Sự kiện - chuyên đề:

Lý giải câu hỏi “xây chùa to để làm gì?”

VHDN: Nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở nước ta đã phát tâm đầu tư phục dựng, xây dựng ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, xếp hạng bậc nhất, nhì thế giới. Thế nhưng một số người lại thắc mắc, xây dựng chùa to, đi chùa để làm gì? Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó trụ trì chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc đã lý giải về việc này.

Thượng toạ Thích Minh Quang đã giải thích chi tiết về những giá trị, nhiệm vụ khi xây dựng chùa to, chùa lớn rằng, chùa để đáp ứng những nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân và chùa cũng là để lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ của Đức Phật và hướng thiện cho cộng đồng, cho quần chúng Nhân dân và đặc biệt là doanh nhân trẻ. Ngoài ra, theo Thượng toạ Thích Minh Quang, đối với chùa Bái Đính, Tam Chúc, Hoà thượng trụ trì và các thầy đưa ra 5 nhiệm vụ có thể gọi là “5 sứ mệnh”.

Nhiệm vụ thứ nhất, việc trùng tu, tủ bổ mở mang đối với chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc với mục đích để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, lịch sử do các bậc tiền nhân để lại. Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên 2.000 năm, Phật giáo luôn gắn bó đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo luôn luôn thể hiện tinh thần hộ quốc an dân. Đây chính là cơ hội để bảo tồn phát huy giá trị tốt đẹp văn hoá dân tộc từ ngàn đời của Phật giáo Việt Nam.

Nhiệm vụ thứ 2, đó là đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh, đời sống tín ngưỡng của quần chúng Nhân dân. Điển hình như mỗi năm có hàng vạn du khách về tham quan, chiêm bái, tĩnh tâm, hướng thiện. Việc này rất có ý nghĩa.

Nhiệm vụ thứ 3, chùa cũng chính là môi trường giáo dục, hướng thiện cho quần chúng Nhân dân, để làm sao mọi người cố gắng nỗ lực làm điều lành, tránh điều ác như lời Đức Phật dạy.

Nhiệm vụ thứ 4, chùa Bái Đính và Tam Chúc là nơi để làm công tác tiếp đón khách, đặc biệt là khách quốc tế, đối ngoại của Giáo hội về ngoại giao Nhân dân.

Nhiệm vụ thứ 5, đó là phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Về việc phát tâm đầu tư để khôi phục tu bổ, Thượng toạ cho biết, được sự cho phép của các cấp chính quyền, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (gia đình cư sĩ Phật tử Nguyễn Văn Trường) đã phát tâm đầu tư để khôi phục tu bổ, mở mang những ngôi chùa này.

Vào tháng 6/2022, đã khánh thành chùa ở đảo Đá Tây A, Sinh Tồn và Trường Sa Đông. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, vật tư, địa hình, nhưng việc hoàn thành vẫn diễn ra tốt đẹp, cũng chính nhờ Đức Phật che chở. Đây có thể nói là những công trình hết sức ý nghĩa và chúng ta đi mới thấy được giá trị, công sức lớn lao của người phục dựng như thế nào.

Những ngôi chùa này đều có nền móng từ xa xưa. Tại sao lại có từ xa xưa? Từ rất lâu bà con ngư dân đi đánh bắt trên biển gặp bão, mưa to, gió lớn thường vào các đảo trú bão. Và người Việt đi đâu đều gắn bó với tâm linh, khi tới đảo, có thể lúc đầu là thắp hương rồi đặt ở đó viên đá, cắm hương cầu nguyện, rồi dần có bức tranh Phật, tượng Phật. Điều đó khẳng định, những nền móng của những ngôi chùa đã có từ rất lâu. Dựa trên nền móng đó, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã xin phép được tu bổ, phục dựng, mở mang.

Bắt đầu từ năm 2022, các hoạt động trực tiếp nhiều hơn các buổi lễ, các khoá tu. Ngày nay, xã hội và các tổ chức tôn giáo phải chung tay cùng góp sức vào việc giáo dục thế hệ trẻ làm sao sống với tinh thần lương thiện có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Trong những năm tới, chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức các khoá tu cho giới trẻ, cho các em học sinh, sinh viên…

Tiến Nam

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2023)

19:40:00 11-06-2023

VHDN: Nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở nước ta đã phát tâm đầu tư phục dựng, xây dựng ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, xếp hạng bậc nhất, nhì thế giới. Thế nhưng một số người lại thắc mắc, xây dựng chùa to, đi chùa để làm gì? Thượng toạ Thích Minh Quang, Phó […]

Đối tác của chúng tôi