Sự kiện - chuyên đề:

“Năm APEC 2017 cơ hội cho Việt Nam”

VHDN: Đại sứ Trần Trọng Toàn, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký APEC Quốc gia, Nguyên Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Quốc tế, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh vừa có buổi trao đổi với phóng viên về chủ đề “Năm APEC 2017 – Cơ hội cho Việt Nam”. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Thưa ông, việc đăng cai Năm APEC lần thứ hai được cho là mang lại cơ hội rất lớn cho Việt Nam cả về chính trị và kinh tế, đặc biệt là nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vậy việc đăng cai APEC góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam có thể được nhìn nhận dưới những góc độ nào, thưa ông?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Vâng, ngay từ tháng 11/2013, khi Việt Nam được tất cả 21 thành viên APEC ủng hộ đăng cai Năm APEC 2017, việc chuẩn bị và tổ chức thành công các sự kiện của Năm APEC 2017 được Đảng và Nhà nước ta coi là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại đến năm 2020.

Thông qua việc tổ chức Năm APEC 2017, chúng ta muốn chuyển tới cộng đồng quốc tế một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng, trở thành một đối tác tin cậy và một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Đăng cai Năm APEC 2017 cũng là bước đi góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XII với tinh thần “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng định hình các thể chế đa phương”.

Những kết quả hợp tác mà APEC đạt được qua các sự kiện tổ chức tại Việt Nam nhằm cụ thể hóa chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên của Năm APEC 2017 do Việt Nam đề xuất chính là thể hiện sự ủng hộ của các thành viên đối với vai trò chủ nhà của Việt Nam cũng như vị thế quốc tế đang lên của nước ta.

Chúng ta cũng kỳ vọng, những kết quả đạt được trong Năm APEC 2017 sẽ tạo đà để Việt Nam ứng cử vào những trọng trách lớn của quốc tế trong những năm tới, trong đó có vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, góp phần nâng cao vị thế đất nước. Đặc biệt, Năm APEC 2017 cũng là dấu mốc quan trọng và thiết thực hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập APEC (1998 – 2018).

Trước khi Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra, hàng loạt sự kiện trong Năm APEC 2017 đã được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Vậy đến thời điểm này, vị trí chủ nhà của Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá như thế nào, thưa ông?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Kể từ Hội nghị không chính thức Các quan chức cao cấp (ISOM) vào tháng 12/2016, đến nay, Việt Nam đã tổ chức thành công hơn 200 sự kiện APEC trên khắp 10 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó có 7 hội nghị cấp Bộ trưởng, 6 hội nghị Quan chức cao cấp APEC (gồm 4 Hội nghị về hợp tác APEC, 1 hội nghị về Tài chính và 1 hội nghị về Phòng chống Thiên tai).

Qua các sự kiện đã được tổ chức, các nền kinh tế thành viên APEC và bạn bè quốc tế đều đánh giá cao Việt Nam trong công tác tổ chức, điều hành, ủng hộ mạnh mẽ các nội dung hợp tác ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho Năm APEC 2017. Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã nỗ lực làm hài hòa lợi ích, tìm mẫu số chung cho những khác biệt nhằm duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng bền vững, bao trùm và liên kết kinh tế khu vực.

Những kết quả đạt được tại các hội nghị về các lĩnh vực như phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thương mại điện tử xuyên biên giới, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, an ninh lương thực… sẽ là cơ sở và tiền đề cho các nội dung thảo luận của các Bộ trưởng và các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC tại Tuần lễ Cấp cao APEC sắp tới.

Chúng ta cũng đã làm tốt công tác lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, thông tin báo chí theo đúng chỉ thị của Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Kỹ lưỡng, trọng thị, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, an ninh”, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào.

Trong hai đợt tiền trạm chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao vào tháng 7 và tháng 10 vừa qua, đại diện các nền kinh tế thành viên và quan sát viên đánh giá cao sự chuẩn bị từ sớm và kỹ lưỡng của chủ nhà Việt Nam cũng như chính quyền thành phố Đà Nẵng, đồng thời cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để bảo đảm thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC.

Việc tổ chức các sự kiện tại nhiều tỉnh, thành phố mang lại cơ hội như thế nào cho các địa phương?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Việc ta tổ chức các hoạt động của APEC tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước là một lựa chọn chiến lược.

Các hoạt động đã góp phần quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh các vùng miền, thành phố và địa phương của Việt Nam đổi mới, năng động, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, qua đó thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch.

Việc đăng cai các hoạt động APEC cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương quảng bá thương hiệu; kết nối, giao lưu với các doanh nghiệp quốc tế; tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh, đối tác thương mại và đầu tư. Qua tham gia các hội thảo, diễn đàn APEC, các doanh nghiệp cũng có điều kiện tìm hiểu về luật pháp, chính sách kinh tế, thương mại của các nền kinh tế thành viên, từ đó khai thác tốt hơn các thị trường APEC. Ngoài ra, đây còn là cơ hội cho các doanh nghiệp ta cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các sự kiện APEC.

Đối với các thành phố đăng cai, đây là cơ hội nâng cấp cơ sở hạ tầng như sân bay (ở Đà Nẵng), trung tâm hội nghị, khách sạn, giao thông, chỉnh trang đường phố, trồng thêm cây xanh…

Qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật, triển lãm, trưng bày tranh ảnh, sản phẩm, các địa phương có cơ hội quảng bá về văn hóa, du lịch và những cơ hội hợp tác kinh doanh của địa phương mình.

Đây cũng là cơ hội phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập, xây dựng nếp sống văn minh và văn hóa hội nhập cho người dân.

Thưa ông, APEC là diễn đàn khu vực hội tụ các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới, vì vậy đây cũng được coi là cơ hội để Việt Nam tăng cường hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên. Điều này đã được thể hiện trên thực tế như thế nào?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Cũng như các khuôn khổ hợp tác đa phương khác, các hoạt động của APEC không chỉ là dịp để các nền kinh tế thành viên cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề quan tâm chung ở tầm khu vực mà đây còn là khuôn khổ để các thành viên tăng cường hợp tác song phương với các thành viên khác, với những kết quả cụ thể và thực chất.

APEC không chỉ là diễn đàn khu vực gồm các nền kinh tế hàng đầu của thế giới mà còn hội tụ các đối tác hàng đầu của Việt Nam về chính trị, kinh tế… Về chính trị, Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, nhiều nước ASEAN. Về kinh tế, nhiều thành viên APEC là những đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển. Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và nhiều bên với 17 thành viên APEC. Hiện các thành viên APEC chiếm 78% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, 38% viện trợ phát triển chính thức, 75% tổng thương mại hàng hóa và 80% lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang sinh sống và học tập tại các nền kinh tế APEC.

Trong dịp các Hội nghị cấp Bộ trưởng được tổ chức trong năm 2017, Lãnh đạo các bộ, ngành nước ta đã có nhiều cuộc trao đổi, tiếp xúc song phương với Bộ trưởng/Lãnh đạo các bộ, ngành các nền kinh tế APEC. Nhiều thỏa thuận đã được ký kết nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Ví dụ, trong dịp Tuần lễ An ninh lương thực tại Cần Thơ tháng 8 vừa qua, Việt Nam và Ốt-xtrây-lia đã ký “Ý định thư hợp tác lâu dài trong nghiên cứu nông nghiệp”, và “Bản ghi nhớ về phòng chống đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định”. Với Hoa Kỳ, Niu Di-lân, chúng ta cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, đặc biệt là đào tạo nâng cao năng lực, thúc đẩy đầu tư trong nông nghiệp và thương mại nông, lâm, thủy sản.

Trong thời gian chuẩn bị cho năm APEC cũng như trong các hoạt động đã, đang và sẽ diễn ra, chúng ta thường nghe thấy nhận định “APEC là “cơ hội vàng” với doanh nghiệp Việt Nam”. Vậy ông có thể phân tích “cơ hội vàng” này là những gì?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Trước hết, với hơn 200 sự kiện được tổ chức tại các tỉnh, thành phố, trong đó có những đợt Hội nghị quan chức cao cấp APEC có số lượng đại biểu quốc tế và trong nước lên gần 3.000 đại biểu, các hoạt động của APEC tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước quảng bá thương hiệu, cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các sự kiện APEC.

Thứ hai, ngoài kênh hợp tác chính phủ, APEC cũng là một trong những Diễn đàn đa phương có kênh hợp tác riêng dành cho doanh nghiệp và học giả. Trong Năm APEC 2017, các doanh nghiệp ta có rất nhiều cơ hội tham gia các sự kiện dành cho doanh nghiệp như các Hội thảo APEC về khởi nghiệp, thương mại điện tử, thúc đẩy thương mại các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao năng lực, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, trình độ quản lý, công nghệ từ đối tác.

Thứ ba, tạo cơ hội kết nối, giao lưu với doanh nghiệp quốc tế. Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, nhiều hoạt động gắn với doanh nghiệp sẽ được tổ chức. Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC sẽ có sự tham dự của hơn 1.500 giám đốc/tổng giám đốc, là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp hàng đầu của thế giới và khu vực. Lần đầu tiên, ta đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam. Đây là các hoạt động quan trọng nhằm giới thiệu với các đối tác, bạn bè quốc tế về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thuận lợi của Việt Nam.

Trong các chủ đề của APEC năm nay, có một chủ đề là “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số”. Có ý kiến cho rằng chủ đề này rất phù hợp với Việt Nam bởi trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta chiếm tỷ lệ rất lớn trong cộng đồng doanh nghiệp. Xin ông cho biết ý kiến về chủ đề này?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Việc lựa chọn chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017 là nhằm phản ánh quan tâm chung của các thành viên, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của chủ nhà Việt Nam. Việc lựa chọn ưu tiên “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số” chính là thể hiện điều này.

Khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp, tạo ra 60% việc làm và là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế APEC. Ở Việt Nam, khu vực MSME chiếm vị trí chủ yếu trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, giảm nghèo…; hằng năm tạo thêm trên nửa triệu việc làm mới; sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, các MSME với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, họ cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho khối doanh nghiệp này mở rộng quy mô, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội.

Do đó, trong năm qua, APEC đã nỗ lực thảo luận các biện pháp, chính sách để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các MSME nhằm ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, sức sáng tạo và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong kỷ nguyên số. Hỗ trợ các MSME chính là tạo thuận lợi để tận dụng và phát huy cao nhất các nguồn lực cho phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, gắn kết các chủ thể sản xuất minh doanh trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia và thụ hưởng thành quả của tự do hóa thương mại và đầu tư.

Chúng ta nói Việt Nam có cơ hội trên nhiều lĩnh vực khi đăng cai Năm APEC 2017. Nhưng để nắm bắt và tận dụng cơ hội này, chúng ta cần chú ý đến những vấn đề gì, thưa ông?

Đại sứ Trần Trọng Toàn: Như đã phân tích trên đây, APEC 2017 đem đến nhiều cơ hội khác nhau cho các tỉnh, thành phố đăng cai cũng như cho doanh nghiệp và người dân… Nhưng để nắm bắt và tận dụng hiệu quả các cơ hội này, không chỉ cần quyết tâm chính trị của lãnh đạo các tỉnh, thành phố mà rất cần sự nhạy bén, quyết tâm, đặc biệt là sự chủ động vào cuộc tích cực của bản thân địa phương, người dân, doanh nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi !

Thúy Ngọc (thực hiện)

09:01:22 07-11-2017

VHDN: Đại sứ Trần Trọng Toàn, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký APEC Quốc gia, Nguyên Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Quốc tế, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh vừa có buổi trao đổi với […]

Đối tác của chúng tôi