Sự kiện - chuyên đề:

Mô hình cá, chạch,& lúa ở Hải Dương: Nhiều địa phương có cách làm hay

VHDN: Với mong muốn đồng đất quê hương được “thay áo mới”, cuộc sống đủ đầy, sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT), nhiều nông dân ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) và xã Bình Xuyên (Bình Giang) của tỉnh Hải Dương đã áp dụng mô hình cá, chạch + lúa trên diện tích khu triều trũng.

Nông dân thôn Đầu Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện, Hải Dương) bổ sung vi chất dinh dưỡng cho cá, chạch.

Có mặt tại cánh đồng Buộm, thôn Đầu Lâm (xã Đoàn Tùng) chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự chuyển mình của vùng đất này. Trước đây, cánh đồng này chỉ là bãi triều trũng bỏ hoang, người dân không thể cấy lúa vì chất đất ở đây chua, cằn cỗi và khó cải tạo. Thế nhưng, với sự cần cù, chịu khó, các hộ dân ở đây đã khiến đất phải “nhả vàng”, trong đó ông Phạm Văn Trung được xem là hộ tiên phong trong việc đưa mô hình cá, chạch + lúa về địa phương. Ông Trung cho biết :”Khi chân ruộng được ải, bùn hẩu là thời điểm tốt nhất để thả cá, chạch giống. Ngoài việc kè bằng bê tông xung quanh ao, khi thực hiện mô hình này cần làm cống cấp, thoát nước, ở miệng cống làm thêm lưới chắn loại mắt nhỏ để tránh cá tạp theo dòng nước vào và khi thoát nước chạch không thể theo dòng nước ra ngoài được. Khi lúa được thu hoạch cũng là lúc chúng tôi có thể bắt cá, chạch để bán. Mô hình này đã giúp nông dân chúng tôi tăng thêm thu nhập nhiều lần so với cấy một vụ lúa bấp bênh như trước đây”.

Xã Bình Xuyên (Bình Giang) cũng có nhiều cách làm hay trong việc áp dụng mô hình cá, chạch + lúa ở khu đồng trũng. Hiện tại, cả xã có gần 5 ha diện tích nuôi cá, chạch kết hợp với cấy lúa. Bên cạnh thả cá, chạch giống vào ruộng lúa, nhiều hộ còn xây thêm bể xi măng chuyên nuôi cá, chạch giống. Các hộ có diện tích từ 7-8 mẫu áp dụng mô hình trên như anh Trần Đình Hệ (thôn Trại Như), Nhữ Đình Thuấn (thôn Dinh), Trần Đình Phục, Hồ Đình Thao (thôn Trương Cầu)… Anh Vũ Đình Hệ cho biết: “Sau hơn 2 năm triển khai mô hình, lúa cấy 1 vụ nhưng thu 2 vụ, mỗi năm gia đình tôi thu hơn 13 tấn lúa, còn cá, chạch thì ít bị sâu bệnh, năng suất cao, với giá bán từ 80.000- 90.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu về gần 100 triệu đồng. So với độc canh cây lúa như trước đây, mô hình này góp phần tăng thêm thu nhập và tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân”.

Tuy nhiên, để khai thác được hết các tiềm năng, lợi thế từ mô hình cá, chạch + lúa cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân để họ yên tâm trong sản xuất. Bên cạnh đó, xã cần hợp đồng với các đầu mối thu mua thủy hải sản trong và ngoài tỉnh để việc tiêu thụ dễ dàng hơn.

Huy Xuyên

 

16:22:33 09-12-2020

VHDN: Với mong muốn đồng đất quê hương được “thay áo mới”, cuộc sống đủ đầy, sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT), nhiều nông dân ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) và xã Bình Xuyên (Bình Giang) của tỉnh Hải Dương đã áp dụng mô hình cá, chạch + lúa trên diện tích khu triều […]

Đối tác của chúng tôi