Sự kiện - chuyên đề:

Đô Lương- Nghệ An: Nữ công chức huyện “ép” nông dân “trích” lại tiền hỗ trợ nông nghiệp?

VHDN: Trong vòng 3 năm, thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nữ cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đô Lương (Nghệ An) đã buộc nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện trích lại “phí giao dịch” khi nhận kinh phí cấp hỗ trợ từ tỉnh cấp về.

 

Thực hiện QĐ 87/2014, nhiều hồ nông dân ở Nghệ An có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp

Văn phòng đại diện VHDN Việt Nam tại Nghệ An vừa có được thông tin, cơ quan Thanh tra UBND huyện Đô Lương đang vào cuộc làm rõ những kiến nghị, tố cáo của người dân trên địa bàn liên quan đến tiền hỗ trợ mua máy nông nghiệp trong 3 năm 2015, 2016, 2017.

Sau khi có đơn, ngày 4/10/2018, UBND huyện đã ban hành Quyết định 2413 thành lập Tổ kiểm tra, rà soát đơn tố cáo một số hộ dân liên quan đến tiền hỗ trợ mua máy nông nghiệp năm 2015, 2016, 2017.  Ngày 29/1/2019, ông Phùng Thành Vinh – Chủ tịch UBND huyện Đô Lương đã ký Quyết định số 145 về việc Kết luận nội dung tố cáo bà Trương Thị Lan Anh (1985) – chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Đô Lương trong thực hiện chính sách hỗ trợ tiền mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp theo QĐ 87/2014/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An.

Theo kết luận tổ kiểm tra, trong 3 năm 2015, 2016, 2017, huyện đã phê duyệt quyết toán 52 hộ mua máy gặt với tổng số tiền hỗ trợ trên 4,1 tỷ đồng. Về việc bà Lan Anh yêu cầu các hộ dân để lại một số tiền được hỗ trợ để chi phí vào việc quyết toán chi phí dự án: Cụ thể, có 36/52 hộ đã nhận đủ số tiền chi trả; có 16/52 trường hợp thực tế có gửi lại cho bà Lan Anh số tiền nhất định trong số tiền được chi trả là trên 237 triệu đồng… Theo giải thích của bà Lan Anh, có việc bản thân làm cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân sau khi hoàn thành các thủ tục. Khi có nguồn chuyển về bản thân đã tham mưu Phòng NN&PTNT chi trả. Khi chi trả đã nhận tiền từ thủ quỹ để chi trả cho các hộ dân trong gờ hành chính. Tuy nhiên, có một số hộ đã chi trả ngoài giờ hành chính, sau khi nhận tiền hỗ trợ thì việc bản thân đã nhận tiền “cảm ơn” của một số hộ dân là có thật, mang tính tự nguyện chứ không có chuyện trừ vào tiền tỉnh cấp hay ăn chặn. Khi chi trả đã tham mưu chi trả đúng quy định từ trên xuống, theo ngày tháng ghi trong hóa đơn giá trị gia tăng (ai mua máy trước thì nhận trước, ai mua sau thì trả sau).

Ông Trần Ngọc Thuận – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đô Lương cho biết: “Trong thời gian công tác, khi tôi nhận nhiệm vụ điều hành Phòng NN&PTNT (1/2018) bản thân thấy chị Lan Anh hoàn thành nhiệm vụ được giao, tuy nhiên nhận thấy quá trình công tác bản thân Lan Anh có phong cách khi trả lời với dân, thái độ ứng xử không chuẩn mực, nhất là trong đối thoại, hướng dẫn cho người dân”.

Cũng theo ông Thuận, liên quan đến kết luận thanh tra, trong quá trình huyện rà soát, kiểm tra đã xác định đến tháng 10/2018 thì số tiền trên (hơn 237 triệu đồng – PV) đã được bà Lan Anh khắc phục.

“Hiện tại đoàn thanh tra đang tham mưu UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban và cá nhân nghiêm túc kiểm điểm, đồng thời kiến nghị xử ký, kỷ luật các cá nhân, tập thể liên quan theo đúng quy định. Từ 2018, mặc dù chính sách quyết toán qua nhiều bước nhưng huyện đã làm đúng quy trình, quy định, thậm chí khi các hộ dân có động thái cảm ơn, chúng tôi vẫn quán triệt rõ với anh em là không được nhận bất cứ khoản nào, “bởi dân vay được tiền để mua máy làm tư liệu sản xuất vất cả lắm”- ông Thuận chia sẻ.

 

Trước đó, một số công dân trên địa bàn huyện Đô Lương đã có kiến nghị gửi Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đề nghị giải quyết vướng mắc trong việc chi trả tiền hỗ trợ mua máy nông nghiệp theo QĐ 09/2012 (sau này là QĐ 87/2014). Ngày 29/1/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giải quyết.

Đức Mạnh

22:58:32 10-03-2019

VHDN: Trong vòng 3 năm, thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nữ cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đô Lương (Nghệ An) đã buộc nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện trích lại “phí giao dịch” khi nhận kinh phí cấp hỗ trợ từ tỉnh cấp về. […]

Đối tác của chúng tôi