Sự kiện - chuyên đề:

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế: Người gìn giữ và phát triển tranh Đông Hồ

VHDN:Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam từng đi vào bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm. Nhân dịp Tết đến Xuân về, Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế – người miệt mài với nghề làm tranh Đông Hồ.

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong,

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Đi qua thời kỳ phát triển rực rỡ, tranh Đông Hồ hiện đứng trước nguy cơ mai một. Được biết, trước kia có 17 dòng họ đã quy tụ về làng (làng Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đều làm tranh, nhưng hiện nay chỉ còn hai gia đình nghệ nhân theo nghề.

Một trong số đó có cụ Nguyễn Đăng Chế, 86 tuổi, người vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì những cống hiến trong gìn giữ và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Theo cụ Chế, làng nghề đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm nay. Đặc thù của tranh Đông Hồ là chỉ bán dịp Tết, bắt đầu bán từ tháng 12 âm lịch (tháng Chạp). Trước năm 1945, làng này có chợ bán tranh tại đỉnh Đông Hồ với 6 phiên chợ vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra bán cho lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo Tết để mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Sau phiên chợ tranh cuối cùng (26/12 Âm lịch) những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín đem cất chờ đến mùa tranh năm sau mang ra chợ bán. Từ năm 1945 đến bây giờ, không còn cái chợ ấy nữa, cũng không ai làm, không ai bán và mua tranh nữa. “Tôi làm nghề từ lúc 11 -12 tuổi. Gia đình tôi, đến đời tôi là 20 đời làm nghề này, các con, cháu tôi là đời thứ 21, 22 vẫn tiếp tục theo nghề. Trước năm 1945 cả làng đều làm nghề, tuy nhiên đến bây giờ chỉ còn 2 gia đình thôi là gia đình tôi và gia đình ông Sam, người làng đã bỏ nghề để làm hàng mã rồi.”, cụ chia sẻ.

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế xây dựng cơ ngơi về tranh Đông Hồ được 14 năm. Cụ thành lập doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tranh, cả gia đình cụ từ con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại sống bằng nghề làm tranh này. Cụ mới khôi phục lại nghề từ năm 1992 đến nay, khi cụ nghỉ hưu thì nghề làm tranh này của gia đình mới được phục hồi. Được vài năm sau thì tranh phát triển lên. Bây giờ gia đình cụ là một trong những điểm đến cho du khách tham quan, du lịch và mua tranh.

Cụ Chế cũng cho biết: “Sản phẩm tranh Đồng Hồ có bao nhiêu mẫu mã của làng Đông Hồ, giờ gia đình tôi có đủ hết. Tôi có gần 200 loại, gần 200 đề tài khác nhau. Ai hỏi, ai cần thể loại nào thì tôi có cái ấy. Hiện nay, tôi còn có 1 loại tranh, tập tranh mới đây có 150 loại, gồm có 17 bộ, mỗi bộ 4 cái”.

Ngoài các đặc điểm về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in đều là màu tự nhiên. Giấy in tranh từ cây dó trên rừng làm ra. Màu trắng được cụ Chế xuống tận Quảng Ninh mua con điệp rồi nghiền nát vỏ quét lên giấy dó, là giấy trắng hay gọi là giấy điệp. Màu đỏ bằng sỏi son, màu xanh bằng lá chàm, màu đen bằng than lá tre… Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu này mà thôi. Làm một bức tranh nếu không có bản khắc gỗ thì sẽ không ra sản phẩm được. Thường thì năm con giáp nào người ta sẽ lại đặt tranh có hình con vật năm đó.

Trong năm vừa qua vì dịch Covid-19, những lao động trực tiếp làm tranh của cụ phải nghỉ. Con cháu trong nhà chỉ làm những việc phụ, làm thêm vàng mã và chuẩn bị trước nguyên liệu trong công việc in tranh. Thỉnh thoảng có tốp khách đến tham quan… Năm nay, cụ cũng không dám làm lịch cổ năm Tân Sửu vì ngại vắng khách đến mua, trong khi các năm trước cụ cho làm vài ngàn bộ.

“Mình yêu nghề, lăn lộn giữ lấy nghề của cha ông và sống được với nghề. Mọi người biết, trên thế giới biết là hạnh phúc, vinh dự rồi… Năm nay không may mắn vì dịch Covid nhưng gia đình vẫn duy trì đều không gian làm việc và trưng bày, luôn sẵn sàng đón khách đến tham quan. Cứ dịp Tết đến Xuân về là các cơ quan báo chí, truyền hình tìm hiểu và đăng bài rất nhiều về tranh Đông Hồ. Năm 2021 là năm Tân Sửu, năm con trâu nên sản phẩm này được nhiều người quan tâm đến. Sản phẩm con trâu có 1 loại nhưng với nhiều kích thước khác nhau, cái to nhất tới 1m80, còn loại nhỏ nhất 26-37 cm nên phục vụ được nhiều đối tượng khách tham quan và mua sắm”, cụ Chế tâm sự.

Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, ngoài các tác phẩm tranh khác thì với cụ bức tranh Đám cưới Chuột là đặc sắc nhất, có lịch sử khoảng 500 năm tuổi. Bức tranh này nổi tiếng nhất của Đông Hồ, nó rất hài hước, châm biếm, đả kích xã hội phong kiến ngày xưa đã bất công, cổ hủ, thối nát, luôn chèn ép những người nông dân hiền lành “một nắng hai sương”.

Những năm gần đây, cụ cảm thấy rất vui khi Đảng và Nhà nước quan tâm đến tranh Đồng Hồ. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh cũng đang cho xây dựng Bảo tàng tranh Đông Hồ. Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO để dòng tranh này sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Song song với đó là các biện pháp bảo tồn gắn với phát triển du lịch để tranh Đông Hồ phát huy giá trị.

Mai Hương

09:22:13 26-01-2021

VHDN:Tranh Đông Hồ là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam từng đi vào bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm. Nhân dịp Tết đến Xuân về, Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ với nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế – người […]

Đối tác của chúng tôi