Xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng, từ khi đi vào hoạt động đến nay Agribank Thanh Hóa luôn quan tâm mở rộng tín dụng, đưa nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nhiều dịch vụ, tiện ích khác…
Agribank Thanh Hóa đã mở rộng và đẩy mạnh cho vay thông qua tổ vay vốn, chủ động và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể ký kết thỏa thuận liên ngành để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất để nông dân được tiếp cận nguồn vốn của Agribank và có cơ hội đổi đời từ chính mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Bên cạnh việc phát triển cho vay đối với khách hàng cá nhân, thời gian qua Agribank Thanh Hóa cũng đẩy mạnh cho vay đối với doanh nghiệp với phương châm phát triển các hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng cân bằng giữa khách hàng doanh nghiệp – khách hàng cá nhân, hộ sản xuất. Agribank Thanh Hóa tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn kịp thời; đồng thời thực hiện tư vấn, hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ sự linh hoạt trong quản lý, điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh của Agribank Thanh Hóa luôn đạt hiệu quả, vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến ngày 31/5/2023, dư nợ cho vay nền kinh tế của chi nhánh đạt 23.904 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm gần 90%.
Đơn vị cũng triển khai hàng loạt sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích để phục vụ người tiêu dùng khu vực nông thôn, nhất là dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, ngân hàng bán lẻ… Đến nay, Agribank Thanh Hóa đã phát hành gần 500 nghìn thẻ, phát triển 41 máy ATM/CDM và gần 300 máy POS phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng còn triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn với trên 8.530 thẻ được phát hành, tổng hạn mức thấu chi qua thẻ cấp cho khách hàng là gần 6 tỷ đồng. Đặc biệt, việc Agribank triển khai phát hành thẻ Lộc Việt công nghệ thẻ chip 2 ứng dụng với nhiều tính năng vượt trội, hạn mức tín dụng lên đến 100 triệu đồng, cho phép ân hạn lên đến 55 ngày… đã mang lại nhiều ưu đãi, tiện ích cho khách hàng.
Phó Giám đốc Agribank Thanh Hóa Vũ Văn Vốn cho biết: Xác định phục vụ phát triển “tam nông” luôn gắn với sứ mệnh hoạt động của mình, nên Agribank Thanh Hóa luôn tích cực đầu tư vốn tín dụng cho lĩnh vực này. Để triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng “đen”, Agribank Thanh Hóa đã đẩy nhanh quy trình xét duyệt và giải ngân đối với khách hàng.
Ngân hàng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội như hội nông dân, hội phụ nữ… để tuyên truyền, quảng bá chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình đến người dân, đặc biệt là bà con khu vực vùng sâu, vùng xa – nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng, góp phần hạn chế ảnh hưởng của tín dụng “đen”…
Thùy Dung
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 6/2023)
VHDN: Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ và thúc đẩy hình thành thói quen […]