Sự kiện - chuyên đề:

Nghệ An: Có thêm tiền đề, tiềm lực để phát triển nhanh, bền vững

VHDN: Lời dặn của Bác Hồ, đưa “Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”, trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An (ngày 21/7/1969) luôn là mục tiêu, là động lực, tình cảm và trách nhiệm của cán bộ và người dân trong tỉnh. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đây là tiền đề quan trọng giúp tỉnh Nghệ An có thêm tiềm lực để phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

 

Đặc biệt, với cơ chế bổ sung “Tỉnh Nghệ An được phân bố thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030 để đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An”, các huyện miền núi sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, miền núi.

Đại diện các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tham dự họp báo về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Nghệ An trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh: BNA

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, nhìn chung tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, có sự chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, UBND tỉnh đã quan tâm, tập trung triển khai thực hiện các Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hồ sơ, được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt 6,76%, đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 26 cả nước, cao hơn cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm ước thực hiện 11.897 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 140,2% cùng kỳ và vượt kịch bản đề ra. Cùng với phương châm thực hiện “5 sẵn sàng” về: quy hoạch; hạ tầng thiết yếu; mặt bằng đầu tư; nguồn nhân lực; sẵn sàng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh mà Đảng bộ, Chính quyền đã hoạch định. UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tính đến ngày 15/6, toàn tỉnh cấp mới 39 dự án, điều chỉnh 77 lượt dự án, với tổng số vốn là 16.921,9 tỷ đồng.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, để Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, sớm trở thành tỉnh khá của cả nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 – NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đây là văn kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đối với quê hương Bác Hồ kính yêu, tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Nghệ An đối với khu vực, vùng và cả nước; tạo sự thống nhất trong nhận thức của tất cả các cấp, các ngành, từ đó mở đường cho việc đưa ra giải pháp mới, đột phá nhằm thu hút nguồn lực để đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước. Trên thực tế, Nghệ An là một trong những tỉnh rộng nhất cả nước, dân số đông, quy mô lớn, tiềm năng, lợi thế rất đặc biệt. Thế nhưng những tiềm năng, lợi thế này chưa được “hiện thực hóa”. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết 39 đã định hướng, tạo điều kiện cho Nghệ An phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế đặc biệt của mình, đó cũng là mong muốn của Trung ương và Nhân dân cả nước. Có thể nói vai trò, ý nghĩa của Nghị quyết 39 rất là lớn, thiết thực và thực tiễn, bởi nó cung cấp tầm nhìn cho một khoảng thời gian phát triển. Ở đó, các định hướng, chính sách, mục tiêu đã phản ánh được nhận thức mới mà toàn bộ Đảng bộ, chính quyền và người dân Nghệ An phải phấn đấu ở mức cao nhất để xứng đáng với tiềm năng, lợi thế đó.

Cầu vượt đường sắt của QL46 với QL1A và đường sắt Bắc Nam: Huyết mạch tạo kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế của hành lang kinh tế Đông Tây cũng như cả khu vực. Ảnh: Lâm Oanh

Mỗi cán bộ, đảng viên cũng như từng người dân Nghệ An phải chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để tỉnh trở thành một địa chỉ đỏ đáng đầu tư, đáng cống hiến, đáng trải nghiệm. Hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý “điều quan trọng là phải biến Nghị quyết thành của cải, vật chất, thành hiện thực, sinh động”. Trên tinh thần đó, Nghệ An đã xác định được tầm quan trọng như thế nào, đặc biệt nhận thức rõ khâu tổ chức thực hiện Nghị quyết là một phương thức lãnh đạo đặc biệt quan trọng của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong tỉnh, thể hiện năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đã đề ra. Với phương châm “chủ trương 1, chương trình 10, hành động 100”, Tỉnh ủy Nghệ An đang rốt ráo trong khâu tổ chức thực hiện. Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39 đã được thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và đang được hoàn thiện để Thường trực ký ban hành chính thức. Trong điều kiện có hạn về nguồn lực, giới hạn về thời gian, đòi hỏi tỉnh phải có cách tiếp cận trong tổ chức thực hiện. Do vậy, việc xây dựng, ban hành Chương trình hành động là để xác định rõ mục tiêu, dự án, đề án cụ thể, song trong đó phải có lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên để thực hiện. Nghệ An cũng đã xác định rõ, ưu tiên số 1 sẽ dành cho nguồn vốn đầu tư công và cả nguồn huy động, kêu gọi đầu tư chủ yếu cho các hạ tầng trọng điểm. Theo đó, có 10 nhiệm vụ đầu tư dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đang được đề xuất chủ yếu trong lĩnh vực giao thông, chuyển đổi số, đô thị thông minh và y tế. Ngoài ra, Nghệ An cũng kêu gọi đầu tư vào 20 danh mục lĩnh vực, dự án trọng điểm trên các lĩnh vực: kết cấu hạ tầng, hạ tầng đô thị, khu dân cư, công nghiệp, nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại, du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên để làm được điều này, không chỉ cấp tỉnh mà đòi hỏi tinh thần chung sức, đồng lòng, chia sẻ, gách vác trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện, trong quá trình hiện thực hóa “khát vọng Sông Lam” để xứng đáng với mong muốn của Trung ương và Nhân dân cả nước, như lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Phải bước thật mạnh, tiến thật xa, Nghệ An như thế mới là Nghệ An…”.

 

Lâm Oanh

(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2024)

09:59:02 19-07-2024

VHDN: Lời dặn của Bác Hồ, đưa “Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”, trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho Ban Chấp hành Đảng bộ Nghệ An (ngày 21/7/1969) luôn là mục tiêu, là động lực, tình cảm và trách nhiệm của cán bộ và người dân […]

Đối tác của chúng tôi