Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Thái Bình đã trao tặng 129.304 suất quà trị giá trên 60,5 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Quý Mão. Từ đầu năm đến nay, việc huy động quỹ “Vì người nghèo” ở Thái Bình từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp được trên 7,9 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ các cấp đã trích quỹ để hỗ trợ người nghèo với số tiền trên 15 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây dựng mới 235 nhà đại đoàn kết với kinh phí trên 6,9 tỷ đồng; hỗ trợ cho 12 trường hợp bị thiên tai, rủi ro, tai nạn đột xuất với số tiền trên 200 triệu đồng…
Năm 2023, Hưng Hà cũng là huyện đi đầu trong vận động ủng hộ xây dựng quỹ “Vì người nghèo”. Trong 10 tháng qua, Hưng Hà đã chăm lo cho người nghèo với số tiền gần 4,7 tỷ đồng, trong đó xây mới 11 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 1 nhà. Nhân tháng cao điểm vì người nghèo, MTTQ huyện cùng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức ký kết chương trình phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội giai đoạn 2023 – 2025.
Thời gian qua, MTTQ tỉnh đã thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng về nội dung giám sát, phản biện xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo hệ thống chính quyền và các sở, ngành chức năng phối hợp với MTTQ để triển khai thực hiện. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý đất đai; bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; việc quản lý thu, chi các khoản đóng góp trong trường học; sản xuất kinh doanh, chương trình giảm nghèo bền vững… MTTQ các xã, phường, thị trấn thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã thực hiện 4.845 cuộc giám sát, tập trung vào các nội dung: thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị; các khoản đóng góp, xây dựng công trình phúc lợi cộng đồng; thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo; chính sách với người có công; thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư… Một số nhiệm vụ phản biện xã hội ở cơ sở được triển khai, tập trung vào các dự thảo đề án, dự án lớn của tỉnh có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.
Thực hiện Quy chế số 07-QC/ TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh”, trong đó MTTQ các cấp chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân ở mỗi cuộc tiếp xúc, đối thoại. Đồng chí Vũ Thanh Vân – Chủ tịch MTTQ tỉnh, khi làm Bí thư huyện ủy đã từng có kinh nghiệm trong đối thoại những vấn đề người dân quan tâm trên địa bàn, nên ông rất sát với cuộc sống thực tiễn công tác mặt trận. Theo ông, thông qua việc tổ chức các cuộc tiếp xúc đối thoại, giúp Nhân dân trực tiếp phản ánh với người đứng đầu về tâm tư, nguyện vọng, đồng thời kiến nghị, đề xuất giải quyết những vướng mắc, góp phần tạo niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước, tăng cường đồng thuận xã hội và chấp hành pháp luật tốt hơn, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Phong trào đại đoàn kết ở các địa phương Thái Bình được thể hiện bằng những kết quả quan trọng, như công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, điển hình như huyện Quỳnh Phụ. Mặc dù gặp một số khó khăn, song có sự lãnh đạo đúng hướng, ý Đảng hợp lòng Dân, sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nên công tác GPMB thu hút, triển khai các dự án ở Quỳnh Phụ có kết quả nổi bật. Ban Tuyên giáo huyện ủy phối hợp với MTTQ và các ngành, đoàn thể của huyện đã phối hợp tuyên truyền vận động 4.025 hộ gia đình hiến 437.791 m2 đất các loại, trị giá 500 tỷ đồng để làm đường và xây dựng các công trình công cộng.
Những ngày này khắp nơi ở Thái Bình tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc tổ chức Ngày hội ở các khu dân cư đã góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò làm chủ của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể ngày càng trong sạch vững mạnh. Qua tổng kết 20 năm ngày hội, Thái Bình đã công nhận 12.163 lượt “Khu dân cư tiên tiến”, “Khu dân cư văn hóa”; 10,4 triệu lượt gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Thông qua ngày hội, tình đoàn kết trong khu dân cư được cổ vũ, tăng cường, Nhân dân thi đua lao động sản xuất, giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, toàn tỉnh có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đã được thẩm định trình cấp có thẩm quyền công nhận.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt sâu sắc các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội, trong đó bám sát vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; Thực hiện có hiệu quả các hoạt động vì người nghèo; Tổ chức tốt việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; làm tốt công tác cải cách hành chính, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp… hướng tới Đại hội MTTQ các cấp nhiệm kỳ 2024-2029.
Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 11/2023
(Dương Lễ)
VHDN: Thực hiện các chủ trương của Đảng, những năm qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) đã thể hiện rõ vai trò của mình trong tập hợp đại đoàn kết dân tộc. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội ở […]