Giám đốc Vũ Tiến Hợp.
Thái Bình là một vùng đất có nhiều loại hình văn hóa đặc sắc, nhiều di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng Quốc gia, là điểm hẹn du lịch của khách thập phương trong và ngoài nước, như: chùa Keo ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư; khu lăng mộ nhà Trần ở xã Tiến Đức; khu lăng, đình, đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà; khu di tích lịch sử Đền A Sào tại xã An Thái thờ phụng Đức thánh Trần Hưng Đạo; đền Đồng Bằng xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ; đền Tiên La xã Đoan Hùng… Gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa là các lễ hội. Trong lễ hội, đặc biệt ở những khu văn hóa tâm linh thường đều có những nghi thức hầu đồng. Đây là loại hình nghệ thuật đã có từ lâu đời, được lưu giữ trong dân và gần đây được công nhận là “Văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Là người yêu văn hóa truyền thống, trước sự mai một và biến tướng của một số loại hình văn hóa dân gian, anh Vũ Tiến Hợp đã đứng ra thành lập Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Văn hóa Việt, với mong muốn bảo tồn những dạng hình văn hóa cổ truyền dân tộc. Trò chuyên với phóng viên Tạp chí Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc Công ty Vũ Tiến Hợp cho biết: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình. Thuở đi học anh luôn là học sinh giỏi. Học xong cấp III tại Trường cấp III Bắc Đông Quan, Vũ Tiến Hợp thi đỗ vào Học viện An ninh. Do có khúc mắc về hồ sơ lý lịch, anh không được gọi nhập học. Đến tháng 3/1986, anh xung phong đi bộ đội, là tài vụ của Tiểu đoàn pháo 17 trực thuộc Sư đoàn 323 đóng tại Quảng Hà, Quảng Ninh. Sau 3 năm nghĩa vụ, anh trở về quê làm công nhân tại Cơ khí Trần Phú (thị xã Thái Bình).
Thanh đồng Hồng Luyến trong giá “Cô bé”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo nên anh rất am hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Những điệu chèo, hát văn, hầu đồng, múa rối nước… như nguồn sữa nuôi dưỡng tâm hồn anh. Cùng sở thích hoài cổ, du ngoạn, anh thường đến những nơi có không gian cổ kính rêu phong và đặc biệt là yêu những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mang tinh thần khí phách của cha ông, nơi gửi gắm những ước nguyện cao đẹp. Anh Hợp chia sẻ: “Mỗi lần đi xem, nghe và tìm hiểu những môn nghệ thuật này, tôi cảm thấy một chút chạnh lòng vì sự phát triển tràn lan không định hướng, có những tiêu cực, biến tướng mang nặng yếu tố thương mại, reo rắc mê tín dị đoan (như nghệ thuật tín ngưỡng thờ Mẫu) làm đảo lộn đạo đức, làm mất vẻ đẹp trang nghiêm thánh thiện, tinh thần cao đẹp mà người xưa muốn gửi gắm. Một số bộ môn khác, như: rối nước, hát xẩm… thì dần mất đi người kế tục. Ngay cả thư pháp cũng bị thương mại hóa làm mất đi ý nghĩa và phẩm chất người cầm bút. Trước thực trạng đó, tôi muốn đóng góp một chút sức lực giúp gìn giữ, phát huy, lấy lại vẻ đẹp thuần khiết, thay đổi cách nhìn nhận của công chúng”.
Tháng 7 năm 2015, anh thành lập Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Văn hóa Việt nhằm bảo tồn những dạng hình văn hóa cổ truyền dân tộc. Được sự đồng ý hỗ trợ của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình cùng sự liên kết chặt chẽ của Bảo tàng tỉnh Thái Bình, Công ty đã từng bước đưa các hoạt động văn hóa cổ truyền của dân tộc quảng bá, giới thiệu và nhân rộng đến công chúng, như: múa rối nước, hát chèo, tín ngưỡng thờ mẫu, nghệ thuật thư pháp. Công ty đã đưa các hoạt động có tổ chức hơn, đi đúng hướng, góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều mà Vũ Văn Hợp luôn trăn trở là làm sao để loại hình nghệ thuật hầu đồng luôn giữ được nét đẹp văn hóa vốn có của nó.
Toàn cảnh giá chầu.
Chia tay Vũ Tiến Hợp, người giám đốc đầy năng động, chúng tôi tin anh cùng với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Văn hóa Việt sẽ làm được điều đó, luôn là người giữ lửa cho văn hóa hầu đồng của quê lúa Thái Bình.
Đức Viên
VHDN: “Mỗi lần đi xem, nghe và tìm hiểu những môn nghệ thuật này, tôi cảm thấy một chút chạnh lòng vì sự phát triển tràn lan không định hướng, có những tiêu cực, biến tướng, mang nặng yếu tố thương mại, reo rắc mê tín dị đoan, làm mất vẻ đẹp mà người xưa […]