH TP. Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi