Sự kiện - chuyên đề:

Nghệ An: Thí điểm đề án trường tiên tiến trong năm học mới

VHDN: Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, năm học 2022-2023, Nghệ An bắt đầu thực hiện thí điểm đề án “Xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định 147/QĐ – UBND đã phê duyệt. Mục tiêu của đề án trường tiên tiến nhằm giáo dục toàn diện, hướng đến sự thành đạt của người học và hình thành cho học sinh những kỹ năng hiện đại, tư duy toàn cầu để chuẩn bị cho công dân toàn cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị – Nghệ An là trung tâm, trụ cột của khu vực Bắc Trung Bộ.

Lễ Khai giảng năm học mới 2022 – 2023 tại Trường Tiểu học Lê Mao.

Đề án triển khai còn là cơ sở để một số cơ sở giáo dục trở thành nhân tố tiên phong, nòng cốt để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông 2018, tạo bước đột phá trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh văn phòng Sở Giáo dục Nghệ An chia sẻ: Việc ban hành Đề án này cũng là tạo điều kiện nâng cao tinh thần Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn.

Nghệ An triển khai thực hiện thí điểm đề án đầu tiên tại thành phố Vinh với 5 trường là: Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Tiểu học Lê Mao, Trường THCS Đặng Thai Mai, Trường Thực hành Sư phạm – Trường Đại học Vinh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Do đây là một mô hình mới nên ngay sau khi UBND tỉnh ban hành đề án, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều cuộc họp với các địa phương và các nhà trường để bàn kế hoạch thực hiện và xem xét những thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ngày Hội đến trường của các bé Trường Mầm non Hoa Sen, năm học 2022 – 2023.

Với bậc mầm non, Trường Mầm non Hoa Sen là một trong những trường được chọn thí điểm mô hình trường tiên tiến. Cô giáo Nguyễn Hồng Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen cho biết: Nhà trường có khá nhiều thuận lợi, đó là ngoài đội ngũ giáo viên có chuyên môn vững chuẩn, có nền tảng vững chắc khi đã nhiều năm khẳng định được thương hiệu và chất lượng. Khi được lựa chọn xây dựng mô hình trường tiên tiến, nhà trường cũng lường trước được những khó khăn trước mắt đòi hỏi tập thể cùng nỗ lực, cố gắng; đồng thời xem đây là cơ hội để nhà trường khẳng định vị thế tiên phong về chất lượng – Trường mầm non trọng điểm của ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An và cũng là ngôi trường mầm non duy nhất thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Quan trọng hơn, nhà trường sẽ xây dựng chương trình dạy học mới với hai mục tiêu, đó là vừa đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, vừa đạt chuẩn đầu ra theo Chương trình Giáo dục tăng cường vừa đạt chuẩn.

Một góc Trường Tiểu học Lê Mao trong ngày Khai giảng năm học mới 2022 – 2023.

Cô Phạm Thị Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao chia sẻ: Trường Tiểu học Lê Mao, TP. Vinh là một trong những trường được chọn làm thí điểm mô hình trường tiên tiến. Việc xây dựng mô hình trường tiên tiến giúp nhà trường theo kịp với xu thế dạy học hiện nay và tạo một môi trường giáo dục đa dạng để phụ huynh có nhiều cơ hội lựa chọn. Trong quá trình triển khai, nhà trường thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định của Bộ. Đồng thời, xây dựng chương trình tăng cường dạy học các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, phát triển thể chất, năng khiếu giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm thực tế. Thực hiện mô hình tiên tiến, ngoài chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nhà trường sẽ tổ chức thực hiện 7 chương trình giáo dục tăng cường và tổ chức học 2 buổi/ ngày và tổ chức bán trú cho học sinh. Mức học phí giáo dục tăng cường thực hiện theo Quyết định số 31/2020/NQ – HĐND về quy định mức tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ hoạt động giáo dục nhà trường đối với các cơ sở giáo dục công lập của các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Cô Phạm Thị Trường Giang – Hiệu trưởng cho biết thêm: Nhà trường được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, đồng hành của ngành, đặc biệt là của Phòng Giáo dục và Đào tạo, ủy ban  nhân dân thành phố Vinh, cùng chính quyền địa phương nơi sở tại. Tuy nhiên, nhà trường đang vướng phải cơ chế. Quyết định số 31/2020/NQ – HĐND rất phù hợp với các nhà trường nhưng ban hành trước đề án “Xây dựng trường mầm non, phổ thông tiến tiến. Theo đó, chỉ đạo áp dụng Quyết định số 31/2020/ NQ – HĐND, nhà trường có lúng túng, khó khăn và vướng trước mắt: chưa biết lấy đâu để bù vào kinh phí phát sinh phục vụ tổ chức bán trú cho các lớp tiên tiến. Vì với các lớp tiên tiến do chương trình học của các cháu tăng thêm thời gian nên thứ 4 hàng tuần các cháu phải ở lại ăn bán trú (phát sinh 4 buổi trực trưa/tháng), cộng thêm 5 buổi ăn xế chiều, tổng cộng mỗi tháng phát sinh tối thiểu 20 buổi chiều phục vụ các cháu ăn uống. Mong muốn cấp trên có một cơ chế dành riêng cho trường tiên tiến để thực hiện công tác chăm sóc bán trú đảm bảo hơn; Đồng thời mong nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh để thực hiện tốt đề án, góp phần nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.

 

Lâm Oanh

Theo Tạp chí VHDNVN tháng 9/2022

08:20:54 12-09-2022

VHDN: Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, năm học 2022-2023, Nghệ An bắt đầu thực hiện thí điểm đề án “Xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu hướng hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030” theo Quyết […]

Đối tác của chúng tôi