Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về tình sản xuất lúa gạo hiện nay?

Ông Nguyễn Như Cường: Đến nay, các tỉnh phía Bắc từ Thừa Thiên – Huế trở ra với diện tích lúa Hè thu và vụ Mùa xấp xỉ 1,2 triệu ha, hiện với khoảng 170 nghìn ha lúa Mùa đã với năng suất cao. Còn diện tích lúa vụ Mùa hơn 1 triệu ha sinh trưởng phát triển tốt, dự báo năng suất lúa sẽ tăng 3 tạ/ha so với năm 2019. Các tỉnh phía Nam cơ bản đã thu hoạch khoảng 1,35 triệu ha trong tổng số 1,540 triệu ha lúa Hè thu của khu vực này. Năng suất trung bình vụ Mùa, Hè thu của các nước tăng so với 2019 khoảng 0,8-1 tạ/ha (năng suất ở Đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL 58 tạ/ha). Như vậy, có thể nói năm 2020 mặc dù thời tiết diễn biến bất thường: Hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra đối với lúa Đông Xuân ở ĐBSCL, nhưng vụ Đông Xuân vẫn thắng lợi với sản lượng của cả nước hơn 20 triệu tấn. Nếu diễn biến thời tiết từ nay đến cuối năm không xảy ra bất thường (bão, lũ) thì với tổng diện tích gieo cấy 7,4 triệu ha, sản lượng 43,5 triệu tấn lúa là hoàn toàn có thể đạt được, đảm bảo được lương thực trong nước, đồng thời xuất khẩu theo kế hoạch từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo.

Nếu không tập trung cho thị trường nội địa, chúng ta sẽ thua ngay chính trên “sân nhà”
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT.

PV: Vụ Đông Xuân năm nay ở Đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử (cao hơn vụ Đông Xuân năm 2015-2016), thưa ông vì sao chúng ta vẫn giành được thắng lợi vụ lúa này?

Ông Nguyễn Như Cường: Vụ Đông Xuân 2019-2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn (hạn mặn) với mức độ cao hơn năm 2015-2016 với mức độ: Sớm, sâu và lâu hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn giành được thắng lợi những lý do: Nhờ dự báo sớm, chính xác, chúng ta đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó sản xuất bố trí thời vụ một hợp lý. Tiếp đó, rút kinh nghiệm từ năm 2015-2016, bố trí thời vụ sớm hơn (từ 10 đến 30 ngày) để tránh hạn mặn, với yêu cầu về thời gian có nước phải ít nhất 2,5 tháng, đặc biệt giai đoạn lúa làm đòng, lúa sắp chín thì phải có nước. Để bố trí được thời vụ hợp lý, né được hạn hán và xâm nhập mặn thì bộ giống cũng rất quan trọng. Những năm gần đây, nhờ đầu tư nghiên cứu khoa học – kỹ thuật – công nghệ, chúng ta đã có bộ giống đa dạng, chất lượng tốt hơn, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt thời tiết bất thuận, chất lượng gạo tốt hơn do đó chúng ta đã giành được thắng lợi như vụ Đông Xuân vừa qua.

PV: Ông có nhận xét gì về tình hình xuất khẩu gạo những năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm đến nay? 

Ông Nguyễn Như Cường: Có thể nói hai năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay trong khi nhiều nước sản xuất lúa trên thế giới hứng chịu hạn mặn, Việt Nam đã ứng phó thành công trong việc ứng phó, giảm thiểu được thiệt hại do hạn mặn gây ra. Năm 2020, thế giới hứng chịu không chỉ thời tiết thiên tai bất thường mà dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, trong đó có lúa gạo. Do ứng phó tốt với hạn mặn, nên sản lượng lúa gạo của Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ nhu cầu trong nước mà còn duy trì tốt xuất khẩu. Song song với đó, chất lượng lúa gạo những năm gần đây được nâng lên, giúp giá bán xuất khẩu cao hơn trước đây.

PV: Ông vừa nhắc tới chất lượng lúa gạo những năm gần đây của Việt Nam đã được nâng lên, vậy ông đánh giá thế nào của tác động tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo hiện nay?

Ông Nguyễn Như Cường: Kết quả của sản xuất lúa gạo hiện nay là không phải ăn may như một số người vẫn suy nghĩ. Thực sự đây là kết quả của việc chúng ta xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo từ năm 2013 sát với thực tế, sát với điều kiện cụ thể đất đai, nguồn nước; chủ động phòng, chống thích ứng với điều kiện bất thuận của  thời tiết, sát với thị trường. Cùng với đó, chúng ta đã đầu tư thích đáng cho nghiên cứu khoa học về giống. Chỉ tính riêng ở ĐBSCL, bộ giống lúa chất lượng cao chiếm khoảng 40-45%, gạo thơm 30% diện tích gieo cấy. Quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo chúng đã rất linh hoạt trong việc sản xuất lúa gạo theo các phân khúc phù hợp với nhu cầu từ thị trường: Gạo chất lượng thấp phục vụ chế biến, gạo chất lượng trung bình, gạo chất lượng cao, gạo thơm. Nhờ đó, gạo của chúng ta đã được kết quả tốt như thời gian vừa qua.

PV: Có sự thay đổi khác biệt nào về cơ cấu giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm trước tái cơ cấu và sau khi tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Từ khi thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo thì một trong những trọng điểm là chúng ta tập trung chọn tạo giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm. Trung bình mỗi năm kể từ khi thực hiện tái cơ cấu từ 5 đến 10% lúa chất lượng cao được đưa vào gieo trồng tùy từng vùng. Chuyển dịch cơ cấu từ giống lúa dài ngày, chất lượng bình thường, thấp sang giống lúa ngắn ngày chất lượng cao. Sản xuất lúa gạo phục vụ nội địa hay xuất khẩu đều phải theo nhu cầu, tín hiệu của thị trường nên không thể nói chỉ tập trung sản xuất lúa gạo chất lượng cao, lúa thơm mà phải có tỷ lệ phù hợp theo nhu cầu thị trường.

Về thị trường thế giới cũng rất đa dạng từ thấp, trung bình đến cao. Tái cơ cấu ngành lúa gạo chúng ta bắt buộc phải dựa căn cứ điều kiện tự nhiên, lợi thế về đất đai, hệ thống thủy lợi, khí hậu và căn cứ vào thị trường. Việc điều chỉnh tỷ lệ, cơ cấu giống lúa phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường từng giai đoạn cụ thể. Sở dĩ tôi nói như vậy với cây lúa chỉ cần 3 tháng/vụ thì căn cứ vào dự báo thị trường cùng với bộ giống đa dạng, chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh cơ cấu lúa mỗi mùa vụ. Còn nếu hỏi cơ cấu giống lúa chất lượng cao, lúa thơm sẽ tăng bao nhiêu là đủ thì rất khó vì nó còn phụ thuộc vào thị trường.

Nếu không tập trung cho thị trường nội địa, chúng ta sẽ thua ngay chính trên “sân nhà”
Séng Cù – loại gạo đặc sản được chế biến, đóng gói tại tỉnh Điện Biên.

PV: Thưa ông, nếu trước đây người tiêu dùng miền Bắc thường thích gạo Thái Lan, còn hai 2 năm gần đây các loại gạo thơm, chất lượng cao: ST 24, Tám thơm Điện Biên, Tài Nguyên Chợ Đào… lại được người tiêu dùng trong nước biết tới. Đặc biệt gạo ST 25 sau khi giành danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” đã tạo lên cơn sốt “săn lùng” loại gạo này trên thị trường, ông giá thế nào về thị trường gạo nội địa?

Ông Nguyễn Như Cường: Trung bình mỗi năm chúng ta xuất khẩu khoảng từ 6,5 đến 7 triệu tấn gạo, nhưng nhu cầu tiêu thụ gạo tại thị trường trong nước với 96 triệu dân còn cao hơn rất nhiều so với xuất khẩu. Rõ ràng, thị trường 96 triệu dân của chúng ta là ưu tiên số 1, bởi vì với nhu cầu của thị trường trong nước nếu bình quân mỗi người sử dụng khoảng 9kg gạo/tháng, thì mỗi năm là khoảng 108kg/người/năm. Như vậy, mỗi năm nhu cầu thị trường nội địa là khoảng từ 9,3 đến 9,4 triệu tấn gạo, cao gấp rưỡi lượng gạo xuất khẩu. Chính vì vậy, trong tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo chúng ta cũng xác định tập trung ưu tiên đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường nội địa. Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hàng rào thuế quan không còn nữa, nếu không tập trung cho thị trường nội địa chúng ta sẽ  đánh mất thị trường quan trọng này ngay chính trên “sân nhà”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo QĐND