Nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Vui vinh dự là một trong 5 thanh đồng được công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2015. Trải qua 40 năm trong nghề, bao khó khăn nhọc nhằn giờ đây cũng được đền đáp bằng việc rất đông các con nhang đệ tử ở khắp các tỉnh thành đến để tìm chút tự tại trong tâm hồn và cùng nhau làm việc nghĩa. Không có gì nhưng lại dường như có tất cả, cõi tâm linh như dễ dàng trải lòng mình, quên đi những đau thương cuộc đời hay gần hơn là buông bỏ những sân si để bình yên tự đến gần kề.
Nghệ nhân Dân gian là danh hiệu cao quý của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao cho những người có thành tích trong bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa phi vật thể. Đó là những người có vai trò sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: ca trù, quan họ, hát xoan, chầu văn,…Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thực hiện từ năm 2001. Đến nay đã có gần 600 nghệ nhân được vinh danh. Hoạt động này góp phần quan trọng trong việc tiến hành phong danh hiệu Nhà nước: “Nghệ nhân Ưu tú,” “Nghệ nhân Nhân dân” cho những người có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Thị Vui cũng là một trong số đó. Bà là Phó Chủ nhiệm CLB Đạo Mẫu Việt Nam thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, thủ nhang đồng thầy Đền Thiên Nhiên Thánh mẫu Linh từ ở số 6 ngõ 260/1 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Ngoài ra, bà còn có một ngôi điện thờ ở thôn Đỗ Thượng, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên giao cho đệ tử Trịnh Thị Hằng trông nom hương khói. Hàng ngày cũng rất đông con nhang đệ tử đến đây. Bà thường xuyên đi đi về về hai nơi, hai gánh nặng việc tiên thánh. Bà chia sẻ “phải chăng đây âu cũng là số trời thiên cơ định mệnh”.
Bà đã cùng nhiều đồng thầy vinh dự mang di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới và được đánh giá cao như: Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Bungari, Hy Lạp, Myanma, Bỉ, Malaysia, Đức… Ngược về những ngày xa xưa, Nghệ nhân Đỗ Thị Vui cho biết, bà là người gần như không biết gì về đạo Mẫu, nhưng căn duyên đến với bà như trời định. Bà sinh năm 1957 trong một gia đình thuần nông có 8 anh chị em ở thôn Đỗ Thượng, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Bố của bà là một Cựu chiến binh trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc: đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Mẹ bà là tuýp người phụ nữ đảm đang, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con. Nghệ nhân Đỗ Thị Vui luôn tự hào về quê hương. Đây là vùng quê văn hóa giàu truyền thống cách mạng, điểm nổi bật về xây dựng nông thôn mới. Nhà thờ họ Đỗ (thôn Đỗ Thượng của bà) được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng cấp Quốc gia năm 1994. Năm 1946 nhà thờ họ Đỗ được Tổng bộ Việt Minh tặng thưởng một đồng tiền vàng của Bác Hồ và được Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng bằng khen có công với đất nước.
Trải qua bao tháng năm thăng trầm của cuộc sống, bà bén duyên với tín ngưỡng thờ Mẫu và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Nghệ nhân Đỗ Thị Vui chia sẻ: Phật Mẫu luôn khuyên con người dù ở vị trí xã hội nào, ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải luôn đặt chữ “tu thiện” hàng đầu để mở mang lòng người cho trí tuệ, tư duy được sáng suốt, minh mẫn và luôn yêu thương con người; không ham danh lợi, hiển vinh, không xa hoa, lãng phí, không hận thù, tham vọng, không ganh ghét, chia rẽ; không có tâm dạ xấu. Phải làm những việc nhân đức, thiện tâm, thiện ý, truyền thống đó cần được truyền sâu, nhân rộng.
Với tâm niệm ấy, những năm qua từ việc cá nhân phát tâm ủng hộ, bà còn kêu gọi các con nhang đệ tử ở khắp các tỉnh thành cùng chung tay ủng hộ xây dựng đình, đền, chùa, miếu mạo, kiến thiết các công trình văn hóa tâm linh ở khắp cả nước. Điển hình như đóng góp xây dựng tôn tạo mái Tam quan, Giếng Đền tại xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 1988, Nghệ nhân Đỗ Thị Vui dâng tượng Bác Hồ, câu đối, cửa võng, tô tượng chùa Minh Lý, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên; bà cùng các đệ tử phát tâm công đức xây dựng công trình nhà Mẫu thủy trung tiên Hồ Trúc Bạch gần 500 triệu đồng, và nhiều công trình ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Đặc biệt, bà cùng các con nhang đệ tử thường xuyên tổ chức các chuyến đi nghĩa tình cứu trợ đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn… Ngoài việc hành lễ ở 2 bản Đền, bà thường xuyên tổ chức cho bản Hội đi hành hương ở các đền to, phủ lớn, được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử Quốc Gia, như Phủ Dầy – Nam Định, Mẫu Âu Cơ – Phú Thọ, Mẫu Đền Sòng – Thanh Hóa, Đền Ông Bảy – Bảo Hà, Đền Ông Mười – Nghệ An, Đền Trần – Kiếp Bạc, Mẫu Đông Cuông… Những năm qua, bà Đỗ Thị Vui đã giúp đỡ rất nhiều người, đặc biệt đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Ước mong của bà sẽ cứu nhân độ thế cho nhiều người hơn nữa, giúp cho mọi người được sống cuộc sống an vui, thiện nguyện.
Hơn 40 năm theo và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, Nghệ nhân Đỗ Thị Vui giờ đây cũng tạm hài lòng với những gì mình làm được. Bà có một gia đình hạnh phúc, vì được chồng và các con luôn quan tâm, hợp lực ủng hộ. Chồng bà là Vũ Ngọc Cường sinh năm 1954, nguyên là cán bộ của Ban đối ngoại Trung ương. Bà có 2 người con trai và 1 người con gái. Ai cũng thành đạt và hiện nay đang công tác tại những cơ quan đầu ngành. Bà may mắn có được hai người con dâu thảo hiền, có học, biết trên biết dưới và có tới 10 con, cháu trình đồng mở phủ theo nghiệp của bà.Nguyện vọng của Nghệ nhân Đỗ Thị Vui là truyền dạy cho các con nhang đệ tử gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của nhân loại để những nghi lễ, tập tục cổ truyền tốt đẹp được giữ gìn và phát huy, không làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống.
Xin chúc cho bà và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, đạo tâm kiên cố và tiếp tục cống hiến thật nhiều khả năng, sức lực vào việc thiện.
Hồng Nhung -Thùy Dương
VHDN: Được nhiều người giới thiệu về nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Vui (số 6 ngõ 260/1 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) là người có Tâm, có Đức, chúng tôi tìm đến gặp bà và nghe những câu chuyện về việc thiện, mới thấy cuộc sống cần nhiều người như thế. Nghệ nhân […]