Xin được lấy tiêu đề bài viết “Một nhà báo có nhân cách và bản lĩnh vữn vàng” của Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu (Cựu Uỷ viên Trung ương Đảng 4 khoá, Đại biểu Quốc hội 5 khoá, cựu Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam) trong tập sách làm đầu đề cho bài viết này.
“Kim Quốc Hoa & Những người trân quý”, tập sách viết về cuộc đời làm báo của Nhà báo Kim Quốc Hoa với nhiều tác giả đã cùng học, cùng chiến đấu và công tác với ông trong suốt hàng chục năm qua. Tập sách dày 480 trang, mới in bài của 45 tác giả là những cán bộ cao cấp, cán bộ lão thành, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, cựu chiến binh, người cao tuổi có uy tín trong xã hội. Mỗi tác giả viết một hoặc vài khía cạnh, đề cập quá trình hoạt động trong nghề báo (một nghề nguy hiểm nhưng cũng rất vẻ vang), về những ngày làm báo gian khổ, vất vả, hy sinh, vinh quang và cay đắng để đạt kết quả rất đáng ghi nhận, sự thăng hoa trong nghề nghiệp của một nhà báo trọn vẹn cả cuộc đời vì sự nghiệp báo chí nước nhà.
Chỉ điểm qua mục lục đã có thể nhận ra giá trị đích thực của một người cầm bút, một “thủ lĩnh” của 6-7 cơ quan báo chí trong hơn nửa thế kỉ hoạt động mang tư chất “bút sắc lòng trong” và ý chí quân tử “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (lời Nguyễn Đình Chiểu, Danh nhân Văn hoá Thế giới). Xin điểm tiêu đề một số tác phẩm như: “Dù thế nào ông vẫn như là người anh hùng trong lòng chúng tôi” (Đại tá An ninh Phạm Quy), “Anh vẫn là Kim Quốc Hoa” (Nhà văn Minh Chuyên), “Khi lão tướng xung trận” (Nhà báo Phùng Nguyên),“Nhà báo Kim Quốc Hoa, bí quyết ba trong một” (Nhà văn Đặng Vương Hưng), “Hiện thân của tâm đức, tài năng và niềm hy vọng công lý” (Luật sư Hoàng Tùng), “Bao công” làng báo, kể chuyện chống tiêu cực” (Thu Hương – Anh Thư), “Kim Quốc Hoa, thần tượng của tôi” (Nhà văn Lê Văn Thiềng), “Nhà báo Kim Quốc Hoa và bản lĩnh người lính” (Đại tá Quân đội Trịnh Vinh Pha), “Người chống lưng…”(Nhà báo Phạm Quốc Toàn), “Ông là nhà báo trong lòng Nhân dân” (Nhà báo Nguyễn Trọng Thắng), “Về đầu quân bác Kim Quốc Hoa, tôi như cánh chim tìm được chân trời” (Nhà báo Hoàng Linh), “Tổng biên tập Báo Người cao tuổi và một bài báo tạc vào lịch sử báo chí” (Nhà báo Từ Khôi); “Ông đúng là nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực” (Nhà báo Đỗ Thị Bích Thuỷ), “Từ vụ ông Trần Văn Truyền nghĩ đến cuộc họp báo không thành ở Hà Giang” (Nhà văn Xuân Ba), “Nhà báo Kim Quốc Hoa, vinh quang và cay đắng” (Nhà văn Nghiêm Thị Hằng) và nhiều bài viết rất ấn tượng của các nhà văn Lê Lựu, Nguyễn Trần Thiết, Chi Phan, Đặng Hiển, Nguyễn Quang Sơn, Nguyễn Xuân, Lê Quang Thắng,v.v… toát lên một phần cuộc đời, chặng đường, sự nghiệp cao cả, phẩm chất, năng lực, trí tuệ, bản lĩnh và cả những nét sinh hoạt đời thường bình dị, trong sáng của Nhà báo Kim Quốc Hoa.
Trong giới báo chí, phần đông biết về ông từng là một người lính, hơn 20 năm làm báo trong Quân đội, phụ trách tờ Chiến sĩ Hậu cần (Tổng cục Hậu cần), năm nào cũng dẫn đầu các tờ báo cấp Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng. Năm 1990 ông chuyển ngành và lần lượt đứng đầu (Tổng biên tập, Bí thư chi bộ) các báo Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động-Xã hội, Xây dựng, Tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Người cao tuổi và Tạp chí Người cao tuổi. Trong 6-7 cơ quan đó, có ba, bốn nơi ông là người sáng lập hoặc đồng sáng lập, có 2 nơi tiếp nhận tờ báo đang lúc khủng hoảng, có nguy cơ phá sản. Trong 5 cơ quan đó, đều được chủ quản tìm mời về chứ ông không phải làm đơn xin. Đặc biệt, các tờ báo ấy đều không được bao cấp, không có một suất lương ngân sách nhưng với tài biến của người đứng đầu đều “ăn nên làm ra”, tự cân đối, trang trải, có lãi; không có phóng viên vi phạm pháp luật, kỉ luật bởi họ nhìn vào tấm gương ông mà hành động, giữ gìn phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.
Phản ảnh về công việc hàng ngày của ông, nhà báo Phùng Nguyên (báo Tiền phong) miêu tả:“Báo Người cao tuổi đánh tiêu cực nhiều, nhưng chưa có tờ báo nào lại có nhiều bài viết về điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt như báo này”; và “Ngồi với ông ở phòng Tổng biên tập mà điện thoại liên tục đổ chuông, kiện tụng, phản ánh, xin xỏ, đe doạ, mềm dẻo mua chuộc… Đủ mọi hỉ nộ ái ố. Và trên bàn làm việc hàng loạt hồ sơ của những vụ việc tiêu cực đang chờ ông xử lí”. Trong vụ tiêu cực rất nghiêm trọng ở Hà Giang, hàng chục cơ quan báo chí chỉ đưa một, hai tin, bài rồi thôi, nhưng ông Kim Quốc Hoa thì dòng dã 3 năm kiên trì cho phóng viên mật phục, điều tra, theo đuổi đến cùng với nhiều loạt bài phóng sự, điều tra. Về cuộc họp báo “bi hài” ở Hà Giang ngày 3/6/2008, tác giả Hoàng Linh viết: “Phải công nhận cái tài hùng biện, khả năng nhớ số liệu, các điều luật, ngày tháng, số văn bản, nhớ nội dung bản án, các dự án Sông Lô đã làm ở Hà Giang, nhớ sự kiện,v.v…mà không cần giấy tờ, khiến mọi người phải bái phục “bác Hoa làm sư phụ”. Cứ như vậy, Tổng biên tập Kim Quốc Hoa như một luật sư phản biện bằng lập luận sắc bén, làm rõ những sai phạm của UBND tỉnh Hà Giang”. Trong bài “Tám năm làm ở Báo Người cao tuổi, quãng đời hạnh phúc nhất của đời tôi”, nhà báo Trần Mỹ (Bình Thuận) viết: “Nếu năm 2008 không gặp Tổng biên tập Kim Quốc Hoa, chắc tôi đã “gác kiếm”, làm gì có cơ hội để “đâm mấy thằng gian”, làm gì có được danh hiệu “Dũng sĩ diệt quan tham”? Nói về bản lĩnh của người làm báo, cây bút Nguyễn Xuân lí giải: “Ông dũng cảm tổ chức cho phóng viên của mình viết và ông cũng trực tiếp tham gia viết hàng loạt vụ việc hệ trọng, những bài bình luận sắc sảo phê phán một số cán bộ cao cấp, kể cả trong ngành Công an như ở Thái Bình, Bến Tre, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, v.v… Rồi đến vụ ông cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền xây biệt phủ ở Bến Tre…”. “Ông cũng can đảm trực tiếp viết và cho đăng bài “Sự thật về “công tử” Hà thành ra Trường Sa”, nội dung ngược 180 độ so với các bài viết và phóng sự truyền hình hết lời ca ngợi một người lính trẻ mới nhập ngũ của nhiều cơ quan báo chí khác. Bộ Quốc phòng thẩm tra theo báo Người cao tuổi phản ảnh, lập tức quyết định loại ngũ quân nhân Nguyễn Quốc Đức (một thanh niên bất hảo, con một doanh nhân giàu có) vì không đủ tiêu chuẩn chính trị. Qua đó, hé lộ một đường dây tuyển quân không đúng quy định của Nhà nước”. Một con người can trường, quả cảm như thế nhưng trong đời thường, ông Kim Quốc Hoa lại rất bình dị, dễ tiếp xúc, rất thân tình, chân thật.
TS Tạ Đình Thính, chuyên gia Tư vấn Thủ tướng Chính phủ nhiều năm, người cùng học cấp 3 với Nhà báo Kim Quốc Hoa, viết bài “Hoa bộc lộ tài năng và nhân cách từ khi còn là học sinh phổ thông”. Tác giả đề cập nhiều về việc học và sáng tác văn học từ những năm là học sinh của bạn. Trong đoạn kết, ông viết: “Tôi thiển nghĩ và so sánh khập khiễng như thế này: Nếu như trước đây ông Kim Ngọc là người đi đầu dám đổi mới, sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp thì thời điểm này, Kim Quốc Hoa của tôi dám đi đầu đổi mới, sáng tạo trong hoạt động báo chí, trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng ta phát động”…
Quang Trạch
Theo Tạp chí VHDNVN tháng 6/2022
VHDN: Nhà báo Kim Quốc Hoa có tặng tôi cuốn sách “Kim Quốc Hoa & Những người trân quý”, tập sách dày 480 trang, (tập 1, Nhà xuất bản Hội Nhà văn – 2022 ) của 45 tác giả trong số cả trăm người viết về những năm tháng làm báo của ông. Mỗi người […]