Tập thể đội ngũ quản lý và giáo viên Trung tâm GD-DN NKT Nghệ An
Hơn 40 năm gắn bó với công việc giáo dục trẻ khuyết tật, Trung tâm giáo dục dạy nghề người khuyết tật Nghệ An đã tổ chức dạy văn hóa bậc tiểu học theo hình thức chuyên biệt, tổ chức đào tạo nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm, phục hồi chức năng cho hàng nghìn lượt em học sinh. Dù đến từ nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng dưới mái ấm này, các em được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo.
Ông Phan Bùi Hải – Giám đốc Trung tâm GD-DN NKT Nghệ An cho biết: Với đối tượng là trẻ khuyết tật, công việc giảng dạy nơi đây cũng thật đặc biệt, đặc biệt từ cách thức giao tiếp, cách thức làm việc của giáo viên đối với học sinh. Ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu là ký hiệu, là hành động, là ánh mắt, là tình thương. Việc tiếp thu kiến thức của các học sinh tuy khó khăn nhưng hầu hết các em rất cần cù, chịu khó. Các em học sinh ở đây đều bị khuyết tật, có những em nhận thức nhanh, có em nhận thức chậm. Tùy vào đối tượng chúng tôi có cách thức dạy khác nhau nhưng tất cả đều phải giống nhau ở tấm lòng của giáo viên đối với học sinh, phải nhẫn nhịn, thương yêu các em. Niềm vui của chúng tôi luôn gắn với mỗi bước đi, từng biểu hiện tiến bộ của các em.
Khen thưởng và trao quà cho học sinh giỏi của Trung tâm
Xác định trách nhiệm của mình trong việc giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống, đội ngũ cán bộ giáo viên của Trung tâm đã luôn kiên trì chỉ bảo các em, giúp các em nhận biết từng con chữ, cách phát âm tròn trịa một vần, một từ, cầm tay chỉ việc từng li từng tí. Đồng thời tích cực học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành cho người khuyết tật, chủ động đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học, giảm thuyết trình, tăng thực hành, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy có hiệu quả, tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm về đổi mới phương pháp dạy, làm đồ dùng dạy học… đảm bảo cho học sinh được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ để có thể hòa nhập tốt với gia đình, cộng đồng xã hội. Nhiều giáo viên, nhân viên đã gắn bó và cống hiến gần hết cuộc đời mình với Trung tâm, với các em học sinh.
Trung tâm còn phối hợp với phụ huynh trao đổi thông tin về tình hình học tập cũng như tư vấn kiến thức về chăm sóc, phục hồi chức năng trẻ khuyết tật, trẻ chậm phát triển, tự kỷ, chú trọng công tác dạy nghề hướng nghiệp giúp cho các em có thể tự tin bước ra cuộc sống, có thu nhập từ chính sức lao động của mình, tự nuôi sống được bản thân. Năm học này có 255 em, Trung tâm đã tổ chức 9 lớp học văn hóa cho 172 học sinh, 12 lớp học nghề và tạo việc làm cho 213 học sinh với các nghề may, thêu, vi tính văn phòng, mộc dân dụng, điện; Sắp xếp chỗ nghỉ nội trú hợp lý tạo điều kiện các em hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt và học tập; Thường xuyên phân công cán bộ giáo viên nhân viên trực quản lý chăm sóc học sinh 24/24h.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được lãnh đạo Trung tâm và các tổ chức, đoàn thể chú trọng
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Sở Lao động- Thương binh& Xã hội; sự đồng hành của Ban đại diện cha mẹ học sinh, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trung tâm, kết quả giảng dạy và học tập cho học sinh đã đạt và vượt chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh khá giỏi so với cùng kỳ năm trước và kế hoạch năm học đề ra. Kết quả học kỳ I, năm học 2018-2019 loại giỏi đạt 12,69, loại khá đạt 25,82%, trung bình đạt 38,49%, tỷ lệ khá giỏi khối dạy nghề vượt 7% so với chỉ tiêu đề ra, học sinh đã làm được nhiều sản phẩm có chất lượng như may áo phao, cờ Tổ quốc, tranh gỗ, tranh thêu, khẩu trang… Học sinh nghề mộc và nghề may 100% ra trường tìm được việc làm tại các công ty như Công ty HaVina Kim Liên, Công ty Minh Anh, các cơ sở tư nhân với mức lương từ 5-8 triệu đồng/tháng
Với mục tiêu 100% học sinh vào học và sau khi ra trường được tư vấn về tư tưởng, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp, Trung tâm giáo dục dạy nghề người khuyết tật Nghệ An sẽ tiếp tục đổi mới chất lượng dạy và học, tích cực mở rộng liên kết đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với đối tượng và xu thế hiện nay. Tuy nhiên để hỗ trợ cải thiện đời sống sinh hoạt và học tập của các em, Trung tâm rất mong muốn nhận được sự quan tâm từ các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước .
Trần Tình
VHDN: Sự nghiệp “trồng người” là một công việc cao cả, vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, vất vả. Dạy người bình thường đã khó, dạy người khuyết tật còn khó hơn, không chỉ dạy chữ, dạy nghề, mà còn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, giúp các em hòa […]