Sự kiện - chuyên đề:

Mùa thu thăm Thành Cổ

VHDN: Như một sự thôi thúc, giục giã, mùa thu tháng 9 này, chúng tôi những Cựu chiến binh, một thời đồng môn, đồng ngũ có dịp cùng nhau thăm lại mảnh đất miền Trung, nơi ghi dấu cuộc chiến tranh khốc liệt, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thăm Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn,…thắp nén tâm nhang cho các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, lòng chúng tôi như se lại, thầm biết ơn và càng trân quý những phút giây được sống trong không khí hòa bình.

Từ trái qua phải: Đoàn Hữu Bàng, Đặng Thịnh Duyên, Nguyễn Văn Tiềm và Nguyễn Đức Quang (tác giả) tại Thành cổ Quảng Trị.

Đoàn chúng tôi là những người bạn đã quen biết nhau từ lâu, gồm Đại tá Nguyễn Văn Tiềm,nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng dạy nghề số 19- Bộ Quốc phòng, Đại tá Đặng Thịnh Duyên, nguyên Phó trưởng Công an thành phố Thái Bình, cùng hai Cựu chiến binh- nhà giáo Nguyễn Đức Quang và Đoàn Hữu Bàng đến thăm mảnh đất Quảng Trị anh hùng đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm (9/1972 – 9/2022) cuộc chiến anh dũng suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, một địa danh đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của dân tộc. Đi quanh Thành cổ một vòng rồi mới vào trong, tôi chợt nhớ bài thơ “Lời người bên sông” của Lê Bá Dương: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”

Khi bước qua cổng Thành cổ, anh Bàng nói như có cái gì đó lạ lắm, lành lạnh khắp người. Chúng tôi mỗi người đều có những cảm nhận riêng. Thắp hương cho hương hồn anh linh các liệt sĩ trong tiết trời mưa nhẹ, nhưng chúng tôi vẫn gắng đứng bên cạnh các anh thật lâu, cầu cho hương hồn các anh siêu thoát, mong các anh phù hộ độ trì cho quốc thái, dân an. Nhìn khói hương hòa quyện, thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn, chúng tôi tiếp tục vào phía trong để nghe hướng dẫn viên thuyết minh về cuộc chiến đấu dũng cảm của bộ đội ta tại Thành cổ này. Giọng nhỏ nhẹ, truyền cảm của cô đã đem đến cho người nghe những cảm xúc khó tả:

– Ngày 14/6/1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân “Tái chiếm lại Quảng Trị” do Trung tướng Ngô Quang Trưởng – viên tướng được kỳ vọng nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh quân đội VNCH làm Tư lệnh quân khu 1, Quân đoàn 1. Đây là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là “Mùa hè đỏ lửa” với sự huy động quân số và hỏa lực của cả hai bên lớn chưa từng có. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Thành cổ Quảng Trị kéo dài suốt 81 ngày đêm (28/6/1972 – 16/9/1972) diễn ra rất ác liệt. Hai bên giằng co nhau từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã hủy diệt hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân dân ta. Thành cổ thành đống tro tàn đổ nát hoàn toàn. Hàng ngàn chiến sĩ quân giải phóng miền Nam, bộ đội ta đã anh dũng hy sinh trong trận chiến khốc liệt này.

Khi hướng dẫn viên nói về sự hy sinh dũng cảm và đọc lá thư của chiến sĩ Lê Văn Huỳnh, chàng sinh viên năm thứ 4, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, chúng tôi xúc động thực sự: “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi .. . Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn cho Tổ quốc”. Giọng cô chùng xuống, lặng đi khi nói đến đoạn thư anh viết cho người vợ mới cưới: “Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về”. Ôi, một tình yêu thật đẹp, một cuộc tình thật đáng trân trọng. Cô gái năm xưa ấy vẫn sống một mình để thờ cha mẹ chồng và người chồng mà cô mới được làm vợ 6 ngày. Bức thư như một thông điệp gửi đến mai sau hãy biết sống đẹp, sống có ích, sống có lý tưởng, ước mơ và có giá trị giáo dục không những cho hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho muôn đời sau. Đúng như liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã viết: “Nếu mai đây bạn về chốn cũ/ Tìm giúp tôi người Mẹ thương yêu/ Nói với Người rằng vì nghĩa vụ/ Đứa con thơ đã thác một chiều.”

Cả đoàn chúng tôi lặng đi như dành phút tưởng nhớ về những anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh tuổi thanh xuân hạnh phúc riêng của mình để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc cho mọi người. Họ đã biến thành những tượng đài bất tử. Trong không gian Thành cổ hiện nay có đặt rất nhiều những bức phù điêu, tượng đài để tôn vinh và khắc ghi sự hy sinh dũng cảm của những người đã vì độc lập dân tộc mà anh dũng hy sinh nằm lại nơi này. Phòng truyền thống trưng bày những hình ảnh, đồ vật, những gì còn sót lại trong cuộc chiến, chúng tôi như được mở mang kiến thức, hiểu hơn những gian khổ khốc liệt của cuộc chiến tại đây qua các bức ảnh hay những hiện vật trưng bày.

Dời Thành cổ, đoàn tiếp tục lên xe về Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Trước tượng đài, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ, mỗi người đều có ước nguyện của riêng mình gửi gắm tới các chú, các anh. Chúng tôi lặng người đi khi quan sát bốn bề đều thấy bia mộ chôn cất các liệt sĩ. Đúng là cuộc chiến này đã cướp đi không biết bao người con dân nước Việt. Họ đã hy sinh cuộc đời mình cho độc lập dân tộc. Xương máu của các chú, các anh đã hòa quyện vào đất Mẹ, linh hồn họ đã hóa thành hồn thiêng sông núi.

Chúng tôi đi vào khu nghĩa trang nơi dành cho những người con của Thái Bình đã nằm lại nơi đây. Những bia mộ nằm đó, sát bên nhau như những đồng đội năm xưa cùng chung chiến hào đánh giặc. Chúng tôi đứng quây quanh đài liệt sĩ như muốn nói với các anh rằng, là những người lính nên chúng tôi hiểu giá trị của sự hy sinh, giá trị của cuộc sống, luôn biết ơn và kính trọng các anh. Không có thời gian thắp nhang cho từng ngôi mộ, chúng tôi chỉ biết cúi đầu tạ lỗi trước anh linh liệt sĩ và bái biệt những người con của mảnh đất Thái Bình như những người thân của chính mình.

Suốt dọc đường trở về khách sạn và cả đêm hôm ở Quảng Trị, anh em chúng tôi chỉ nói về cuộc chiến tranh trên dải đất này. Khốc liệt và oanh liệt, dũng cảm hy sinh và căm thù uất hận luôn có trong mỗi câu chuyện mà chúng tôi kể cho nhau nghe. Cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước của quân và dân ta thực sự vẻ vang, nhưng hy sinh mất mát cũng không hề nhỏ. Chúng tôi đến những nơi này, đứng trước những hàng bia mộ, những bức tượng đài ghi dấu chiến tích của cuộc chiến càng xót thương cho những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Họ ngã xuống khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi, tương lai sáng lạn đang chờ đón phía trước. Họ ra đi thật thanh thản không một chút bận lòng. Giá như không có cuộc chiến tranh này thì giờ đây họ đã có một gia đình hạnh phúc bên những người vợ yêu thương, bên những đứa con ngoan tài giỏi. Giá như họ không hy sinh nằm lại bên những bờ sông, cánh rừng thì cha mẹ họ giờ đây đang có người phụng dưỡng chăm sóc khi tuổi già sức yếu. Giá như không có cuộc chiến tranh này thì nay đất nước mình có thêm bao tài năng trước kia đang học trong các trường đại học xung phong ra trận để rồi phải nằm lại ở những nơi như nghĩa trang Trường Sơn và Thành cổ Quảng Trị này. Giá như không có cuộc chiến tranh này thì đất nước ta đâu có thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Ôi chiến tranh, chúng tôi căm ghét chiến tranh, mong sao thế giới yên bình!

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng chính sự hy sinh mất mát mà mảnh đất và con người nơi đây chịu đựng đã rèn đúc thêm bản lĩnh, ý chí và quyết tâm xây dựng lại quê hương Quảng Trị anh hùng. Người Quảng Trị đã vượt lên gian khó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, đã và đang biến vùng đất dày đặc đạn bom và sỏi đá thành những vùng xanh ngút ngàn ngô, lúa, cây công nghiệp như cà phê, chè, tiêu,…mang lại cuộc sống ấm no cho người dân. Quảng Trị đang thay đổi từng ngày, con đường bom đạn từ đường 9 lên Cửa khẩu Lao Bảo năm xưa, nay được trải nhựa phẳng lì, thông thương giao lưu, buôn bán. Những nhà máy mới mọc lên, những cột điện gió đang hoạt động, hệ thống giao thông liên tục mở mang cùng những khu đô thị mới khang trang,… tất cả đã tạo nên một Quảng Trị mới phát triển, thân thương và thanh bình.

Nguyễn Đức Quang 

08:44:07 10-10-2022

VHDN: Như một sự thôi thúc, giục giã, mùa thu tháng 9 này, chúng tôi những Cựu chiến binh, một thời đồng môn, đồng ngũ có dịp cùng nhau thăm lại mảnh đất miền Trung, nơi ghi dấu cuộc chiến tranh khốc liệt, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc […]

Đối tác của chúng tôi