Trên bản đồ thế giới, Việt Nam có diện tích nhỏ mang hình chữ S nhưng là một quốc gia giàu tiềm năng du lịch. Với chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hoá và bản sắc dân tộc, lại được ưu đãi bởi vị trí địa lí thuận lợi, khí hậu và điều kiện tự nhiên, có đường bờ biển dài hơn 3.000 km với rừng cây xanh, cảnh quan hùng vĩ. Dọc theo đó, có 125 bãi biển, một trong 12 quốc gia có nhiều vịnh đẹp nhất thế giới. Nước ta có hơn 3.000 cảnh quan, di tích lịch sử được coi là di sản Quốc gia.
Đất nước có 8 di sản thiên nhiên và văn hoá đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình), Thành Nhà Hồ (Thanh Hoá), Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), Đài tưởng niệm Huế (Thừa Thiên Huế), Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam). Nước ta có rất nhiều di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc triều Nguyễn (Thừa Thiên Huế),
Đàn ca tài tử (Bạc Liêu), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), Hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Ví dặm (Nghệ Tĩnh), Lễ hội Gióng ở Phù Đổng và Đền Sóc (Hà Nội), Tôn thờ các vua Hùng,v.v…
Nước ta có 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới: Rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Đảo Cát Bà (Hải Phòng), Red River Delta biển và bờ biển Kiên Giang, Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn (Hà Giang), Cù Lao Chàm Hội An, Mũi Cà Mau, miền Tây Nghệ An và Đồng Nai. UNESCO còn công nhận 4 di sản tài liệu: Mộc bản triều Nguyễn (TP Huế), 82 bia tiến sĩ bẳng đá ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội), mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và Imperial Records của triều Nguyễn.
Du lịch Việt Nam với 7 vùng phong phú, đa dạng: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Ở mỗi vùng đều có nhiều danh thắng độc đáo, khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại, có một số địa danh “hơn cả thiên đường”: Mù Căng Chải (Yên Bái), Pù Luông (Thanh Hoá), Tràng An (Ninh Bình), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Măng Đen (Kon Tum), Địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh),v.v…
Cùng với sự phát triển du lịch, một số nhà đầu tư chiến lược tạo ra 35.000 cơ sở, hơn 80.000 buồng lưu trú tại các khu du lịch ở khắp 63 tỉnh, thành phố, hình thành chuỗi khách sạn nổi bật như VinGroup, Mường Thanh, Sun Group, BIM, Tuần Châu cùng các doanh nghiệp du lịch nổi tiếng như Vietravel, Saigontourist, HaNoi Tourist, Sun World, Đất Việt Tour,vv…Nhiều hãng du lịch quốc tế đầu tư vào Việt Nam như Accor, Marriott, Hyatte, Inter Continental, HG, Four Seasons, v.v…
Tại lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019, Việt Nam được bình chọn là điểm đến hàng đầu Châu Á, điểm đến văn hoá hàng đầu Châu Á, điểm đến Ẩm thực hàng đầu Châu Á. Thành phố Hội An được bình chọn là Thành phố văn hoá hàng đầu Châu Á.
Hoạt động du lịch phải dựa trên các lợi thế về cung (sản phẩm du lịch), về tài nguyên (điểm đến), về chính sách và doanh nghiệp chuyên ngành. Theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn sau năm 2020, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Nhìn lại chặng đường đã qua, du lịch nước ta có bước đột phá, đạt “đỉnh cao” vào năm 2019 với 85 triệu khách nội địa,18 triệu khách quốc tế (tăng 3 lần so với 2015), xếp thứ 3 khu vực ASEAN (sau Thái Lan, Malaixia), đóng góp 9,2% vào GDP. Trước đó, năm 1990 chỉ có 250.000 khách quốc tế, năm 1995 có 1,3 triệu, năm 2015 có 5 triệu khách quốc tế. Trong đại dịch COVID-19, khách nội địa giảm 50%, khách quốc tế giảm 90% so với năm 2019. Năm 2020 cả nước đón 3,7 triệu khách quốc tế (chỉ đạt 15% kế hoạch), bằng 8%, khách nội địa 56 triệu lượt, giảm 34% so với năm 2019. Năm 2022 khách nội địa 101,3 triệu lượt (tăng 150% so với mục tiêu), khách quốc tế đạt 3,5 triệu (kế hoạch là 5 triệu), chỉ bằng 20% so với trước đại dịch (2019).
Theo kế hoạch, năm 2023 cả nước đón 110 triệu khách trong nước, 8 triệu khách quốc tế. So với một số nước trong khu vực vẫn còn thua kém. Ví dụ: Năm 2019 Thái Lan (gần 70 triệu dân) thu hút 39,8 triệu khách quốc tế (nhiều công dân các nước đến Thái Lan 3-5 lần), năm 2023 Thái Lan đặt chỉ tiêu 25 triệu khách nước ngoài. Singapore có 6 triệu dân nhưng trước dịch mỗi năm có 15 – 20 triệu khách quốc tế, năm 2023 đặt chỉ tiêu 15 triệu lượt (bình quân 1 người dân Singapore đón 2,5 – 4 khách quốc tế/năm, trong khi Việt Nam 12 -15 người dân mới có 1 khách quốc tế)/năm,v.v..
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta có 21 ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển, một số được coi là “kinh tế mũi nhọn”: Ngành Năng lượng, Công nghiệp chế biến thực phẩm, Công nghiệp dệt may, Cơ khí điện tử, Ngành Xây dựng, Ngành Nông nghiệp, Thuỷ sản, Du lịch,v.v…
Phát triển du lịch trở thành “ngành kinh tế mũi nhọn” là định hướng có nhiều khả thi bởi tiềm năng, lợi thế và bản sắc văn hoá dân tộc, khí hậu và ẩm thực.
Tuy nhiên, với tiềm năng và số dân đứng thứ 13 trên thế giới (100 triệu) thì du lịch nước ta phát triển vẫn chưa tương xứng. Nguyên nhân do chính sách, pháp luật còn có những bất cập, nhất là về thị thực đối với công dân nước ngoài. Người Việt Nam đi ra nước ngoài được 55 quốc gia, vùng lãnh thổ miễn thị thực. Một số nước cho lưu trú 30 ngày trở lên. Còn Việt Nam, tính đến 15/3/2023 mới miễn thị thực cho công dân 25 quốc gia, vùng lãnh thổ, thời gian lưu trúi 15 ngày, 30 ngày chỉ dành riêng cho những người nước ngoài có công việc quan trọng.
Về tính chuyên nghiệp và hạ tầng du lịch còn thiếu tính đồng bộ. Sự kết hợp giữa ngành du lịch với các ngành công thương, giao thông vận tải, công nghệ thông tin,v.v…thiếu chặt chẽ. Lực lượng lao động được đào tạo, trình độ ngoại ngữ, tính chuyên nghiệp chưa cao. Mặc dù cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo người làm du lịch (62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm đào tạo và dạy nghề) nhưng so với nhu cầu nguồn lực đang rất thiếu.
Để du lịch phát triển theo phương châm “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch sẽ – Điểm đến an toàn, thân thiện”, ngành du lịch phải cơ cấu lại và Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, giá điện cho cơ sở lưu trú kinh doanh du lịch, hỗ trợ quảng bá thương hiệu. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, quan hệ hợp tác trong việc miễn thị thực cho công dân và nới lỏng thời gian lưu trú cho người nước ngoài. Thực hiện cạnh tranh trong các loại hình du lịch văn hoá – tâm linh, du lịch đô thị, du lịch hội nghị, du lịch biển đảo, du lịch Golf, du lịch khám chữa bệnh, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch miệt vườn, nông nghiệp – nông thôn, du lịch cộng đồng,v.v…
Phát triển du lịch sẽ kéo theo phát triển của nhiều ngành kinh tế: Giao thông vận tải, Bưu chính viễn thông, Bảo hiểm, Dịch vụ tài chính – ngân hàng, Dịch vụ lưu trú, ẩm thực, tiêu thụ hàng hoá,v.v…góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất trong nước, xuất khẩu tại chỗ, gia tăng thu ngân sách, thu ngoại tệ, góp phần tăng trưởng kinh tế. Phát triển du lịch còn nâng cao khả năng hội nhập, đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá, khoa học – công nghệ, đầu tư nước ngoài,v.v…
Kim Quốc Hoa
VHDN: Phát triển du lịch trở thành ngành dịch vụ tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, có vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn nhằm phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển của các ngành, lĩnh vực khác theo hướng bền vững; bảo tồn và phát huy các […]