Sự kiện - chuyên đề:

Một số yêu cầu phát triển sản phẩm Ocop trong thời gian tới

VHDN: Sau 3 năm (2018 – 2020), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì triển khai, bước đầu đã thể hiện hướng đi đúng đắn, phù hợp nhằm phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực gắn với đơn vị làng, xã, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề và dịch vụ nông thôn có lợi thế theo chuỗi giá trị.

Sản phẩm OCOP nhãn lồng Hưng Yên đã xuất sang thị trường Châu Âu.

Kể từ khi Chính phủ có QĐ số 490/QĐTTg ngày 07/5/2018 về phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 đến nay đã đạt kết quả bước đầu.

Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, chương trình đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP như các làng nghề truyền thống ở vùng Đồng bằng sông Hồng; trái cây và dược liệu ở vùng Miền núi phía Bắc; cà phê và hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên; lúa gạo và thuỷ sản ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Cùng với hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang; chè Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên; cà phê của tỉnh Sơn La, lúa gạo ở tỉnh Sóc Trăng và tỉnh An Giang…

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, Chương trình OCOP còn tồn tại những hạn chế, một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa dựa vào lợi thế, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng; chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm, nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa trú trọng vào yếu tố chất lượng, đặc biệt là gắn với thị hiếu người tiêu dùng; công tác xúc tiến thương mại còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để tạo hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, thương hiệu OCOP Việt Nam.

Ngoài ra, năng lực của các tổ chức kinh tế OCOP còn khiêm tốn nên việc quản trị, phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của các sản phẩm còn gặp khó khăn…

Trước những thực trạng nêu trên, trong giai đoạn 2021-2025, triển khai xây dựng NTM phải theo hướng gắn với đô thị hoá, thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn về đời sống của cư dân nông thôn. Đòi hỏi phát triển kinh tế nông thôn cùng với xây dựng NTM là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, chính sách một cách phù hợp, sáng tạo.

Vì vậy, Chương trình OCOP là một nhiệm vụ trọng tâm cần được quan tâm và triển khai, đặc biệt đối với các địa phương không có điều kiện thuận lợi về sản xuất hàng hóa tập trung, nhưng lại có lợi thế về sản vật, ngành nghề truyền thống và dịch vụ du lịch.

Tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý sớm trình và triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, với một số nội dung chính: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm; quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu gắn với sản xuất sản phẩm OCOP; xác định doanh nghiệp, HTX là nền tảng để xây dựng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; tăng cường vai trò của các ngân hàng trong hỗ trợ tín dụng để phát triển sản xuất; ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó lưu ý mẫu mã, bao bì, hướng tới hình thành các sản phẩm quà tặng của quốc gia và từng địa phương.

Trước đó, hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 (ngày 23/3/2021), thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định quan điểm, định hướng Chương trình OCOP trong thời gian tới với 5 điểm được vạch ra.

Một là, tiếp tục xác định Chương trình OCOP là một Chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM bền vững. Phải xác định đây là Chương trình mang tính dài hạn, không chỉ 5 năm, mà cần phải tính đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Hai là, tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa ở khu vực miền núi, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là đối với sản phẩm OCOP đạt cấp độ quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường.

Ba là, chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn, đặc biệt là các HTX, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Đồng thời, có chính sách để ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP.

Bốn là, tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao.

Năm là, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP Quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.

Tỉnh Thái Bình đang triển khai và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP (trong ảnh là mắm cáy Hồng Tiến, Kiến Xương, Thái Bình).

Những định hướng của Chính phủ tiếp tục khẳng định triển khai Chương trình OCOP nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy tổ chức và đảm bảo giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng NTM bền vững là cần thiết và phù hợp. Góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân, xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và văn minh.

Đình Trinh

 

21:23:32 09-08-2021

VHDN: Sau 3 năm (2018 – 2020), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) do Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì triển khai, bước đầu đã thể hiện hướng đi đúng đắn, phù hợp nhằm phát triển kinh tế, xã hội khu vực […]

Đối tác của chúng tôi