Sự kiện - chuyên đề:

Mạnh tay bài trừ hàng giả

VHDN: Hàng giả, hàng nhái ngày càng “phủ sóng” ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, gây tổn hại lớn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Để phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh… lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể với chế tài xử phạt mạnh hơn để răn đe, ngăn chặn tình trạng này.

 

Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường (QLTT), thời gian gần đây, các đối tượng vi phạm thường tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… tại các kho hàng, sau đó tiến hành kinh doanh, giới thiệu hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (zalo, viber, facebook, youtube…) “núp bóng” với danh nghĩa là hàng “xách tay”, “hàng sale” giá rẻ… Trên địa bàn nội địa cũng xuất hiện tình trạng một số đối tượng trưng bày lẫn lộn hàng giả, hàng thật với nhau để đánh lừa người tiêu dùng. Trước tình hình đó, Cục QLTT chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, rà soát, nắm bắt số thương nhân kinh doanh mới và hộ đã nghỉ kinh doanh để giám sát hoạt động của các cơ sở này; chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra theo từng chuyên đề, lĩnh vực cụ thể, từng địa bàn trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm. 10 tháng qua, Cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, trinh sát, phát hiện 57 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ; phạt hành chính những trường hợp vi phạm gần 900 triệu đồng; tịch thu và tiêu hủy hàng vi phạm trị giá hơn 2,95 tỉ đồng. Trong đó, nhiều vụ việc lớn được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Cán bộ QLTT kiểm tra tại cửa hàng tự chọn Việt Dũng (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong).

Điển hình, ngày 20 – 2, Đội QLTT số 2 kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh quần áo của bà Nguyễn Thị Lệ Thương ở thôn Phong Xá, xã Đông Phong (Yên Phong), phát hiện 3.000 chiếc áo phông có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ đang bày bán. Trong đó gồm: 1.450 chiếc áo phông nhãn hiệu Louis Vuitton; 1.200 chiếc áo phông nhãn hiệu Gucci và 350 chiếc áo phông nhãn hiệu Chanel. Bà Thương chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đội QLTT số 2 đã ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Tương tự, ngày 24-8, Cục QLTT tham gia cùng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT), Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) và Công an phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) kiểm tra đột xuất cơ sở giấy Tuấn Hoa (khu Dương Ổ, phường Phong Khê) do bà Nguyễn Thị Hoa là đại diện chủ hộ kinh, doanh phát hiện 5-7 công nhân được thuê thực hiện gia công, đóng gói khăn giấy ăn với bao bì, nhãn mác mang thương hiệu Corona. Đây là một thương hiệu giấy ăn đang được tiêu thụ nhiều trên thị trường. Kiểm đếm thực tế, Đoàn lập biên bản thu giữ hơn 2.700 bịch khăn giấy mang nhãn hiệu Corona.

Theo xác nhận từ ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại giấy Gia Nguyễn, chủ sở hữu thương hiệu giấy Corona, toàn bộ số hàng hóa phát hiện tại cơ sở giấy Tuấn Hoa trong ngày 24 -8 đều là giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký thuộc sở hữu của doanh nghiệp được làm giả rất tinh vi từ bao bì, thương hiệu đến mã QR Code. Nếu người tiêu dùng chỉ nhìn bằng mắt thường thì rất khó có thể phân biệt đâu là hàng thật và hàng giả. Tổng Cục QLTT đã lập biên bản thu giữ toàn bộ tang vật tại cơ sở giấy Tuấn Hoa để điều tra, làm rõ các vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Ông Phạm Huy Trọng, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: “Công tác chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, trong đó có nhiều nguyên nhân như: Phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán ngày càng tinh vi, phức tạp; cơ chế thực thi còn chống chéo; hạn chế về nguồn lực; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao…”.

Hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng không chỉ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, hình ảnh cũng như uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của Nhân dân. Do đó, đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái cần đến sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, nhất là siết chặt các chế tài xử lý vi phạm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, lực lượng QLTT, một trong những đơn vị chủ lực trong công tác chống hàng giả cần chủ động xây dựng, triển khai các phương án kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 12/2023
(PV)

10:20:10 08-12-2023

VHDN: Hàng giả, hàng nhái ngày càng “phủ sóng” ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, gây tổn hại lớn cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Để phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, xây […]

Đối tác của chúng tôi