Sự kiện - chuyên đề:

Mua bán sáp nhập doanh nghiệp lớn thu hút nhà đầu tư ngoại

VHDN: Mới đây sau thương vụ bán vốn đình đám trị giá hàng tỷ USD của Sabeco, danh mục 10 doanh nghiệp (DN) lớn thuộc ngành công thương nằm trong lộ trình thoái vốn năm 2018 cùng một loạt các ngành sẽ đẩy mạnh thoái vốn trong lĩnh vực công nghiệp vừa được Bộ Công thương công bố đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước.

ảnh minh họa (nguồn internet)

Ông Nguyễn Văn Toàn, chuyên gia về đầu tư nước ngoài cho biết, thu hút FDI năm 2017 có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 10 năm qua. Trong sự tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), sở dĩ có sự tăng trưởng mạnh hoạt động nhà đầu tư nước ngoài mua bán cổ phần của các DN Việt một mặt là do các nhà đầu tư nhận thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam tốt hơn, mặt khác bản thân các DN Việt Nam đã lớn mạnh, do đó các nước sẵn sàng mua cổ phần, liên kết với các DN này. “Nếu nội tại các DN không mạnh thì sẽ không có sự tăng trưởng trong hoạt động M&A”, ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty AVM Việt Nam cho rằng cuộc đua mới trong hoạt động mua bán sáp nhập dường như đã bắt đầu với những con số ngày càng ấn tượng cho thấy tiềm năng lớn và sức hút trong lĩnh vực thiết thực này. Theo ông Việt, hiện nay, lĩnh vực công nghiệp bao gồm cả vật liệu đang đứng hàng thứ 2 trong Top 5 lĩnh vực dẫn đầu thị trường M&A trong năm 2016 và 2017 tại Việt Nam. Trong năm 2016, lĩnh vực này đã có tới 269 thương vụ M&A ở các quy mô lớn nhỏ, cao hơn gần 2,5 lần về số thương vụ mua bán sáp nhập so với lĩnh vực “hot” nhất đang dẫn đầu hiện tại là hàng tiêu dùng và bán lẻ với 118 thương vụ. Tính về giá trị, với tổng giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập ước lên tới 1,1 tỷ USD trong năm 2016, M&A trong lĩnh vực này thậm chí còn vượt trên cả lĩnh vực bất động sản với tổng giá trị các thương vụ mua bán năm 2016 ước tính khoảng 0,6 tỷ USD. “Với sự nới lỏng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và giới hạn sở hữu trong các công ty đại chúng sẽ càng góp phần làm cho thị trường M&A Việt Nam nói chung cũng như trong các lĩnh vực công nghiệp nói riêng trở nên nóng bỏng hơn nhiều trong thời gian tới. Ngoài các quy định riêng, những tỷ lệ hạn chế trong mua bán từ các đợt thoái vốn của các DN thuộc khu vực nhà nước thì sức nóng từ khu vực này sẽ còn tăng lên khi các nhà đầu tư mua lại các công ty tư nhân có thể sở hữu tới 100%, ông Việt nhận định.

Ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long cho rằng, thị trường mua bán, sáp nhâp DN trong năm 2018 sẽ thực sự sôi động. Những doanh nghiệp tiềm năng, có thương hiệu và hoạt động kinh doanh tốt sẽ là đích nhắm của nhà đầu tư nước ngoài. Bởi, khi có sự đầu tư và hợp tác từ những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, khả năng quản lý chuyên nghiệp, tiềm năng vốn lớn, sẽ có cơ hội bứt phá, phát triển hơn, đồng thời có thể đem lại lợi nhuận trên mức kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Trong năm 2018, phần lớn các nhà đầu tư tập trung vào những DN lớn đã có tên tuổi thương hiệu dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực năng lượng, dệt may, công nghiệp như Petrolimex, Vinatex, Tổng Công ty Thép Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số lĩnh vực được đánh giá là có tiềm năng hiện nay bao gồm công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, nông thủy sản, kho vận và logistic. Trong đó, tập trung nhiều vào danh mục 10 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương quản lý sẽ tiến hành thoái vốn trong năm 2018 bao gồm nhiều tập đoàn Tổng Công ty lớn với tỷ lệ thoái vốn tối thiểu so với vốn điều lệ khá lớn, thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho rằng, vẫn còn có những cơ hội chưa được tận dụng hết, nhiều tiềm năng chưa được chạm tới khi vẫn còn có sự hạn chế về số lượng và quốc tịch các nhà đầu tư tham gia thị trường M&A Việt Nam. Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn rót vốn vào những DN đã niêm yết và có tầm nhìn dài hạn để đầu tư tại Việt Nam song chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất,… Tuy nhiên, khu vực được đánh giá có nhiều nhà đầu tư lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, chủ yếu là mới chỉ tham gia một số lĩnh vực lớn trong lĩnh vực dầu khí và hàng tiêu dùng. Vì vậy trong thời gian tới cần đẩy mạnh hơn việc xúc tiến đầu tư quốc tế để thu hút các nhà đầu tư lớn từ khu vực này, nhất là từ Hoa Kỳ và châu Âu. Bên cạnh đó, nguồn vốn trong nước cũng sẽ được chú trọng xúc tiến đầu tư vào M&A tới các DN tư nhân trong nước có tiềm năng lớn tới đây bởi nguồn vốn trong nước cũng đang dần khẳng định vị thế trên thị trường này với số lượng các thương vụ M&A của các DN trong nước đang ngày càng tăng.

Phan Đức

07:29:11 12-03-GMT+0700

VHDN: Mới đây sau thương vụ bán vốn đình đám trị giá hàng tỷ USD của Sabeco, danh mục 10 doanh nghiệp (DN) lớn thuộc ngành công thương nằm trong lộ trình thoái vốn năm 2018 cùng một loạt các ngành sẽ đẩy mạnh thoái vốn trong lĩnh vực công nghiệp vừa được Bộ Công […]

Đối tác của chúng tôi