Quê gốc của Yên, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Những năm đầu 1960, nơi vùng quê chiêm trũng rất khó khăn, gia đình anh cũng thuộc diện nghèo túng bậc nhất nhì trong xã. Để mưu sinh, bố mẹ Yên đã đưa gia đình đến khu II, thị trấn Kỳ Sơn, Hòa Bình để sinh sống và anh được sinh ra ở đây. Hy vọng cuộc sống mới sẽ khá hơn, nhưng bao công sức của bố mẹ cũng chỉ tạm có cái ăn, còn cái mặc vẫn thiếu thốn… Cái nghèo cứ dai dẳng bám riết lấy gia đình anh. Là người con thứ hai trong 4 anh chị em, từ nhỏ bố mẹ đã nhận thấy Yên nhanh nhẹn và hiếu học, nên đã tần tảo làm ăn để nuôi 4 anh chị em ăn học, hy vọng sau này kiếm được việc làm sẽ đổi đời. Tuy nhiên, hy vọng của bố mẹ đã bị hẫng hụt khi Yên học hết lớp 8 thì quyết định bỏ học và gia nhập đội buôn gỗ lậu.
Vào cuộc buôn gỗ, làm ăn những năm đầu khá thuận lợi, khi chưa bị kiểm soát chặt chẽ, Yên đã kiếm được nhiều tiền tiêu sài và hỗ trợ gia đình, xây được nhà, mua được cả xe, cuộc sống đã khá hẳn so với trước. Làm ăn có phần suôn sẻ, lại giao du với các đối tượng hàng “anh chị” trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, Yên đã làm chủ cung đường đưa gỗ về xuôi. Có vốn làm ăn, cộng với kinh nghiệm đã có, Yên đã tự mình đứng ra thành lập đường dây buôn bán gỗ lậu xuyên các tỉnh, từ Tây Bắc về các tỉnh dưới xuôi thuận lợi và đã trở thành một “đại ca” buôn gỗ có tiếng. Những cánh rừng khu vực Tây Bắc, cứ ở đâu có gỗ quý là ở đó có dấu chân của Yên và lâm tặc. Buôn gỗ lậu, có tiền Yên đã sa vào cờ bạc giải khuây và trượt dài trên con đường “ khát tiền ”. Năm 1989 trong một lần giao hàng cho một công ty ở Chương Mỹ, Hà Nội không đúng chủng loại gỗ như hợp đồng, cả nhóm hợp tác với Yên không được thanh toán, cũng đồng nghĩa với việc họ không được chi tiền hoa hồng. Đòi không được, cả nhóm đã dùng súng cưỡng chế Giám đốc công ty để cướp tài sản của họ. Sau khi bị tố cáo, 6 người đã lần lượt sa lưới pháp luật. Yên không trực tiếp tham gia, nhưng là người liên đới (đồng phạm) đã trốn thoát và cả chục năm bị truy nã toàn quốc, sống một cuộc sống chui lủi.
Nhanh chân trốn khỏi vùng hoạt động và bị truy nã toàn quốc, Yên đã lang bạt khắp nơi để trốn sự truy lùng của lực lượng chức năng. Yên trốn lên vùng núi Tuyên Quang để ẩn mình. Nghĩ sẽ không thoát được lưới trời lồng lộng, càng nghĩ càng hoảng và tâm lý giằng xé qua hàng đêm không sao Yên chợp mắt được. Con đường thoát thân duy nhất là tìm đường vượt biên sang Trung Quốc, với ý định chỉ tạm lánh một thời gian để vượt biên tiếp sang Hồng Kông, nhưng không thành. Từ Trung Quốc, Yên quay trở lại Tuyên Quang, bắt đầu thay tên đổi họ và sống bám vào những vùng giáp rừng để khi có động lại cao chạy xa bay vào rừng. Chỉ cần sống cho qua năm này, tháng khác nên việc gì kiếm ra tiền Yên đều chấp nhận làm. Cay đăng và cả tủi nhục, nhưng là bước cùng đường nên đành chấp nhận.
Sau khi đã thay tên đổi họ, quen dần với cuộc sống đầy sợ hãi và ít giao du quan hệ, Yên đã hòa nhập cuộc sống giả danh để ẩn náu ở vùng này làm ăn. Sau 10 năm trốn lệnh truy nã, Yên đã tự tin và nghĩ rằng vậy là cơ quan Công an đã không nhắc tới tên mình nữa. Một phần do quá lâu, vụ án đã rơi vào quên lãng, tuổi nhiều, dáng người cũng đã có nhiều nét thay đổi … vì vậy, Yên quyết định về quê thắp hương để tạ lỗi với tổ tiên và bố mẹ. Lưới trời lồng lộng, Yên nghĩ như vậy nhưng thực tế đã khác hoàn toàn. Yên đã bị bắt tại Hòa Bình ngay trong chuyến đi ấy và bị Tòa án xử 10 năm tù giam, kết thúc 10 năm trốn chạy.
Từ những ngày đầu vào tù, Yên luôn phấp phỏng mong chờ người thân vào thăm, nhưng không thấy.
Những ngày trong tù, đêm nằm thao thức không chợp mắt được, sau tiếng kẻng báo thức là chuỗi công việc do cán bộ trại giao cho đi lao động. Bây giờ Yên mới thấm thía công dưỡng dục của bố mẹ và những tình cảm của người thân đã dành cho mình. Nuốt nước mắt để chảy vào trong, Yên quyết chí cải tạo tốt. Một hôm, có người bạn tù thân tình với Yên, khi được mãn hạn tù đã tìm gặp chia tay và dặn câu ngắn ngủi “ Mày ở lại, cố gắng cải tạọ tốt để sớm được về với gia đình”. Lời chia tay chỉ có vậy, nhưng là sự chân thành của bạn tù như thôi thúc Yên quyết tâm cải tạo tốt hơn. Trải qua nhiều công việc, Yên được Ban Quản giáo trại nhận xét là tù nhân nhanh nhẹn, hoạt bát và chăm chỉ nên được giao nhiệm vụ làm kinh tế VAC gồm: ao cá, đàn gà, vịt và nuôi hàng chục con lợn, dê . Ngoài ra, khi được cắt cử vẫn phải đi làm đá như các tù nhân khác. Những năm đầu còn lạ lẫm vất vả, nhưng dần thành quen và có kinh nghiệm, nên công việc bận rộn và mệt nhọc Yên vẫn vượt qua. Bằng những thành tích phấn đấu tu dưỡng tốt, năm nào Yên cũng được biểu dương và nêu gương học tập cải tạo tốt. Với nỗ lực ấy, Yên đã được ghi nhận và đề nghị mãn hạn tù trước 3 năm. Năm 2005, trong niềm vui nụ cười lẫn nước mắt, anh đã được trả tự do để hoàn lương.
Cải tạo tốt, được mãn hạn tù trước 3 năm để hòa nhập cộng đồng, bỏ qua những mặc cảm lạnh lẽo của người đời, anh xin thầu lại toàn bộ 1,3 ha mặt nước của Hợp tác xã Đoàn Kết và gần 4ha ao của một số hộ dân ở khu II, thị trấn Kỳ Sơn bỏ hoang. Sẵn có kinh nghiệm chăn nuôi gà vịt và thả cá, nuôi lợn và nuôi dê làm VAC trong tù, Yên mạnh dạn vay tiền người thân để đầu tư nuôi cá và gia cầm. Nhưng năm đầu không may, do thông thủy không tốt, gặp mưa lớn, cá đi hết, gà cũng chết. Không có thu nhập, nỗi buồn của kẻ khó lại ập đến. Tự đứng dậy ngay chính nơi mình vấp ngã, Yên lại đi vay và vẫn đầu tư nuôi cá, nuôi gà, nuôi hàng chục con lợn nái và cả dê. Một mình không làm hết, anh thuê thêm người dù trả lương ban đầu ít ỏi nhưng bà con vẫn ủng hộ. Năm sau anh đã có thu nhập tốt hơn, số tiền thu từ cá và vịt được trên 40 triệu đồng.
Có chút vốn, anh mở rộng trang trại, nhận thầu thêm được 6ha đất rừng hoang để trồng keo. Cuối năm 2006, trang trại của anh đã cho thu nhập trừ chi phí đã lãi được khoảng 100 triệu đồng. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, anh tiếp tục mở rộng sản xuất chăn nuôi và đấu thầu đất trồng rừng. Đến năm 2008, anh đã có trong tay 210 ha rừng keo hai năm tuổi, 1.000 con vịt đẻ, hàng trăm con lợn mán, dê thương phẩm. Thấy vị trí gần đường giao thông, thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm về thành phố Hà Nội, anh nuôi thêm lợn rừng lai. Giống lợn này khỏe chịu được bệnh tật dễ nuôi, giá thành cao, phù hợp với điều kiện trang trại rộng. Năm 2009, anh đã thu hoạch lứa đầu tiên từ chăn nuôi lợn rừng thương phẩm. Cùng với các nguồn thu nhập khác, anh mua được căn nhà ở thị trấn Kỳ Sơn.
Thành công nối tiếp thành công, có lúc nằm anh nghĩ vẩn vơ, hạn đã lùi xa, vận may đã đến. Ý chí phải trồng rừng để “ trả nợ rừng ” thôi thúc Yên mở rộng diện tích trồng rừng. Anh bắt tay khảo sát và làm đề án trồng rừng trên đất trống, đồi trọc, hoang hóa. Đề án khả thi, được các cấp chính quyền cùng người dân ủng hộ, mọi đề xuất hợp lý được giải quyết nhanh chóng. Đến nay, anh đã có hàng trăm ha rừng trồng các loại cây gỗ quý như lát, sưa. lim, táu … được quy hoạch hàng chục ha đang lên xanh tốt. Ngoài ra Yên mở rộng trang trại nuôi lợn rừng, lợn nái thương phẩm, 5 ha nuôi cá, hàng nghìn con vịt đẻ… Anh thường xuyên tạo việc làm cho lao động địa phương với mỗi ngày công 70 – 100 nghìn đồng, có ngày lên đến hơn 100 người phụ giúp. Bà con lao động yêu thích nhất là tính song phẳng của Yên. Làm ngày nào trả tiền ngày ấy, nhân viên đến tháng lĩnh lương, không nợ thậm chí làm tốt có thưởng xứng đáng.
Anh còn cho biết: Hầu hết nguồn thu nhập từ trang trại đều được đầu tư vào trồng rừng. Sang năm, bắt đầu khai thác 30 ha rừng lứa đầu tiên. Ước tính mỗi ha cho thu hoạch từ 60- 70 triệu đồng. Tính sơ qua anh thu được trên dưới 2 tỷ đồng. Anh bảo: Tôi có nợ với rừng, đây là lúc tôi trả nợ rừng. Tôi còn dự định biến những cánh rừng của tôi đang quản lý sẽ xây dựng dự án thành khu du lịch sinh thái lý tưởng ở Hoà Bình. Đó là khu dưỡng lão cho người già, khu khách sạn 5 sao cho khách du lịch, khu biệt thự cho những người có thu nhập cao và khu vui chơi giải trí, khu ẩm thực… đất còn lại trồng cây thông và gỗ quay. Yên còn dự báo, trong tương lai không xa, đường cao tốc Hà Nội- Hòa Bình, Hòa Bình- Sơn La sẽ chạy sát khu đất rừng của anh. Những ý tưởng của Yên đã và đang được thực thi, chắc chắn trong tương lai nơi Yên đã quy hoạch được cấp trên phê duyệt sẽ biến thành hiện thực.
Chị Ngần người vợ trẻ kém Yên tới 18 tuổi, quê Hải Dương, gia đình cũng di cư lên đây, vui vẻ kể câu chuyên về gia đình mình. Ngày ấy sau khi Yên được trả tự do, trong một lần tình cờ gặp nhau, họ quen nhau và bắt đầu có tình cảm với nhau. Sau mấy tháng tìm hiểu, Yên quyết định cầu hôn. Điều khó khăn nhất là gia đình nhà Ngần rất mặc cảm, không ai đồng ý. Song vì tình yêu, họ đã đến với nhau chân thành. Một câu chuyện thật cảm động Yên kể về tình cảm của hai người đồng hành khi gia cảnh rất khó khăn ban đầu, đó là: Trên trại lợn mấy hôm liền có lợn nái đẻ con, từ nhà đến trại lợn khoảng 800 m nhưng đồi dốc, lại mưa, đường trơn, trời tối, vợ chồng phải lên cùng nhau để chăm lợn đẻ. Yên phải xách hai thùng cám, mỗi thùng chừng hơn 20 kg, Ngần đang mang bầu cũng sắp đến kỳ sinh nở, mồ hôi cứ chảy thành dòng, phải cắn răng chịu đựng. Bao mệt nhọc và gian khó, cũng chỉ có hai vợ chồng xoay sở trắng đêm để dõi theo từng chú lợn con ra đời an toàn. Vậy mà, thấm thoát cũng đã gần 20 năm, thời gian và sự tử tế của Yên, sự yêu thương của Ngần đã lấp đầy khoảng trống để bù lại cho tổ ấm của họ đến bây giờ thật hạnh phúc. Yên và Ngần đã có 2 người con, một gái và một trai, các con ngoan và học giỏi.
Ngần vui vẻ kể lại câu chuyện tình dang dở của Yên trước khi bị kết tội 10 năm tù. Khi ấy, Yên đã có đứa con trai trước khi Yên thi hành án. Với mong muốn được đoàn tụ, gần 20 năm sau, Ngần đã gọi đứa con riêng của chồng đến nói thật lòng mình về những vận hạn của Yên, những ước muốn của Ngần và Yên hiện tại cũng như tương lai của cả gia đình. Tình cảm và lòng chân thành của Ngần đã cảm hóa con riêng của Yên và cuộc đoàn tụ giàu nhân nghĩa đã gắn kết họ thành một gia đình thật hạnh phúc. Cũng như sự can ngăn của gia đình Ngần trước đây về tình yêu của họ, đã qua những năm tháng đầy lạnh lùng, bằng những việc làm chân thành và sự tử tế của Yên đã làm thay đổi hoàn toàn từ nhận thức đến hành động của gia đình Ngần. Đến bây giờ từ việc nhỏ đến việc lớn, gia đình bên ngoại đều chia sẻ và bàn bạc với vợ chồng Yên để cùng nhau xây dựng, cả gia đình sống tình cảm thật hạnh phúc biết bao.
Nhìn cây sung ngay trong sân nhà dễ cả người ôm không hết, vợ chồng Yên đã trồng khi về chung một nhà, cây cao vút, lá xanh tươi và đặc biệt quả chen dày thân cây. Tôi thầm nghĩ, vợ chồng Yên đã và đang hạnh phúc viên mãn. Yên rất tự tin vừa cười, vừa nói với tôi “anh đã thấy cuộc sống của gia đình em, cũng như những cánh rừng đang xanh tốt và cả dự án của em đang triển khai sẽ trở thành hiện thực, em rất vui”.
Theo Tạp chí in VHDN tháng 11/2023
(Vũ Quang Minh)
VHDN: Những ngày cuối thu, tôi có dịp đi cùng anh bạn tới thăm công ty của Trịnh Văn Yên tại thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. 200 ha trong hàng trăm ha đất rừng đang đựơc quy hoạch thành khu sinh thái tổng hợp, đa năng với nhiều hạng mục, đã và đang […]