Từ năm 2003, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 20-KL/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW, mà gần đây nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW. Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023. Quan điểm của Bộ Chính trị khi ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW là xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước. Nghị quyết hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và văn hóa xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hoá, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hoá xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường. Tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và văn hóa xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hoá, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hoá xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy…
Đồng thời, Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ (gọi tắt là Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao hay Quyết định 509/QĐ-TTg) theo Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021. Đây là Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trong cả nước, với tổng diện tích 618ha, được xây dựng tại các xã Nghi Lâm, Nghi Văn, Nghi Kiều, Khánh Hợp, Nghi Xá, huyện Nghi Lộc và xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, Nghệ An cần phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Cần phát triển rừng kinh doanh theo chuỗi giá trị, hướng tới công nghệ hiện đại. Là tỉnh sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh ngành lâm nghiệp, công tác thu hút đầu tư càng cho thấy, Nghệ An đã sẵn sàng cất cánh. Việc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn lựa chọn Nghệ An là địa phương tổ chức chuỗi sự kiện “75 năm – Lâm nghiệp Việt Nam hình thành và phát triển” vào cuối năm 2020 đã chứng minh ngành lâm nghiệp Nghệ An không chỉ sở hữu tiềm năng, dư địa phát triển lớn mà cách thức xây dựng kế hoạch, định hướng thực sự mang lại khác biệt. 10 năm qua, ngành chế biến gỗ và lâm sản của Nghệ An phát triển mạnh, điều này được thể hiện qua việc thu hút được một số dự án quy mô lớn, như: Dây chuyền sản xuất gỗ ghép thanh công suất 12.000 m3/ năm và gỗ ván MDF công suất 130.000 m3/năm tại huyện Nghĩa Đàn do Tập đoàn TH tư vấn về tài chính; nhà máy gỗ MDF Anh Sơn công suất 400.000 m3/năm; nhà máy gỗ ghép thanh của Công ty TNHH Thành Phát; nhà máy gỗ MDF của Công ty TNHH Tân Việt Trung; Công ty CP Thế giới Gỗ…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Nghệ An có diện tích rừng lớn nhất cả nước với trên 1.160.000 ha rừng, phong trào trồng rừng khá mạnh. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 15.614,17 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (14.775,37 ha trồng và 838,90 ha rừng tự nhiên). Hơn 6.000 ha đang được đánh giá để tiến hành cấp chứng chỉ rừng theo quy định.
Để Nghệ An sớm trở thành trung tâm sản xuất chế biến gỗ lớn nhất Bắc Trung Bộ cũng như để ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phát triển tương xứng tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển lâm nghiệp, Nghệ An đưa ra các giải pháp từ năm 2020 đến 2025: Nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế – xã hội và môi trường. Phát triển nghề rừng, kinh tế rừng theo chuỗi từ quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa. Ngoài ra, cần đánh giá quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà đầu tư. Xác định lựa chọn nhà máy chế biến, lĩnh vực trọng điểm để ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Tiếp tục nâng cao công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư đúng thời gian quy định. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, khuyến công để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư trên địa bàn. Tổ chức các chương trình khảo sát thị trường, tìm kiếm nguồn nguyên liệu theo nhu cầu của doanh nghiệp, cải tiến công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, đầu tư cụm công nghiệp chế biến gỗ tập trung các doanh nghiệp chế biến gỗ nội ngoại thất xuất khẩu và các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành chế biến gỗ (như: sản xuất bulong, ốc vít, tay nắm cửa, bản lề…). Đồng thời, Nghệ An cần tập trung vào các mục tiêu sau: Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo vùng sinh thái để phát huy tối đa tiềm năng. Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp từ khâu quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đến khai thác, chế biến và thương mại lâm sản; ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với tái cơ cấu kinh tế ngành, gắn với phát triển KT-XH của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của thế giới, với mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…
Lâm Oanh
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 7/2024)
VHDN: Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.486,5 km2, trong đó vùng đồi núi chiếm 83% tổng diện tích. Nghệ An được ví như một Việt Nam thu nhỏ, hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển kinh tế – xã hội […]