Một mùa xuân nữa lại sắp về. Những ngày cuối năm này, tại các phố phường của Thủ đô Hà Nội không khí tết rộn ràng, hân hoan đang lan toả khắp các con phố. Trong không khí vui tươi, ấm áp ấy, phóng viên VHDN Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trần Lâm Hồ, một doanh nhân công giáo thành đạt. Tiếp tôi trong căn phòng rộng chừng 20m2 tại tư gia của mình ở phố Hoàng Cầu, ông Hồ vui vẻ tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề.
Ông Trần Lâm Hồ sinh năm 1943 trong một gia đình công giáo tại làng Phùng Khoang thuộc Thành phố Hà Nội. Ông là con thứ trong gia đình có tới 9 anh chị em. Bố ông tham gia cách mạng từ sớm. Trong ký ức của mình, mẹ ông là một người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó hết mực vì chồng vì con. Học hết lớp 7, ông xin vào làm việc tại Hợp tác xã Trường Sơn, một đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí. Tại đây ông làm việc hết sức mình, mong học được cái nghề. Là người rất tinh ý và khéo tay, chỉ sau vài lần chỉ bảo của những người công nhân đi trước, ông đã nhanh chóng nắm bắt được công việc và làm chủ được những máy móc, thiết bị của nhà máy. Năm tháng trôi qua, trình độ tay nghề của ông ngày càng được nâng lên rõ rệt, chàng trai trẻ Trần Lâm Hồ luôn khát khao được cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước.
Năm 1970, sau khi Hợp tác xã Trường Sơn sáp nhập với đơn vị khác, Tổ sản xuất Việt Long được thành lập do ông Trần Lâm Hồ phụ trách, lúc đó ông mới 27 tuổi. Tổ sản xuất có địa chỉ tại khu Cầu Dền, thuộc quận Hai Bà Trưng ngày nay. Ngày đầu thành lập, Tổ sản xuất Việt Long chỉ có vài công nhân với mấy chiếc máy cơ khí phục vụ cho việc sản xuất các loại phụ tùng xe đạp như: trục giữa, bàn đạp, chén cổ, moay – ơ… sản xuất trong điều kiện vốn ít, trang thiết bị máy móc thô sơ, lạc hậu, trình độ tay nghề của anh em công nhân còn hạn chế, công tác quản lý còn thiếu kinh nghiệm…
Trước thực tế đó, ông Trần Lâm Hồ đã phải đưa ra nhiều giải pháp để từng bước khắc phục. Ông vừa làm vừa học, học từ bạn bè, đồng nghiệp, học từ sách vở để nâng cao trình độ tay nghề. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định khăn gói vào tận miền Nam để học cách làm vành của người Hoa. Hồi đó chỉ có miền Nam mới biết làm vành xe đạp chứ miền Bắc chưa làm được. Người Hoa họ đột từng lỗ một, thấy vậy không ổn, về Bắc ông tự thiết kế và tự thi công máy làm vành với công nghệ vượt trội so với máy của người Hoa vừa rút ngắn được thời gian lại tiết kiệm được chi phí. Nhiệt luyện thì ông tự viết công nghệ và mời một kỹ sư nhiệt luyện ở Viện Công nghệ Trung ương đến hướng dẫn, cuối cùng cũng đã nhiệt luyện thành công…
Hầu hết các máy móc phục vụ sản xuất đều do ông tự nghiên cứu chế tạo ra. Qua đó vừa tiết kiệm được chi phí cho đơn vị do không phải mua máy mới, vừa giúp tăng năng suất lao động. Cứ như vậy, vừa làm vừa nghiên cứu mày mò thử nghiệm, cuối cùng ông đã thành công, sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, được thị trường đón nhận, đối tác đánh giá cao.
Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, ông cũng tích góp được một khoản tiền kha khá. Để mở rộng hoạt động sản xuất cũng như thuận tiện cho việc kinh doanh, ông quyết định mua mảnh đất tại số 7 phố Hoàng Cầu ngày nay. Năm 1991, Tổ sản xuất Việt Long chuyển về số 7 phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển. Nhận thấy mô hình Tổ sản xuất không còn phù hợp với quy mô và sự phát triển của đơn vị. Muốn làm ăn lớn, muốn ký kết được các hợp đồng lớn với đối tác thì nhất định phải thành lập công ty. Vậy là năm 2006 ông quyết định thành lập Công ty TNHH Sản xuất cơ khí và Thương mại Việt Long, có địa chỉ tại Cụm công nghiệp Trí Quả, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 2020, Công ty đổi tên thành Công ty TNHH xe đạp Việt Long như ngày hôm nay.
“Sống có ích cho mình, sống có ích cho gia đình mình, sống có ích cho dân tộc mình, sống có ích cho nhân loại và sống có ích cho con cháu sau này”. |
Ông Trần Lâm Hồ cho biết: “Với chiến lược đầu tư đúng đắn, từ một tổ sản xuất nhỏ, hiện nay chúng tôi đã có nhà máy với quy mô khuôn viên rộng 3ha, công suất đạt 6.000 chiếc xe/tháng, doanh số bán ra thị trường đạt 100.000 chiếc/năm. Thị trường rộng khắp với hệ thống đại lý phụ tùng có mặt ở hầu hết 63 tỉnh thành trên cả nước và tại đảo Phú Quốc của Việt Nam. Tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định, đóng góp cho công tác an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước”.
Với những nỗ lực không ngừng, thương hiệu xe đạp Việt Long đã vinh dự đạt Huy chương vàng tại Hội chợ quốc tế Hàng công nghiệp Việt Nam; nhiều năm liền đạt Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn; Bằng khen của UBND Thành phố Hà Nội về cuộc vận động 5 năm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Top 10 Thương hiệu Vàng Việt Nam; Top 10 Thương hiệu uy tín hàng đầu Asean; Top 10 Thương hiệu uy tín hội nhập toàn cầu. Cup vàng Thương hiệu uy tín châu Á tại Diễn đàn giao lưu hợp tác phát triển Việt – Trung năm 2024 tổ chức tại Trung Quốc.
Là một giáo dân “kính chúa, yêu nước”, một nhà quản lý doanh nghiệp, một doanh nhân thành đạt, ông Trần Lâm Hồ luôn sống “tốt đời – đẹp đạo”. Với phương châm 5 thật: “ăn thật, làm thật, nghĩ thật, nói thật, sống thật”, ông luôn tâm niệm phải “sống có ích cho mình, sống có ích cho gia đình mình, sống có ích cho dân tộc mình, sống có ích cho nhân loại và sống có ích cho con cháu sau này”.
Phương châm 5 thật:
“Ăn thật, làm thật, nghĩ thật, nói thật, sống thật”.
Trong công ty, nhà máy hay cả ở gia đình những câu nói ấy được ông treo ở chỗ trang trọng nhất, dễ nhìn nhất để tất cả mọi người hàng ngày đọc được và thực hiện theo. Câu nói ấy đã trở thành một khẩu hiệu, một nét đẹp văn hóa riêng biệt trong doanh nghiệp nhắc nhở mọi người từ lãnh đạo tới nhân viên phải sống sao có ích, làm ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội, cho nhân loại.
Không chỉ là một doanh nhân thành đạt, ông Trần Lâm Hồ còn là người có tấm lòng nhân hậu, ông luôn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, ủng hộ đồng bào bão lũ, tặng quà cho các gia đình chính sách, các thương binh, bệnh binh mỗi dịp 27/7 hoặc tết đến xuân về; ủng hộ Qũy Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Biển đảo…do địa phương phát động, được các cấp chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Ngoài ra, ông còn kết hợp với nhà trường tặng xe đạp cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn mỗi dịp bước vào năm học mới. Đặc biệt, ông đã tài trợ hàng tỷ đồng để xây dựng trường học, phòng khám y tế như: Trường Mầm non Nam Sơn (tại xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên); Trường Mầm non của giáo họ Chi Long (tại thôn Nguyên Lý, xã Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; Phòng khám y tế của giáo họ Chi Long…phục vụ cho con em bên Giáo cũng như bên Lương. Theo ông Hồ, đó cũng chính là cách để ông trả ơn cuộc đời, trả ơn tổ tiên. Với ông “cho đi chính là hạnh phúc”.
Nay đã bước sang tuổi 81, cái tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã bạc đi theo năm tháng, bước đi không còn nhanh nhẹn như xưa. Hiện ông không trực tiếp điều hành doanh nghiệp nữa mà lui về làm cố vấn cho lớp trẻ. Hy vọng rằng trong thời gian tới tuổi trẻ Việt Long sẽ làm nên điều kỳ diệu, con rồng Việt Long vẫn mãi bay cao trên bầu trời Việt Nam.
Quang Vinh
(Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 1-2/2025)
VHDN: Cha đẻ của thương hiệu xe đạp Việt Long đó là ông Trần Lâm Hồ, một doanh nhân công giáo nổi tiếng trên thương trường. Cả cuộc đời gắn bó với ngành xe đạp, bằng ý chí và nghị lực phi thường, ông đã đưa thương hiệu xe đạp Việt Long từ con số […]