Sự kiện - chuyên đề:

Một góc nhìn về kinh tế tư nhân sau 50 năm ngày thống nhất đất nước

VHDN: Ngày 30 tháng 4 năm 2025 là tròn 50 năm ngày Việt Nam thống nhất đất nước. Sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, mọi người dân Việt Nam đều có quyền mơ ước được tự do lao động tạo ra thu nhập, được quyền tự do thành lập doanh nghiệp, tự do kinh doanh những ngành nghề luật không cấm, tạo lập cho mình cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giàu có, vì lợi ích của chính mình và của dân tộc. Ước mơ và khát vọng phát triển kinh tế tư nhân của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh lên cùng sự phát triển kinh tế đất nước.

 

Tuy nhiên quá trình phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam đã có nhiều rào cản, trong đó có rào cản về thể chế, về xác định vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân.

Trước năm 1986 kinh tế tư nhân không được thừa nhận tại Việt Nam. Nhà nước lãnh đạo nền kinh tế quốc dân theo kế hoạch thống nhất, nền kinh tế quốc dân chỉ có hai thành phần chủ yếu là thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của Nhân dân lao động. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo và được phát triển ưu tiên. Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài. Giai đoạn này Việt Nam không có kinh tế tư nhân, trong khi đó, kinh tế tư nhân đã được phát triển ở nhiều nước phát triển hoặc đang phát triển khác từ rất sớm trước đó.

27 năm sau ngày thống nhất đất nước, đến năm 2002, tại Nghị quyết số 51/2001/QH10 kinh tế nhiều thành phần lần đầu tiên được thừa nhận, gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, không bị hạn chế về quy mô hoạt động trong những ngành, nghề có lợi cho quốc kế dân sinh.

Luật sư Bùi Văn Thành thường xuyên tham gia các buổi tọa đàm, hội thảo về phát triển kinh tế.

Từ năm 2013 đến nay, nền kinh tế Việt Nam được xác định là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, nhưng kinh tế nhà nước vẫn được xác định giữ vai trò chủ đạo. Quan điểm các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật khó thực thi trong thực tiễn.

Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 3/6/2017 là đột phá tư duy về kinh tế tư nhân khi xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, vào ngày 7/3/2025 tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chỉ thêm một từ “nhất” thôi cho thấy sự thay đổi tư duy chiến lược đột phá của đột phá, truyền đi thông điệp rõ ràng, mạnh mẽ, thể hiện tầm nhìn thời đại và rất thực tế, rất thiết thực để phát triển kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam thực sự vui mừng khi đón nhận quan điểm chiến lược đột phá của đột phá này, mong muốn Nhà nước sẽ loại bỏ ngay những rào cản về thể chế để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Nếu tư duy đột phá của đột phá nêu trên về phát triển kinh tế tư nhân được thể chế hóa bằng luật sẽ tạo ra sức mạnh và nguồn lực không giới hạn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, người dân giàu có và hạnh phúc.

Nhìn vào lược đồ Luật Doanh nghiệp, cho thấy sự đột phá về trình tự thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp ngày càng đơn giản hơn, thuận lợi hơn, số lượng doanh nghiệp được thành lập tăng lên nhanh chóng, đồng nghĩa với việc gia nhập thị trường, đi vào kinh doanh dễ dàng và thuận lợi hơn gấp bội lần. Nếu trong thời kỳ 1998-1999, để thành lập một công ty, doanh nhân phải xin được 35 chữ ký và 32 con dấu, thời gian bình quân 12 đến 36 tháng và chỉ có chủ tịch cấp tỉnh mới có thẩm quyền ký quyết định cho thành lập công ty. Hiện nay thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp chỉ còn 3 ngày, do trưởng phòng đăng ký kinh doanh ở các tỉnh thành phố ký, tất cả các thủ tục thẩm tra, thẩm định, đánh giá, rà soát, xác minh… trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp đều bị loại bỏ. Do đó, số lượng doanh nghiệp mới tăng lên nhanh chóng. Vì vậy, rất cần thiết trong việc tiếp tục tối giản thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp, xóa bỏ ngay những “quy định cấm”, “quy định điều kiện kinh doanh” của tư duy không quản được thì cấm của cơ quan quản lý nhà nước, thay bằng quy định của luật liên quan nhằm kiến tạo cho người dân, tổ chức dễ dàng thuận lợi khi thành lập doanh nghiệp và được tự do kinh doanh những ngành nghề luật không cấm. Các chủ thể kinh tế tư nhân có quyền tự do quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh của mình về ngành nghề, hình thức kinh doanh, phương thức sản xuất, mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và hiệu quả kinh doanh, vốn và dòng tiền, sản phẩm và thị trường…., tổ chức các hoạt động kinh doanh của mình mà không bị can thiệp trực tiếp từ Nhà nước, từ định hướng cho đến các hoạt động cụ thể, trừ những can thiệp khi có quy định cụ thể để bảo vệ quốc phòng, anh ninh, quyền lợi công cộng.

Luật hóa và thực thi đầy đủ, bảo đảm và bảo hộ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức trong kinh tế tư nhân, bao gồm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhà cửa, nhà máy, máy móc thiết bị, tiền bạc, công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tài sản khác. Các cá nhân, tổ chức này có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của mình theo ý muốn mà không bị can thiệp trực tiếp từ Nhà nước. Kinh tế tư nhân được quyền tiếp cận nguồn tài nguyên và các nguồn lực khác một cách bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh công bằng, loại bỏ độc quyền của doanh nghiệp nhà nước. Luật hóa và thực thi đầy đủ, bảo đảm và bảo hộ quyền tự do kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận của kinh tế tư nhân. Việc tạo ra lợi nhuận thông qua các hoạt động đầu tư, kinh doanh là động lực chính để phát triển kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân được tối đa hóa lợi nhuận hợp pháp của mình và tự do định đoạt đối với lợi nhuận đó.

Có cơ chế khuyến khích và kiến tạo doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có văn hóa của người đứng đầu doanh nghiệp, bài bản, dài hơi và liên tục. Tập trung vào các giá trị cốt lõi, tầm nhìn, sứ mệnh, môi trường làm việc tích cực, đổi mới sáng tạo, hiệu quả. Thực hiện trách nhiệm xã hội, thực hiện nghiêm túc cam kết và nghĩa vụ của mình, góp phần vào sự phát triển bền vững trong nước và hội nhập quốc tế.

Bảo đảm thực thi hiệu quả, minh bạch các nguyên tắc cơ bản của giao dịch dân sự. Mọi doanh nhân, doanh nghiệp đều được bình đẳng, không bị phân biệt đối xử với bất kỳ lý do gì, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản, xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Hoàn thiện và bảo đảm cơ chế thực thi nghiêm minh, có hiệu quả pháp luật về hợp đồng. Tăng cường hiệu quả tư vấn pháp luật về lựa chọn giải quyết tranh chấp kinh tế, dân sự bằng thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại, không chỉ giải quyết tranh chấp bằng tư pháp công tại tòa án nhân dân các cấp.

 

Luật sư BÙI VĂN THÀNH – Trưởng Văn phòng luật sư Mặt Trời Mới

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 4/2025)

14:57:51 11-04-2025

VHDN: Ngày 30 tháng 4 năm 2025 là tròn 50 năm ngày Việt Nam thống nhất đất nước. Sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, mọi người dân Việt Nam đều có quyền mơ ước được tự do lao động tạo ra thu nhập, được quyền tự do thành lập doanh nghiệp, tự do […]

Đối tác của chúng tôi