Ảnh minh họa
Huyện đảo xinh đẹp này chứa trong lòng một kho tàng di sản văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh, địa chất, địa mạo đặc sắc. Trên địa bàn huyện có 10 miệng núi lửa đã tắt, độc đáo nhất là hai miệng núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới. Huyện Lý Sơn còn là mảnh đất hội tụ, giao thoa của các nền văn hóa lớn: Chăm-pa, Sa Huỳnh và Đại Việt. Dấu tích xưa vẫn còn lưu giữ với gần 100 di tích văn hóa, trong đó có 4 di tích cấp Quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc. Đặc biệt, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nơi đây còn lưu giữ những tài liệu, bằng chứng quý giá khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoài ra, huyện Lý Sơn còn được mệnh danh là “Vương quốc tỏi”, với sản phẩm tỏi có hương vị đặc sắc, riêng biệt mà không nơi nào có được.
Theo ông Nguyễn Viết Vy, Giám đốc Sở Ngoại vụ, nguyên Bí thư Huyện ủy thì, Lý Sơn chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn là hướng đi hoàn toàn đúng. Vì thế, Đảng bộ huyện Lý Sơn đề ra mục tiêu phấn đấu, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ; trong đó đặc biệt coi trọng về du lịch và đã đạt được kết quả nổi bật. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành du lịch, thương mại, dịch vụ trong những năm qua đạt trên 25%/năm; trong đó, du lịch chiếm trên 21% tổng giá trị các ngành kinh tế.
Du lịch được chú trọng đầu tư phát triển để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kết cấu hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh, chất lượng ngày càng nâng lên; đầu tư các tuyến đường giao thông, điện thắp sáng đến các di tích, danh thắng, nâng cấp cột cờ Tổ quốc trên núi Thới Lới, phục dựng bộ xương Cá Ông, Cá Lăng; nâng cấp cảng giao thông, Quảng trường Trung tâm huyện, chợ, xây dựng hệ thống vệ sinh công cộng tại các điểm di tích… Những năm qua, huyện Lý Sơn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch như: Tuần lễ văn hóa du lịch Lý Sơn với nhiều hoạt động đặc sắc, chất lượng; phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức một số hoạt động thể thao quy mô cấp Quốc gia, quốc tế tại huyện đảo đã thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước; khuyến khích phát triển mô hình du lịch cộng đồng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác tiềm năng của huyện. Tiêu biểu là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, Hội đua thuyền truyền thống tứ linh, dịch vụ lặn ngắm san hô, du thuyền tham quan Đảo Bé, làng bích họa Đảo Bé, đường bích họa Cầu Vượt, Đảo Lớn…
Du lịch phát triển đã kéo theo sự phát triển của thương mại, dịch vụ, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngày càng tích cực. Từ chỗ kinh tế chỉ có hai chân, “một chân làm hành, tỏi và một chân đi biển” như người dân Đảo Lý Sơn lâu nay thường nói, đến nay du lịch, dịch vụ đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, số lượng lao động chỉ chiếm 35% dân số, nhưng đóng góp hơn 50% cơ cấu kinh tế của địa phương. Trước năm 2015, trên đảo chỉ có hai nhà nghỉ chưa đến 10 phòng, đến nay toàn đảo hiện có 133 cơ sở lưu trú, gồm 14 khách sạn, 57 nhà nghỉ, 62 homestay với 1.069 phòng.
Song song với đẩy mạnh phát triển du lịch, hoạt động vận tải đường biển đồng thời phát triển tương ứng. Hằng ngày, thường xuyên có tàu vận tải hành khách tuyến Cảng Sa Kỳ – Đảo Lý Sơn và ngược lại được đầu tư đóng mới hàng chục tỷ đồng, có chất lượng cao, rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn từ 35 đến 40 phút; tuyến Đảo Lớn, Đảo Bé có 16 phương tiện ca-nô, bảo đảm phục vụ tốt hành khách trong các ngày lễ, tết và mùa cao điểm du lịch…
Nhờ vậy, lượng khách du lịch tăng bình quân gần 15%/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2015; tổng doanh thu về du lịch năm 2020 đạt 435 tỷ đồng, chiếm trên 21% tổng giá trị các ngành kinh tế…
Lý Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nằm trong quy hoạch “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là cơ hội để huyện Lý Sơn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đồng thời kêu gọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Lý Sơn thành Khu du lịch Quốc gia, từng bước trở thành đô thị biển xanh, sạch, đẹp, văn minh, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; bảo vệ môi trường bền vững với những giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, phát triển du lịch theo chiều sâu gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Để phát triển du lịch bền vững, Lý Sơn chủ trương định hướng về sức chứa, điểm đến phù hợp của huyện đảo, tức là giới hạn số lượng khách đến đảo tối đa bao nhiêu là hợp lý, không chạy theo tăng trưởng lượng khách để tăng trưởng doanh thu. Thay vào đó, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng biệt để thu hút du khách khi đến đảo. Tập trung khai thác tiềm năng của các thắng cảnh địa chất núi lửa; phát huy giá trị của các di tích vật thể và phi vật thể, nhất là ý nghĩa thiêng liêng của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; tổ chức các hoạt động thể thao phục vụ du lịch như dù lượn, bóng chuyền bãi biển, bơi vượt biển, lặn ngắm san hô, chạy việt dã…
Thứ hai, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho Nhân dân địa phương.
Hiện nay, Lý Sơn đã có Khách sạn Mường Thanh; Khách sạn Đảo Ngọc đạt tiêu chuẩn 4 sao. Số lượng cơ sở lưu trú và phòng nghỉ trên đảo cơ bản đã phù hợp với sức chứa điểm đến, nên không cần phải thu hút thêm nhà đầu tư mà thay vào đó cần khuyến khích Nhân dân địa phương làm du lịch cộng đồng, tạo điều kiện để Nhân dân có khu vực buôn bán, kinh doanh thương mại dịch vụ, phát triển ẩm thực đặc trưng của đảo như hành, tỏi, giá đỗ, hải sản, bán buôn mặt hàng lưu niệm để du khách tham gia các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân như: trồng hành, tỏi, câu cá, lặn biển cùng ngư dân…
Thứ ba, phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp với hai sản phẩm mũi nhọn là tỏi và hành.
Đây là một thế mạnh, nét đặc sắc mà chỉ ở Lý Sơn mới có. Vì vậy, trong lĩnh vực trồng trọt, cần quy hoạch lại theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp hợp lý, vừa hạn chế đất thải ra môi trường, vừa tiết kiệm nguồn nước ngọt cho đảo; phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp, ngoài tỏi và hành là hai sản phẩm chủ lực, cần tăng diện tích đất trồng cây xanh, trồng hoa bản địa như hoa giấy, hoa sứ… để tạo các điểm nhấn phục vụ du khách; hỗ trợ, thúc đẩy việc liên kết giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp sạch; sử dụng tốt các ưu thế từ việc được cấp chỉ dẫn địa lý để bảo vệ giá trị và thương hiệu của tỏi Lý Sơn.
Thứ tư, quản lý tốt công tác quy hoạch và xây dựng, bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ, tự nhiên của đảo.
Sở Xây dựng thực hiện dự án lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 toàn huyện, được phê duyệt tại Quyết định số 579/QĐ-UBND, ngày 21-8-2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Nhờ vậy, công tác quản lý nhà nước về xây dựng được chấn chỉnh và ngày càng đi vào nền nếp. Các công trình xây dựng mới cần tiếp tục chú trọng yếu tố mỹ thuật kiến trúc, tuyệt đối không được xâm hại đến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ để đề xuất Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Lý Sơn là Công viên Địa chất toàn cầu, nhằm giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ tự nhiên của đảo.
Thứ năm, phát huy giá trị văn hóa, con người; bảo đảm phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế.
Lý Sơn – quê hương của Hải đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, con người nơi đây có truyền thống yêu nước nồng nàn, dù khó khăn đến mấy vẫn luôn kiên cường bám biển, bám đảo để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng; sống có nghĩa, có tình, chan hòa, hạnh phúc, chân thật, hết mực yêu thương bảo vệ nhau. Huyện đảo muốn phát triển bền vững, giàu mạnh thì các giá trị văn hóa cao đẹp của con người Lý Sơn cần phải được phát huy sâu sắc nhất trong bối cảnh huyện đảo đang đẩy mạnh phát triển du lịch, ngày càng hội nhập sâu rộng với trong nước và quốc tế; không để mặt trái của kinh tế thị trường ảnh hưởng đến văn hóa, nhân cách con người nơi đây để khi nói đến Lý Sơn thì du khách, người ở xa phải nhớ đến một vùng biển đảo xinh đẹp, thanh bình, con người thân thiện, mến khách, ứng xử văn minh, lịch sự, có tình yêu quê hương, đất nước và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo…
TS TRƯƠNG THỊ BẠCH YẾN, Học viện Chính trị khu vực III
VHDN: Được ví như “thiên đường giữa biển khơi”, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử thiêng liêng về chủ quyền Tổ quốc; vùng đất với những kiến tạo địa chất độc đáo, giàu bản sắc văn hóa. Trong hành trình phát triển, Đảng bộ, quân và dân […]