Đã đến lúc phải quyết định chuyện bỏ hay giữ Quỹ bình ổn xăng dầu.

Phiên họp thứ 36, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 – 2018. Đáng chú ý, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị bãi bỏ ngay hoặc có lộ trình rõ ràng bãi bỏ nhiều quỹ, trong đó có quỹ bình ổn giá xăng dầu, đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận và giới chuyên gia.

Quỹ bình ổn xăng dầu được thành lập từ năm 2009, với số tiền trích lập hàng năm lên tới nhiều nghìn tỷ đồng nhưng người dân không ai biết số tiền đó được sử dụng như thế nào. Việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được đặt ra thời gian gần đây khi các doanh nghiệp trong ngành phải chịu khoản âm hàng trăm tỷ đồng do các điều hành của cơ quan quản lý. Đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải lần đầu tiên được đặt ra.

Trước đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cũng nhiều lần kiến nghị các bộ, ngành và Chính phủ xem xét lại việc sử dụng, duy trì quỹ này. Trong văn bản gửi Chính phủ hồi tháng 4, hiệp hội này lập luận: Việc trích lập Quỹ 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt.

Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, số dư Quỹ này cuối năm 2018 là hơn 3.500 tỷ đồng, nhưng đã được chi rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019. Hết quý I/2019, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu âm gần 621 tỷ đồng và quý II âm xấp xỉ 500 tỷ đồng. Lợi cho người dân chưa thấy rõ nhưng với các doanh nghiệp, việc âm quỹ hàng trăm tỷ đồng là vấn đề cực lớn.

Thực tế, không phải không có lý khi việc điều hành quỹ thời gian qua có phần lạm chi. Chẳng hạn, có thời điểm quỹ bình ổn được xả ở mức cao chưa từng có, như kỳ điều hành ngày 18/3, nhà điều hành đã xả quỹ ở mức kỷ lục để bù chênh lệch với giá cơ sở, hơn 2.800 đồng một lít xăng E5 RON 92 và trên 2.600 đồng một lít với RON 95. Các mặt hàng dầu cũng được quỹ này “gánh” 1.340-1.640 đồng một lít, tùy mặt hàng.

Hơn nữa, xét về bản chất, Quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay đang lấy tiền của chính người mua xăng dầu để “bình ổn” giá cho người mua xăng dầu. Nên người mua xăng dầu tuy có được mua xăng dầu bình ổn với giá không tăng nhưng là nhờ số tiền họ được ứng trước chứ không nhờ sự can thiệp của bên thứ ba.

Lâu nay, nhiều chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn nói về sự thiếu minh bạch của quỹ bình ổn xăng dầu, thậm chí nhiều ý kiến đề xuất nên loại bỏ hẳn quỹ này. “Quỹ không ổn mới phải bỏ, vậy bây giờ phải làm rõ cái không ổn đó thế nào? Tác động được – mất của quỹ tới người dân, xã hội, kinh tế ra sao? Quy trình trích lập – xả quỹ được thực hiện thế nào? Có hay không tiêu cực, thất thoát, lấy tiền người tiêu dùng làm lợi cho doanh nghiệp?” – GS Đặng Đình Đào nói.

Thậm chí, có vị chuyên gia kinh tế còn nhận định rằng, sẽ là không quá khi kết luận rằng Quỹ bình ổn thực ra lại làm tổn hại đến an sinh xã hội cũng như kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô, vì một phần của nguồn lực xã hội bị tiêu tốn một cách vô ích.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng chưa nên bỏ qũy này vì Nhà nước đang điều hành giá xăng dầu, và chỉ khi nào thị trường cạnh tranh thực sự thì mới có thể bỏ quỹ này. Nhưng cách điều hành quỹ cần cải tiến chứ không phải như vừa qua mang tính “triệt tiêu” sự biến động thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Chỉ khi chấp nhận thả nổi giá xăng dầu theo thị trường, lúc đó mới tính đến bỏ quỹ bình ổn giá. Hiện tại, khi Chính phủ và Quốc hội đặt mục tiêu số 1 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và Nhà nước đang điều hành giá xăng dầu thì chưa thể bỏ quỹ này”.

Thực tế cũng cho thấy, dù mặt hàng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của cuộc sống bên cạnh điện, nhưng thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh thực sự, vì Petrolimex và PVOil đang giữ vị trí độc quyền. Giá xăng dầu vẫn do nhà nước quyết định bằng mức giá trần, còn doanh nghiệp có thể điều chỉnh nhưng không được cao hơn.

Nói cách khác, việc không minh bạch giá cả nguồn cung, nhập nhèm cách tính giá trong nước với giá thế giới, sử dụng nguyên liệu trong nước nhưng lại tính giá thế giới… là những câu chuyện không minh bạch, bất cập đã được phản ánh rất nhiều nhưng không có thay đổi trong suốt thời gian qua.

Song song, việc chính các doanh nghiệp trong ngành âm quỹ hàng trăm tỷ đồng như đã nói ở trên là vấn đề cực lớn. Một câu hỏi đặt ra là: Người dân với tư cách là khách hàng, người tiêu dùng xăng dầu cần biết là vấn đề thu – chi thế nào và quản lý quỹ ra sao? Một khi quỷ này xảy ra tiêu cực thì quy trách nhiệm cho ai?

Có thể nói, xăng dầu là mặt hàng hết sức nhạy cảm, tác động rất lớn đến vấn đề kinh tế xã hội. Khi nó được điều tiết theo giá thị trường, dù có cao/thấp nhưng minh bạch thì người dân sẵn sáng đón nhận. Còn một khi duy trì quỹ, mà lại thiếu minh bach, rõ ràng, người dân chịu thiệt đơn thiệt kép và phản ứng là lẽ đương nhiên.

Vì thế, việc bỏ hay không bỏ hoặc bỏ có lộ trình quỹ bình ổn xăng dầu, Chính phủ và bộ ngành liên quan đã đến lúc phải quyết định.

Theo Enternews