Sự kiện - chuyên đề:

Mobifone muốn dứt hợp đồng mua AVG: Không thể ‘trả dép tôi về’

– Thanh tra yêu cầu hủy quyết định đầu tư truyền hình của Mobifone nhưng Bộ Thông tin – Truyền thông lại muốn chấm dứt hợp đồng mua AVG. Việc “hủy” và “chấm dứt” hợp đồng có khác nhau?

Một điểm cung cấp dich vụ truyền hình AVG trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh, việc hủy bỏ quyết định đầu tư và chấm dứt hợp đồng trong thương vụ Mobifone mua AVG là hai việc khác nhau hoàn toàn.

Mua bán trái quy định pháp luật

Thương vụ Mobifone mua AVG là việc sử dụng vốn bằng ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư chứ không phải thỏa thuận mua bán đơn thuần giữa hai doanh nghiệp với nhau.

Năm 2015, Mobifone mua AVG xong thì toàn bộ tài sản của AVG đã là tài sản nhà nước. Lúc này, muốn thanh toán, chi tiêu, thanh lý hợp đồng thì buộc phải tuân theo nguyên tắc quản lý tài sản của Nhà nước.

Điều đó có nghĩa là Mobifone mua cổ phần AVG, bây giờ được thoái vốn.

Vậy theo quy trình thoái vốn là phải mang ra đấu giá, tức là phải đệ trình lên trên lý do thoái vốn, Thủ tướng phê duyệt phương án thoái vốn rồi mới mang ra đấu giá…

Theo ông Truyền, việc mua bán với AVG như vậy là đã xong, tiền đã chuyển rồi, nay Thanh tra Chính phủ kết luận việc mua bán này trái quy định pháp luật và kết luận đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Chính vì thế, hiện tại, Mobifone muốn trả lại AVG thì phải thực hiện theo trình tự chứ không phải kiểu “trả dép tôi về”.

Trong kết luận thanh tra đã nêu rõ: kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin – Truyền thông hủy bỏ Quyết định số 236 về việc phê duyệt đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone chứ không phải chấm dứt hợp đồng.

Theo ông Truyền, hai khái niệm “chấm dứt” và “hủy” đều chỉ việc dừng một thỏa thuận nào đó.

“Hủy” nghĩa là quyết định của Bộ Thông tin – Truyền thông trái luật, còn “chấm dứt” là sự thỏa thuận giữa hai bên, hai chủ thể, không liên quan đến việc trái luật hay đúng luật.

“Việc “hủy” hay “chấm dứt” còn liên quan đến hệ quả khác nhau. Nếu chỉ đơn thuần là mối quan hệ giao dịch giữa hai doanh nghiệp thì có thể làm thoải mái. Nhưng đây là dùng ngân sách nhà nước mua thì không thể thỏa thuận chấm dứt”, luật sư Truyền phân tích.

Chấm dứt hợp đồng không có nghĩa sai phạm sẽ không bị xử lý

LS Truyền cho rằng nếu Bộ Thông tin – Truyền thông thực hiện việc hủy Quyết định 236 thì kéo theo hệ quả pháp lý “ai làm sai người đó phải chịu”.

Nguyên tắc bắt buộc sau khi hủy quyết định là thiệt hại bao nhiêu sẽ phải thu hồi bấy nhiêu.

Việc các bên chuyển trả cho nhau, thỏa thuận với nhau ngay trước thời điểm ra quyết định xử lý chỉ được coi là một trong những hành vi khắc phục hậu quả.

Việc các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng không có nghĩa sai phạm sẽ không bị xử lý bởi hành vi vi phạm đến thời điểm này đã hoàn thành.

“Việc hủy ở đây rõ ràng đang mang màu sắc của một quyết định hành chính. Bên Thanh tra Chính phủ cho rằng quyết định của Bộ Thông tin – Truyền thông là quyết định cá biệt điều chỉnh một việc và quyết định này sai thì phải hủy. Phải coi quyết định này là quyết định hành chính nên sẽ khác với việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Hủy quyết định, Bộ Thông tin – Truyền thông có trách nhiệm buộc phải thu hồi tiền về. Tiếp đó là trách nhiệm pháp lý không tránh khỏi bởi đây là quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế chứ không phải giữa hai bên “được ăn, thua chịu”. Nếu chấm dứt hợp đồng thì chỉ đơn thuần là khái niệm kinh doanh” – ông Truyền nói.

Cũng theo luật sư Truyền, việc chấm dứt hợp đồng khi và chỉ khi các bên có thỏa thuận chấm dứt và do điều kiện bất khả kháng hoặc vi phạm hợp đồng.

Việc chấm dứt này chỉ liên quan đến dân sự và doanh nghiệp, không phải hoạt động quản lý hành chính.

Hủy để thu hồi tiền về cho Nhà nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 30-3, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội (xin giấu tên) cho biết hủy hợp đồng hay chấm dứt hợp đồng là khác nhau.Hủy hợp đồng tức là hợp đồng đó vô hiệu.

Còn chấm dứt hợp đồng có nghĩa thanh lý hợp đồng, đến thời điểm chấm dứt, hai bên sẽ không tiếp tục thực hiện hợp đồng nữa.Trong khi đó, chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng hợp đồng mà MobiFone mua AVG phải được hủy để thu hồi đầy đủ tiền về cho Nhà nước.

Nhưng vấn đề ở đây là hai bên không tự nguyện hủy hợp đồng mà chỉ khi dư luận xôn xao, nghi ngờ về thương vụ MobiFone mua AVG với rất nhiều khoảng tối, khuất tất.

Khi Ban Bí thư và đích thân Tổng bí thư yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải giải quyết dứt điểm vụ việc này và trả lời cho công luận thì hai bên mới có động thái giải quyết hợp đồng trên.

Theo TTO

Chia sẻ
07:48:06 01-04-2018

– Thanh tra yêu cầu hủy quyết định đầu tư truyền hình của Mobifone nhưng Bộ Thông tin – Truyền thông lại muốn chấm dứt hợp đồng mua AVG. Việc “hủy” và “chấm dứt” hợp đồng có khác nhau? Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh, việc hủy bỏ […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi