Sự kiện - chuyên đề:

Muốn lớn mạnh, Doanh nghiệp phải có bản sắc riêng

VHDN: Trò chuyện với phóng viên trước thềm xuân mới, ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững thì cần phải xây dựng được Văn hóa Doanh nghiệp có bản sắc riêng. Đó phải là sự hội tụ các sản phẩm văn hóa mang bản sắc dân tộc, nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và Văn hóa Kinh doanh toàn cầu…

Ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam.

Đại hội lần thứ XIII xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”. Theo ông đây có phải là một giải pháp phù hợp, thể hiện sự nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập, và là tín hiệu vui cho sự nghiệp văn hóa nước nhà?

Ông Hồ Anh Tuấn: Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946) và Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948) thì ngày 24/11/2021 vừa qua, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây được xem là “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” để Đảng, Nhà nước tiếp tục khẳng định vị trí và tầm quan trọng của văn hóa, xem văn hóa ngang bằng như chính trị, kinh tế xã hội trong tiến trình xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Chia sẻ quan điểm tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Như vậy có thể thấy, Đảng ta đặc biệt quan tâm đầu tư cho phát triển văn hóa trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Thực tế, sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành quả trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, cũng như quản lý về văn hóa. Dù vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững. Vì vậy, có thể nói việc “tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa” là một trong những chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong định hướng phát triển đất nước và cũng là tín hiệu vui cho sự nghiệp văn hóa nước nhà.

Các đại biểu tham luận tại Diễn đàn Quốc gia thường niên “Văn hoá với doanh nghiệp” lần thứ nhất, năm 2021″.

Trong 10 giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam vừa được Hội nghị Văn hóa toàn quốc thông qua có nhắc đến giải pháp: xây dựng “Văn hóa Doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội”. Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, xin ông cho biết quan điểm về giải pháp này? 

Ông Hồ Anh Tuấn: Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cộng đồng doanh nghiệp được xem là đầu tàu của nền kinh tế. Trên thế giới, nhiều tập đoàn hùng mạnh xuất hiện không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần nâng cao vị thế, uy tín, tăng cường hội nhập, quảng bá văn hóa của quốc gia nơi nó được sinh ra. Ngày nay, nhắc đến nước Mỹ, người ta nhớ đến Boeing, Apple, Amazon. Nhắc đến nước Nhật, người ta nhớ đến Toyota Motor, Honda Motor, Sony, Panasonic, hay nước Đức là Mercedes, BMW, Volkswagen, còn Hàn Quốc là Samsung, LG, Huyndai…

Việt Nam cũng có những doanh nghiệp đã vươn mình ra ngoài lãnh thổ và khẳng định được vị thế cũng như uy tín như: Vinamilk, Viettel, Vingroup… Nhưng để “sánh vai” với các cường quốc thì chúng ta cần nhiều hơn nữa những thương hiệu lớn. Và Văn hóa Doanh nghiệp là một trong những yếu tố then chốt để tạo nên những doanh nghiệp hùng mạnh có thương hiệu toàn cầu, góp phần để đất nước ngày một hưng thịnh.

Sở dĩ Đảng và Nhà nước ta coi giải pháp xây dựng “Văn hóa Doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội”, bởi Văn hóa Doanh nghiệp có mạnh thì doanh nghiệp mới mạnh và phát triển bền vững được. Và khi cộng đồng doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế đất nước sẽ mạnh.

Cộng đồng doanh nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế, chính vì vậy theo tôi, giải pháp xây dựng “Văn hóa Doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế – xã hội” mà Đảng, Nhà nước ta đề ra là rất phù hợp cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước…

Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta luôn lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển của văn hóa. Vậy ở góc độ Văn hóa Doanh nghiệp, theo ông doanh nghiệp cần chú trọng điều gì khi xây dựng văn hóa của riêng mình?

Ông Hồ Anh Tuấn: Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia khi cho rằng, muốn xây dựng thành công Văn hóa Doanh nghiệp thì phải lấy con người làm chủ thể, làm trọng tâm. Chỉ có con người mới tạo ra giá trị văn hóa, duy trì và phát triển văn hóa. Bởi sức mạnh của văn hóa là sức mạnh của con người, và cũng là sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp muốn tăng cường khả năng cạnh tranh, muốn phát triển bền vững, được khách hàng và đối tác nhớ đến, được người lao động coi như mái nhà thứ hai… thì cần phải xây dựng được Văn hóa Doanh nghiệp, Văn hóa Kinh doanh có bản sắc riêng. Đó phải là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và Văn hóa Kinh doanh toàn cầu, được hội tụ ở sản phẩm sạch, chất lượng cao, lấy mục đích là phục vụ đời sống con người, đồng thời phải thượng tôn pháp luật.

Một ví dụ cho thấy vai trò trung tâm của con người trong xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp là khi dịch Covid-19 hoành hành, nhiều lao động đã rời bỏ doanh nghiệp vì chuyện cơm áo gạo tiền, nhưng ngược lại cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được đội ngũ nhân lực ổn định để nhanh chóng thích ứng với trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh… Sở dĩ họ có được điều đó là bởi, lãnh đạo doanh nghiệp luôn cư xử đúng mực, quan tâm thiết thực đến người lao động thì người lao động sẽ gắn bó với doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Nhiều người còn nói rằng, người lao động ở lại hay đi khỏi doanh nghiệp cũng bởi cơ chế, chính sách và cách ứng xử giữa chủ sử dụng lao động với người lao động. Ví dụ này cho chúng ta thấy, Văn hóa Doanh nghiệp đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết từ lãnh đạo đến nhân viên, tạo sức mạnh để doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn thử thách do nghịch cảnh mang lại.

Là người từng nhiều năm công tác trong ngành văn hóa, ông có kiến nghị gì với Chính phủ, các cơ quan, ban ngành chức năng để sự nghiệp xây dựng văn hóa nói chung và phong trào xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp nói riêng mang lại hiệu quả hơn?

Ông Hồ Anh Tuấn: Chúng ta cần xây dựng hệ giá trị cốt lõi con người Việt Nam, quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa và cần có một nền công nghiệp văn hóa phát triển. Song song với nguồn nhân lực là phải quan tâm đầu tư hợp lý cho việc xây dựng và lưu giữ các giá trị văn hóa phục vụ cho các hoạt động xã hội cho hiện tại và tương lai.

Với cộng đồng doanh nghiệp, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, Văn hóa Kinh doanh chuẩn mực; xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp, Văn hóa Doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ gìn chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững; phải xây dựng chuẩn mực văn hóa phù hợp cho đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động kinh tế; phải nâng cao hàm lượng văn hóa trong các sản phẩm kinh tế, gắn hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với quảng bá văn hóa…

Tại Diễn đàn Quốc gia thường niên “Văn hoá với doanh nghiệp” lần thứ nhất, năm 2021 vừa được chúng tôi tổ chức, các đại biểu đã có nhiều tham luận hay, thiết thực liên quan đến Văn hóa Doanh nghiệp. Từ những kết quả thu được tại Diễn đàn này, chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, ban ngành chức năng những vấn đề được các đại biểu đề cập đến…

Trong chương trình công tác giai đoạn 2021 – 2026 của Ban Tổ chức 248, chúng tôi sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam” trên cả nước; tiếp tục đưa Cuộc vận động do Thủ tướng Chính phủ phát động vào cuộc sống một cách bài bản, khoa học và hiệu quả; tổ chức triển khai Bộ Tiêu chí Văn hoá Kinh doanh Việt Nam đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước; xây dựng, ban hành Bộ Công cụ Đo lường sự ảnh hưởng của Văn hoá Doanh nghiệp đến kết quả sản xuất, kinh doanh; xây dựng Đề án lập Quỹ hỗ trợ phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam, xin phép các cấp có thẩm quyền cho phép thành lập; tổ chức Diễn đàn Quốc gia thường niên “Văn hoá với Doanh nghiệp” vào Ngày Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam 10/11 hằng năm; tổ chức xét công nhận và tôn vinh các “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá Kinh doanh Việt Nam” trong khuôn khổ Diễn đàn “Văn hoá với Doanh nghiệp”; kiện toàn cơ quan thường trực và Văn phòng BTC 248; bổ sung hàng năm thành viên Ban tổ chức Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam”; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, hoạt động, công tác tổ chức triển khai Cuộc Vận động và Bộ Tiêu chí Văn hoá Kinh doanh Việt Nam; tham gia phản biện, kiến nghị, đề xuất các chủ trương cơ chế, chính sách, đề án, dự án… với Đảng, Nhà nước về Văn hoá, Văn hoá Kinh doanh, Văn hoá Doanh nghiệp

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Lê Quang

 

16:33:38 11-01-2022

VHDN: Trò chuyện với phóng viên trước thềm xuân mới, ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban Tổ chức 248, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững thì […]

Đối tác của chúng tôi