Sự kiện - chuyên đề:

Người có công đầu trong xây dựng và tôn tạo đền thượng

VHDN: UBND huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội vừa tổ chức Lễ tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên và khánh thành hạng mục công trình cốt 1.100 lên đến đền Thượng, đỉnh cao 1.227 m. Nhân sự kiện trọng đại này, bà Đặng Thị Mát – Thủ nhang đền Thượng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings vinh danh vì những đóng góp trong việc xây dựng và tôn tạo đền Thượng – Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh trên đỉnh núi Ba Vì.

Bà Đặng Thị Mát – Thủ nhang đền Thượng thực hiện lễ Hầu Chứng Đàn.

Bỏ qua những bon chen, ồn ào, chộn rộn của cuộc sống, trong ngày lễ hóa Đức Thánh Tản Viên, du khách tìm về chốn thiêng di tích đền Thượng với niềm tin tín ngưỡng hướng về bậc Thánh, thần đã được lưu danh sử sách. Tôi-trong vai kẻ bộ hành, thả lòng mình vào chốn “bồng lai tiên cảnh” để hít hà hương hoa dã quỳ thanh khiết của đất trời, tận hưởng không khí trong lành, chắp tay trước ngực, thành tâm khấn Phật, Thánh…

Nghệ nhân dân gian – Đồng đền Đặng Thị Mát đón nhận bằng Xác lập Kỷ lục Việt Nam.

Trong không khí của ngày lễ, con đường lên đền Thượng dốc đứng, cao vút. Dù vậy, những ngày cuối năm ai cũng muốn có mặt tại chốn linh thiêng này để cầu bình an, vì thế con đường mới được tu sửa nâng cấp đã trở lên tấp nập hơn. Bước từng bước chân lên mỗi bậc đá, tôi có cảm giác mây trời đang bay lơ lửng trên đầu. Từ nơi đỉnh cao này du khách có thể phóng tầm mắt ra xa thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên núi rừng vô cùng yên tĩnh. Cảnh vật quanh khu Đền Thượng – Nơi giữ bao ẩn tích gắn với truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh nhờ thế lại càng nên thơ hơn bao giờ hết. Theo chân dòng người cũng mất chừng hơn 20 phút từ bãi bằng của gần đỉnh Ba Vì là tôi đã tới chốn linh thiêng, hùng vĩ trong ngày Lễ hóa Đức Thánh Tản Viên.

Sau Lễ khánh thành con đường từ cốt 1.100 lên đến đền Thượng đỉnh cao 1.227m và nhiều nghi thức khác, trong đó có nghi thức rước kiệu Đức Thánh Tản Viên lên núi, du khách thập phương được chứng kiến các tiết mục hầu đồng đặc sắc của nghệ nhân dân gian, đồng thầy Đặng Thị Mát. Đây cũng là cách bà đem nét đẹp văn hóa đạo Mẫu, nghệ thuật Hầu bóng, hát Văn  truyền bá trong, ngoài nước. Cũng trong khuôn khổ sự kiện đặc biệt này, bà Đặng Thị Mát – Thủ nhang đền Thượng đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – VietKings chính thức xác lập và trao quyết định trao bằng kỷ lục “Người có công đầu tiên xây dựng và tôn tạo đền Thượng – Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh trên đỉnh núi duy nhất ở Hà Nội”. Đây là một bước ngoặt lớn nhằm đánh dấu, ghi nhận cống hiến cả cuộc đời của đồng đền Đặng Thị Mát trong việc bảo tồn và phát huy giá trị đạo Mẫu. Từ đây, bà cũng hy vọng những giá trị tốt đẹp của đạo Mẫu sẽ được lan tỏa để nhiều người biết đến. Nói về văn hóa đạo Mẫu của người Việt, đồng đền Đặng Thị Mát cho biết: “Đến với Mẫu phải bắt nguồn từ tâm, tâm luôn hành thiện thì mới có thể theo được nghiệp đó. Đạo Mẫu không dung túng cho những người hành đạo nhưng không hiểu đạo, không hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu hoặc cố tình “lợi dụng” Thánh để trục lợi cá nhân, làm sai lệch bản chất tốt đẹp của giá trị đạo Mẫu”.

Nghệ nhân dân gian – Đồng đền Đặng Thị Mát chia sẻ với phóng viên về những “bảng vàng thành tích” của mình tại nhà riêng.

Ít ai biết rằng để có được niềm vinh hạnh này, bà Mát một vai nặng gánh lo toan chuyện tâm  linh với vai trò “đồng đền”, người có trách nhiệm gìn giữ, chăm lo, quản lý ngôi đền. Câu chuyện xây đền Thượng trên đỉnh núi Ba Vì của bà Mát một lần nữa làm lay động biết bao trái tim du khách hành hương về dự lễ. Mọi người tán dương, khen ngợi, cảm phục và truyền tai nhau về chuỗi ngày nắng gió mưa rừng, không đường không lối, núi cao lại càng cao hiểm trở vô cùng, bà Mát đã cùng 15 người thợ gùi từng viên đá, phát từng hàng cây để leo lên đỉnh núi. Vật liệu xây dựng chỉ chuyển được bặng xe lên cốt 1.100, còn hơn 800m nữa leo núi phải vận chuyển bằng sức người. Vượt qua trăm ngàn  gian khó, bà chưa một lần trở bước. Dù cho nhiều người cùng bà từ những ngày đầu đã không thể chống chịu đến phút cuối cùng thì bà vẫn lặng lẽ, nhặt từng viên đá, tựa như  ghép từng nhân duyên… vào xây dựng ngôi đền.

Xác định đền Thượng là một công trình văn hóa tâm linh có quy mô bề thế, bà Mát luôn  tâm niệm đã là sứ mệnh mà Phật, Thánh giao phó thì dù khó khăn, khổ ải đến mấy vẫn phải hoàn tất việc xây đền Thượng. Từ năm 1996, được sự quan tâm của chính quyền và sự ủng hộ, tiếp sức của nhân dân, sau ba năm ăn sương nằm gió, trải nắng trải mưa, cuối năm 1996 ngôi đền đã dần hoàn thiện. Từ đó đến nay, nhờ tấm lòng vàng của những nhà hảo tâm, bách gia trăm họ liên tục phát tâm công đức mới có được ngôi đền khang trang như hiện nay. Đây còn là nơi quy tụ các giá trị văn hóa tâm linh đầy ý nghĩa về vùng đất linh thiêng nguồn cội.

Lễ cắt băng khánh thành hạng mục công trình cốt 1.100 lên đến đền Thượng, đỉnh cao 1.227m.

Trong những năm qua, di tích đền Thượng trên đỉnh núi Ba Vì đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong cả nước đến tham quan, chiêm bái. Có được điều này là do công lao to lớn của đồng đền Đặng Thị Mát. Ở bà, chúng ta thấy được cái tâm, cái tầm của một nghệ nhân dân gian, một đồng thầy, trong đó nổi bật là những đóng góp thầm lặng cho sự phát triển của đạo Mẫu. Đó chính là sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, sức mạnh ấy tự như vầng thái dương xua tan sương giá, mang đến sự ấm áp, bình an cho con người.

Ái Liên

 

 

 

 

15:08:05 12-02-2020

VHDN: UBND huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội vừa tổ chức Lễ tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên và khánh thành hạng mục công trình cốt 1.100 lên đến đền Thượng, đỉnh cao 1.227 m. Nhân sự kiện trọng đại này, bà Đặng Thị Mát – Thủ nhang đền Thượng đã […]

Đối tác của chúng tôi